Một chạm là xong

Người dân giờ đây đã có thể dùng thẻ chip nội địa có chức năng thanh toán không tiếp xúc, chạm nhẹ vào máy POS để mua vé xe buýt điện Vinbus ở Hà Nội.

Tuyến xe buýt điện đầu tiên tại Hà Nội đã chính thức vận hành phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đây là phương tiện giao thông công cộng thuần điện đầu tiên, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại và văn minh. Trong đó, hành khách có thể sử dụng thẻ chip nội địa của các ngân hàng phát hành để mua vé không tiếp xúc.

Trải nghiệm dịch vụ này, khi bước lên xe, thay vì phải móc ví lấy tiền để mua vé, hành khách có thể sử dụng thẻ chip nội địa, có chức năng thanh toán không tiếp xúc của các ngân hàng, chạm nhẹ vào máy POS (thiết bị thanh toán) đặt trên xe. Không cần phải nhập mã pin, phải ký xác nhận, tiền trong tài khoản sẽ bị trừ và vé tự động sẽ được in ra, thời gian chỉ tính bằng giây, rất nhanh gọn và tiện lợi.

{keywords}
Một chạm là xong.

Ứng dụng thanh toán giao thông công cộng bằng thẻ chip mang lại tiện ích và trải nghiệm mới cho người dùng, thu hút người dân di chuyển bằng các phương tiện công cộng nhiều hơn và hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc minh bạch các nguồn thu, tránh bị thất thoát. Đây cũng là cơ sở để tối ưu hóa tiến tới mô hình thành phố thông minh.

Tiếp sau Hà Nội, dịch vụ này sẽ được triển khai tới các địa phương khác như Đà Nẵng, TP.HCM, nơi sẽ có dịch vụ xe buýt điện.

Hiện tại hành khách có thể sử dụng thẻ chip nội địa có chức năng thanh toán không tiếp xúc, do 7 ngân hàng phát hành gồm: TPBank, BIDV, Agribank, SHB, Viet Capital Bank, Viet Bank và SeABank để mua vé xe điện Vinbus,.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), đơn vị liên kết thực hiện dịch vụ này cho biết, thời gian tới sẽ có thêm hàng loạt ngân hàng nữa sẽ tham gia. Từ hợp tác đầu tiên này, sẽ mở rộng ra tất cả các tuyến thanh toán phục vụ cho việc tham gia giao thông của người dân, từ xe buýt truyền thống, đến đường sắt, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe khách liên tỉnh,... và phát triển trên toàn quốc.

Ứng dụng thẻ chip không tiếp xúc để mua vé xe buýt điện Vinbus ở Hà Nội trong là một minh chứng cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông công cộng.

Hệ sinh thái thẻ chip

Theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng. Thẻ chip nội địa không chỉ dừng ở các chức năng cơ bản rút tiền tại các cây ATM và thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán POS, mà còn được tích hợp sử dụng trong các lĩnh vực khác như: giao thông, y tế, giáo dục,...

Với sự thuận tiện, nhanh chóng, an toàn của thẻ chip, sẽ thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, góp phần phát triển kinh tế số, ông Hùng nói.

{keywords}
Trải nghiệm mới.

Thẻ chip nội địa Việt Nam chính thức ra mắt từ tháng 5/2019, ban đầu với thẻ ghi nợ nội địa, sau đó có thêm thẻ trả trước nội địa và thẻ tín dụng nội địa. Hiện có hơn 40 ngân hàng thương mại phát hành thẻ chip nội địa.

Thẻ chip nội địa có hai loại: tiếp xúc (thẻ chip contact) và không tiếp xúc. Với thẻ chip tiếp xúc, khi thanh toán, khách hàng phải đưa thẻ vào máy POS để thực hiện. Phải nhập mã pin, phải chờ lấy hóa đơn và ký. Với không tiếp xúc, khi thanh toán, khách hàng chỉ cần đưa thẻ gần hoặc chạm nhẹ thẻ trên máy POS là giao dịch được hoàn tất, không phải nhập mã PIN (với các giao dịch có giá trị nhỏ), không phải lấy hóa đơn và ký.

Theo Nappas, thẻ chip nội địa được ứng dụng công nghệ hiện đại, trên bề mặt thẻ có gắn một vi mạch. Thông tin khách hàng sẽ được lưu cố định tại chip và mật mã thay đổi theo mỗi giao dịch, nên khả năng bảo mật cao hơn, giúp phòng chống gian lận giao dịch. Đặc biệt, chuẩn thẻ chíp của Việt Nam có công nghệ hiện đại, hiện sánh ngang với những nước tiên tiến đã triển khai trước đó như Anh, Úc, Singapore hay Malaysia.

Ưu điểm nổi trội của thẻ chip không chỉ đảm bảo độ an toàn cao mà còn có thể tích hợp nhiều tính năng thanh toán trong các lĩnh vực như: y tế, giao thông, bảo hiểm, dịch vị công, thuế,... Từ tháng 9/2020, thẻ chip nội địa đã kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Với kết nối này, khách hàng có thể thanh toán các dịch vụ công trên phạm vi cả nước.

Các loại dịch vụ công có thể thanh toán gồm tiền thuế về đất đai, nộp phạt vi phạm giao thông, đóng và gia hạn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạm ứng án phí, thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính.

Việc phát triển các sản phẩm thanh toán đa tính năng ứng dụng công nghệ chip trong nhiều lĩnh vực, nhằm đem lại nhiều tiện ích, gia tăng trải nghiệm cho người dùng, từ đó thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân cũng như nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế.

Trần Thủy

Thay đổi thói quen, 'bùng nổ' thanh toán không dùng tiền mặt

Thay đổi thói quen, 'bùng nổ' thanh toán không dùng tiền mặt

Hậu đại dịch Covid, người dân đã hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Việt Nam đã thay đổi rất nhanh và thanh toán không dùng tiền mặt dần trở nên phổ biến.