Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa thông qua quyết định bán toàn bộ gần 63 triệu cổ phiếu, tương ứng 26,27% vốn tại LDG. Thời gian đăng ký giao dịch từ ngày 22/7 đến 20/8 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Cùng lúc, công ty con của DXG là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 25 triệu cổ phiếu LDG, tương đương 10,45% vốn điều lệ của Đầu tư LDG.

Như vậy, tổng cộng nhóm cổ đông Đất Xanh sẽ bán 88 triệu cổ phần CTCP LDG đang nắm giữ, tương ứng 36,72% vốn điều lệ tại LDG với giá không thấp hơn 6.000 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá 6.100 đồng/cp hiện nay, nhóm này sẽ thu về gần 540 tỷ đồng và sẽ lỗ khoảng 500 tỷ đồng.

Đây là một diễn biến khá bất ngờ bởi khoản đầu tư vào LDG được xem là khoản đầu tư chiến lược; LDG cũng có ngành nghề đầu tư phát triển bất động sản, tương tự như Đất Xanh và cũng triển vọng khá tốt với việc sở hữu nhiều dự án lớn.

Trong phiên giao dịch sáng 22/7, ngày giao dịch đầu tiên theo thời gian đăng ký chuyển nhượng 88 triệu cổ phiếu LDG, thị trường chứng kiến giao dịch thỏa thuận hơn 40,5 triệu cổ phiếu LDG, giá trị gần 250 tỷ đồng, tương đương trung bình 6.150 đồng/cp.

Nếu nhóm cổ đông Đất Xanh thoái vốn ở mức giá như hiện tại, thì DXG nhiều khả năng sẽ phải hạch toán lỗ ngay trong quý III, sau khi đã lỗ trong quý II và chứng kiến lợi nhuận tụt giảm 99% trong 6 tháng.

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó.

Vụ thoái vốn tại LDG của nhóm DXG khiến nhiều người bất ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi: tại sao lại thoái vốn ở vào thời điểm giá thấp như hiện tại? Hoạt động kinh doanh của LDG có vấn đề gì không? DXG không còn coi thương vụ đầu tư vào LDG là khoản đầu tư chiến lược?...

Những giải thích ban đầu cho thấy, lý do là ở các xung đột lợi ích trong quá trình phát triển bởi chiến lược và phạm vi hoạt động của LDG và DXG cơ bản giống nhau. Nó khiến nhiều người liên tưởng tới trường hợp sở hữu và quán lý chéo ở 2 doanh nghiệp trong ngành Coteccons và Ricons.

Tuy nhiên, ở trường hợp DXG và LDG có thể khác. Câu trả lời vẫn chưa thỏa đáng, nhất là khi DXG sẽ phải ghi nhận khoản lỗ lớn như vậy.

Trước đó, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư tài chính thua lỗ như trường hợp cổ đông ngoại bỏ 5 tỷ USD đầu tư vào Sabeco và ghi nhận vốn hóa bốc hơi 40-50%. Tuy nhiên, khoản đầu tư của tỷ phú Thái là chiến lược, nhằm mở rộng thị phần tại Đông Nam Á.

Cuối 2019, Sumitomo Life đầu tư 173 triệu USD mua 41,4 triệu cổ phần BVH của Tập đoàn Bảo Việt, tương ứng mức giá 96.817 đồng/cp, nhưng hiện cổ phiếu BVH chỉ còn 45.500 đồng/cp. Thương vụ giúp Sumitomo Life đi sâu hơn vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Mitsui & Co mua cổ phần Thủy sản Minh Phú MPC ở mức 50.630,5 đồng/cp nhưng giá hiện nay chỉ còn 26.900 đồng/cp.

Nhiều tập đoàn lớn mua cổ phần tại nhiều doanh nghiệp như MSN, VIC,... và ghi nhận mức lỗ khá lớn nhưng hầu hết đều không bán ra bởi đây đều là các khoản đầu tư chiến lược với những tính toán riêng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 24/7, chỉ số VN-Index giảm mạnh hơn 12 xuống ngưỡng 840 điểm.

Theo BVSC, VN-Index có thể chịu áp lực điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp về vùng hỗ trợ quanh 820-830 điểm khi tâm lý nhà đầu tư vẫn tương đối thận trọng. VN-Index sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh quý II được công bố trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs tracking theo chỉ số như VN30, VNDiamond và VNFin Lead cũng có thể tạo ra những biến động khó lường trên thị trường.

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 25-40% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn. Đối với các vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua tại vùng hỗ trợ 820-830.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/7, VN-Index tăng 1,67 điểm lên 856,75 điểm; HNX-Index giảm 1,26% xuống 113,87 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 4,3 ngàn tỷ đồng.

Tính tới 14h25 phiên giao dịch chiều 24/7, VN-Index giảm 28,60 điểm xuống 828,15 điểm; HNX-Index giảm 4,52 điểm xuống 109,32 điểm. Upcom-Index giảm 1,73 điểm xuống 55,59 điểm. Thanh khoản đạt tăng vọt, đạt 7,9 nghìn tỷ đồng.

V. Hà