Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm vừa công bố thông tin: Amersham Industries Limited, thuộc nhóm Dragon Capital, đã mua thêm 1 triệu cổ phiếu KBC. Giao dịch giúp nhóm Dragon Capital tăng nắm giữ lên hơn 47 triệu cổ phiếu tại KInh Bắc, tương ứng hơn 10%.

Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, nhóm quỹ ngoại đã gom hơn 23 triệu cổ phiếu khu công nghiệp này và trở thành cổ đông lớn. Đây cũng là khoảng thời gian cổ phiếu KBC tăng từ 16.000 đồng lên mức 37.450 đồng/cp như hiện tại.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm đang đứng trước cơ hội bứt phá sau một năm đầy khó khăn: vay nợ nhiều, có những thời điểm thua lỗ và chung cuộc ghi nhận lợi nhuận cả năm giảm mạnh.

Gần đây, Kinh Bắc City công bố kế hoạch huy động 400 tỷ đồng thông qua chào bán trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 2 năm ngay trong quý I với lãi suất chi trả cố định 10,5%/năm. Trong đó, sẽ giải ngân 200 tỷ đồng để cho vay CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng. Đây là đơn vị quản lý Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Số tiền 200 tỷ đồng còn lại được Kinh Bắc City đầu tư cho Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang).

{keywords}
Ông Đặng Thành Tâm.

Trong năm 2020, KBC ghi nhận nợ phải trả tăng mạnh gấp hơn 2 lần, từ mức 6.052 tỷ đồng hồi cuối 2019 lên mức 12.940 tỷ đồng vào cuối 2020. Tăng thêm gần 7.000 tỷ trong 1 năm qua. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng gấp hơn 1,5 lần trong năm 2020. Số dư vay dài hạn tăng vọt thêm hơn 3.000 tỷ đồng chỉ trong một năm 2020.

Với lãi suất vay từ 9-11,5%/năm, đây là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp này.

Thời gian gần đây, KBC của ông Đặng Thành Tâm liên tục thông báo thành lập doanh nghiệp mới để đầu tư dự án với các đối tác Saigontel, CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Hải Phòng, CTCP Xây dựng Sài Gòn.

Cụ thể, KBC tham gia góp 60% vốn Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên (vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng), góp 36% vào Đầu tư Phát triển Long An (1.500 tỷ đồng) và góp 74,5% tại Tập Đoàn Đầu Tư Vũng Tàu (1.000 tỷ đồng).

KBC ước lãi trên 1.000 tỷ đồng từ các hợp đồng cho thuê khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu, Khu đô thị Phúc Ninh và Khu đô thi Tràng Duệ. Trong năm 2021 sẽ đưa vào khai thác dự án Tràng Cát Hải Phòng.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc là doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có tiếng tại thị trường phía Bắc. Đây cũng là doanh nghiệp quan trọng nhất thuộc sở hữu của đại gia Đặng Thành Tâm bên cạnh Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn...

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào bất động sản công nghiệp (khu công nghiệp) trên phạm vi toàn quốc và một phần bất động sản đô thị tại Bắc Ninh - một trọng điểm của KBC và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không những thế, KBC có dấu hiệu đẩy mạnh đầu tư vào mảng bất động sản nhà ở.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gần đây ban hành quyết định phê duyệt liên danh CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) - CTCP Xây dựng Sài Gòn (SSC) - Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của anh em ông Đặng Thành Tâm trong danh sách ngắn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu.

Trong đó, Saigontel và KBC đều do ông Đặng Thành Tâm (sinh 1964) làm Chủ tịch HĐQT. Còn SCC được sáng lập bởi bà Đặng Thị Hoàng Phượng, em gái ruột của ông Đặng Thành Tâm.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index đang ở quanh ngưỡng 1.170 điểm.

Theo SHS, sau ba phiên không thể vượt qua được kháng cự tâm lý quanh ngưỡng 1200 điểm thì cuối cùng thị trường cũng phải điều chỉnh về các ngưỡng thấp hơn. Thanh khoản trong phiên 4/3 gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên lần đầu tiên kể từ cuối tháng 1/2021 cho thấy áp lực bán thực sự mạnh.

Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn là tích cực khi thị trường vẫn di chuyển trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc (sóng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi nó đạt đến target quanh ngưỡng 1250 điểm hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1000 điểm cũng là đáy của sóng 4). Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ biến động mạnh trong phiên tiếp theo và nếu điều chỉnh là cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể mua vào nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1130-1140 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1200 điểm sau một thời gian tích lũy gần đỉnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/3, VN-Index giảm 18,43 điểm xuống 1.168,52 điểm; HNX-Index tăng 1,76 điểm xuống 255,77 điểm. Upcom-Index giảm 0,14 điểm xuống 77,96 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 21 nghìn tỷ đồng.

V. Hà