Lần đầu tiên dư nợ bảo lãnh Chính phủ giảm so với năm trước, góp phần đảm bảo an toàn nợ công và tạo dư địa vay Chính phủ. Việc không cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án đã giúp cho khoản nợ Chính phủ bảo lãnh giảm, góp phần giúp nợ công của quốc gia vẫn trong ngưỡng an toàn. 

Nợ Chính phủ bảo lãnh giảm

Chính phủ vừa có báo cáo về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch 2018.

{keywords}
Nợ công Việt Nam qua từng năm.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy nhiều sự cải thiện đáng kể về nợ Chính phủ bảo lãnh. Trong năm 2017, thực hiện bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành trái phiếu trong nước với tổng khối lượng 34,3 nghìn tỷ đồng, bằng 100% hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các dự án trọng điểm vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh có hạn mức bảo lãnh được duyệt cho năm 2017 là 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm tích cực là năm 2017 Chính phủ không cấp mới bảo lãnh vay trong nước của doanh nghiệp, một số dự án thực hiện trả nợ gốc trước hạn như dự án Thủy điện Sơn La trả gốc trước hạn hơn 1,7 nghìn tỷ đồng, Vinasat 669,4 tỷ đồng và xi măng Tam Điệp 116,8 tỷ đồng.

Nhìn chung, báo cáo của Chính phủ cho thấy dư nợ cuối năm của các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn trong nước giảm so với cuối năm 2016.

Tính đến 31/12/2017, ước tính dư nợ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh vay trong nước là hơn 203 nghìn tỷ đồng, bằng 4,1%GDP.

Đáng chú ý, trong năm 2017 Chính phủ cũng không thực hiện cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án mới vay vốn nước ngoài. Dư nợ cuối năm của các dự án được Chính phủ bảo lãnh thấp hơn so với đầu năm và ở mức trên 247 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9%GDP. Trong khi đó, năm 2016 dư nợ bảo lãnh của Chính phủ đối với vay nước ngoài cao hơn đáng kể với trên 255 nghìn tỷ đồng, bằng 5,7% GDP.

“Nguyên nhân giảm dư nợ bảo lãnh là do không phát sinh cấp mới bảo lãnh cho các dự án, đồng thời trong hai năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã tích cực thực hiện trả nợ trước hạn để tất toán khoản vay”, Chính phủ nhấn mạnh và khẳng định đây là lần đầu tiên dư nợ bảo lãnh Chính phủ giảm so với năm trước.

{keywords}
Một số dự án sử dụng vốn vay nước ngoài không hiệu quả. Ảnh: L.Bằng

Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát 

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nợ công năm 2017 là hơn 3 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ Chính phủ là gần 2,6 triệu tỷ đồng, nợ được Chính phủ bảo lãnh là hơn 450 nghìn tỷ đồng, nợ của chính quyền địa phương là hơn 66 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ khẳng định năm 2017 các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Báo cáo cũng cho biết, tổng khối lượng huy động vốn vay trong năm 2017 là hơn 322 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là huy động vốn trong nước với trên 244 nghìn tỷ đồng, còn lại là vốn vay nước ngoài hơn 78,5 nghìn tỷ đồng.

Việc huy động vốn vay trong nước chủ yếu thông qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường vốn với khối lượng là gần 160 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn có phát hành trái phiếu cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (84.300 tỷ đồng).

Điểm đáng ghi nhận là Chính phủ đã tập trung phát hành các kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên, không phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn dưới 3 năm.

“Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ là 12,74 năm, tăng mạnh so với năm 2016 (8,77 năm); lãi suất bình quân trái phiếu Chính phủ trong năm 2017 là 5,98%, giảm so với năm 2016 (6,71%/năm)”, báo cáo của Chính phủ nêu điểm tích cực.

Cũng trong năm 2017, Chính phủ đã trả được hơn 253 nghìn tỷ đồng tiền nợ. Trong đó chủ yếu là trả nợ trong nước. Nợ nước ngoài năm 2017 cũng đã trả được hơn 40,7 nghìn tỷ đồng, trong đó trả gốc 28,9 nghìn tỷ đồng và trả lãi 11,8 nghìn tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2017, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là hơn 2,4 triệu tỷ đồng tỷ đồng, bằng 49% GDP nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (nhỏ hơn 50% GDP).

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng so với năm 2016 và tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài của quốc gia được Quốc hội phê duyệt.

Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng nhanh, theo đó tốc độ tăng dư nợ của các khoản vay trung và dài hạn là 22,56%, của các khoản vay ngắn hạn là 73% so với năm 2016.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ở mức 36%, tăng mạnh so với năm 2016 (tăng 6,3%), vượt giới hạn cho phép (dưới 25%).

Lý do chủ yếu là bởi hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong năm 2017 tăng mạnh. Việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống.

Năm 2018 Chính phủ dự kiến vay 341 nghìn tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi là 195 nghìn tỷ đồng, vay để trả nợ gốc hơn 146 nghìn tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2018 khoảng 275.330 tỷ đồng. Nguồn trả nợ của Chính phủ gồm: (i) Bố trí trong cân đối ngân sách trung ương để trả lãi 110.000 tỷ đồng; (ii) Vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng; (iii) Quỹ Tích lũy trả nợ và các đơn vị nhận vay lại trực tiếp thực hiện trả nợ đối với các khoản vay về cho vay lại khoảng 18.560 tỷ đồng. 

Lương Bằng