Cách đây khoảng hơn chục ngày, ông Nguyễn Công Bắc - chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô gần 10.000 con ở Sơn La - phải xuất bán lợn hơi với giá 42.000 đồng/kg, chịu lỗ nặng. Đến sáng qua và hôm nay, ông xuất bán 600 con lợn thương phẩm giá chỉ còn 36.000 đồng/kg, lỗ tiền tỷ.

“Với mức giá này, mỗi con lợn tôi lỗ 2 triệu đồng. Còn những hộ dân nuôi nhỏ lẻ thì lỗ khoảng 2,5 triệu đồng/con”, ông buồn rầu nói.

Theo ông Bắc, quy mô trang trại chăn nuôi lợn của ông rất lớn, hoạt động theo kiểu khép kín. Ông tự chủ được con giống nhưng dịp này vẫn phải chịu lỗ nặng. Bán xong lứa lợn thương phẩm 600 con, ông lỗ khoảng 1,2 tỷ đồng.

{keywords}
Người chăn nuôi lợn đang chịu thua lỗ nặng (ảnh: TL)

Ghi nhận của PV. VietNamNet, giá thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn tiếp tục lao dốc. Ở khu vực miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng dao động từ 36.000-42.000 đồng/kg. Một số tỉnh tại khu vực miền Trung, giá lợn phổ biến ở mức 40.000-43.000 đồng. Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, giá dao động trong khoảng 42.000-45.000 đồng/kg.

Đây là mức giá thấp nhất kể từ cuối năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi lần đầu xuất hiện tại Việt Nam.

Thống kê từ Bộ NN-PTNT, tổng đàn lợn tăng khoảng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020, đưa sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt mức 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ NN-PTNT cho biết, đàn lợn trong nước đang dần được khôi phục, tuy nhiên ngành chăn nuôi lại gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay, trong khi giá thịt lợn hơi giảm liên tục từ cuối tháng 4/2021 do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhận định, giá thịt lợn hơi lao dốc chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường lớn giảm mạnh. Việc này dẫn đến số lượng lớn lợn đến kỳ xuất bán còn tồn đọng trong chuồng.

{keywords}
Cuối năm nay được dự báo có nguy cơ thiếu thịt lợn cục bộ (ảnh: BH)

Theo ông, thời gian này ngành chăn nuôi đang chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch Covid-19. Chưa kể, khâu lưu thông, vận chuyển vẫn gặp khó khăn dẫn đến chi phí phát sinh nhiều nên có sự chênh lệch rất lớn giữa giá lợn hơi tại chuồng và giá thịt lợn tại chợ.

Đáng nói, giá thức ăn chăn nuôi tăng 16-30%, đẩy giá thành sản xuất đội lên cao, còn giá bán lợn hơi lại giảm mạnh do cầu giảm. Người chăn nuôi lợn chịu lỗ nặng, có tâm lý e ngại không muốn tái đàn.

“Đây là điều đáng lo. Bởi cứ đà này nguy cơ Tết Nguyên đán sắp tới thiếu thịt lợn cục bộ là rất cao”, ông Trọng nói. Theo ông, quay vòng tái đàn gà công nghiệp thì chỉ cần khoảng trên dưới 40 ngày, còn quay trở lại tái đàn thì phải mất khoảng thời gian 6 tháng mới có lợn thương phẩm xuất bán ra thị trường.

Do đó, các địa phương cần hỗ trợ nông dân chăn nuôi lợn tái đàn, không để tình trạng đứt lứa. Đồng thời, tạo điều kiện cho khâu lưu thông, vận chuyển thức ăn chăn nuôi, lợn giống, lợn thương phẩm; ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ cho người dân để họ có động lực nuôi tiếp.

Bộ NN-PTNT cũng đã làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi về tái đàn lợn để chủ động nguồn cung thịt lợn cho những tháng cuối năm.

Châu Giang

Giá thịt lợn lao dốc, chủ trại nuôi kêu trời vì lỗ tiền tỷ

Giá thịt lợn lao dốc, chủ trại nuôi kêu trời vì lỗ tiền tỷ

"Sáng nay tôi vừa phải bán lứa lợn thịt với giá 42.000 đồng/kg, tính ra, mỗi con lợn xuất chuồng lỗ 1,5-1,8 triệu đồng”, ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Sơn La than thở sau khi xuất bán đàn lợn 800 con.