Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hoàng Minh – đại diện BHD Star thông tin, hệ thống này đang tiến hành phun khử khuẩn tất cả các cụm rạp trên cả nước gồm 6 cụm rạp ở TP.HCM, 3 ở Hà Nội và 1 ở Huế. Bên cạnh việc phun khử khuẩn, đơn vị đang tiến hành lắp đặt các trang thiết bị bảo vệ an toàn cho khách hàng và nhân viên như: vách ngăn kính ở quầy giao dịch, thiết bị xịt sát khuẩn tay và đo thân nhiệt tại các quầy soát vé trước khi vào rạp, đánh dấu các vị trí xếp hàng, ngồi chờ đúng khoảng cách 2 mét. 

“Chúng tôi đã lên phương án hoạt động theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Thời gian đầu, các ghế ngồi trong rạp sẽ được bán cách khoảng, rạp chưa mở 100% công suất ghế mà theo quy định của chính quyền”, ông Minh nói.

Phía CGV cũng đã hoàn tất các công tác chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại. Rạp khuyến khích khách hàng đặt vé trực tuyến và sử dụng vé xem phim điện tử để hạn chế tiếp xúc. Rạp cũng thiết lập đường dây liên lạc giữa Ban Quản lý rạp, trung tâm y tế địa phương để cập nhật các thông tin về dịch hoặc thông báo khi cần. Trong ngày 28, 29/10, đã có 14 cụm rạp của đơn vị ở một số tỉnh được mở.

{keywords}
Việc khử khuẩn, dọn dẹp được thực hiện ở nhiều hệ thống rạp (ảnh: Trần Chung)

Theo hướng dẫn mới ban hành của Bộ VH-TT-DL, hoạt động của rạp chiếu phim là 50% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 2 và giảm 70% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 3. Riêng địa bàn dịch cấp độ 1 có thể hoạt động 100%.

Theo Bộ Y tế, trong 5 TP trực thuộc Trung ương, chỉ có Hà Nội và Hải Phòng được đánh giá đạt cấp độ 1. TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ đều thuộc "vùng vàng" (cấp độ 2). Tuy nhiên, các cụm rạp vẫn đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ TP.HCM và một số tỉnh, thành khác.

CGV hy vọng các rạp chiếu phim sớm được phép mở cửa hoạt động. Rạp phim mở lại sẽ mở ra cơ hội phục hồi cho ngành điện ảnh. Hiện nay, nhiều dự án phim cuối năm, phim Tết đã hoàn tất và rất mong chờ rạp phim mở để được trình chiếu vào dịp cuối năm. Ngoài ra, đơn vị này kỳ vọng có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các DN điện ảnh vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, năm 2020, doanh thu của hệ thống rạp BHD đã giảm hơn 70% so với năm 2019. Trong năm 2021, rạp đóng cửa gần 7 tháng nên doanh thu chắc chắn thấp hơn rất nhiều. Theo đại diện BHD, tình hình này nếu kéo dài sang đầu năm 2022 thì các DN kinh doanh điện ảnh, rạp chiếu phim có nguy cơ phá sản rất cao. DN kinh doanh lĩnh vực điện ảnh rất mong Chính phủ sẽ có những giải pháp hỗ trợ cụ thể như miễn giảm thuế, hỗ trợ các khoản vay như giãn nợ, hạ lãi suất lâu hơn; kéo dài hoặc miễn giảm hẳn việc đóng bảo hiểm cho người lao động trong năm 2021.

{keywords}
Nhiều hệ thống rạp đã đóng cửa thời gian dài khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh "bi đát" (ảnh: Trần Chung)

Trước đó, 20 DN sản xuất phim và chương trình truyền hình trong nước cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM việc xem xét cho phép các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình thuộc nhóm đối tượng phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới. Các đơn vị này cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt khi phải dừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trần Chung

Karaoke lo bị xóa sổ, rạp phim nguy cơ phá sản

Karaoke lo bị xóa sổ, rạp phim nguy cơ phá sản

Sau thời gian dài phải đóng cửa, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, rạp chiếu phim tại TP.HCM đã kiệt quệ.