Sạp cóc tự phát tràn lòng đường

Xung quanh khu vực chợ Bình Thới (Quận 11) trong sáng 7/10, rất nhiều các sạp hàng cóc tự phát đã mọc lên. Người dân thay vì di chuyển vào trong khu vực chợ để giao dịch thì mua hàng hóa ngay bên ngoài, không đảm bảo giãn cách giữa người bán người mua.

Đường Xóm Đất trước mặt chợ Bình Thới đôi lúc còn rơi vào tình trạng khó di chuyển do người dân bán hàng tràn xuống cả lòng đường.

Chị Bích Hậu (quận 11) cho biết, việc vào chợ giao dịch bất tiện do phải gửi xe và chứng minh có thẻ xanh nên chị mua rau củ quả bên ngoài cho đỡ tốn thời gian.

“Tôi thấy ngoài này cũng đầy đủ mặt hàng nên mua chứ không biết là chợ tự phát hay có quản lý”, bà Thanh Thủy (quận 11) nói.

{keywords}
Các sạp cóc tự phát bên ngoài chợ Bình Thới (Ảnh: Trần Chung)

Trong khi đó, bên trong khu vực chợ Bình Thới được trang bị đầy đủ tấm chắn che giọt bắn, được phun khử khuẩn hàng ngày, đảm bảo công tác phòng, chống dịch thì lượng người vào mua lại ít hơn hẳn.

Tiểu thương Nguyễn Thị Ngọc Gấm chia sẻ, việc bán hàng chậm và vắng khách do người dân đã mua ở các sạp cóc dày đặc bao bên ngoài. Các hộ kinh doanh tự phát xuất hiện nhiều từ khi chợ truyền thống bị cấm hoạt động trong thời gian giãn cách.

Theo ông Đỗ Quốc Tiến, Phó Trưởng ban Quản lý Chợ Bình Thới, các điểm kinh doanh tự phát bên ngoài là người dân tự mở. Người bán không mất thuế, phí quản lý nên giá bán thấp hơn; người mua không mất thời gian gửi xe, không phải kiểm tra “Thẻ xanh Covid” nên bà con giao dịch nhiều do thuận tiện mọt mặt.

Trước đó, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Chợ Đầu mối Hóc Môn - nêu khó khăn khi điểm tập kết tại chợ hoạt động theo khung giờ. Việc ra/vào chợ và bị xét nghiệm khiến nhiều người khó chịu, tiểu thương thấy bán ở ngoài thoải mái hơn. Từ đó, đã xuất hiện 47 điểm giao dịch hàng tự phát xung quanh chợ.

“Vào chợ như có vòng kim cô nên họ không vào. Tôi đề nghị cần phạt thật nặng việc buôn bán bên ngoài để các chợ có thể hoạt động, đảm bảo an toàn phòng chống dịch lúc này”, ông Dũng nói.

{keywords}
Bên trong chợ Bình Thới bố trí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì lại vắng khách (ảnh: Trần Chung)

Xét nghiệm miễn phí, không thu thuế tiểu thương

Ông Trần Công Trí, Trưởng Ban Quản lý chợ Đa Kao (quận 1), chia sẻ, lượng khách đến chợ giảm chỉ còn khoảng 50% so với trước đây. Một phần nguyên nhân là lượng thực phẩm dự trữ trong dân vẫn còn. Mặt khác, còn nhiều hộ kinh doanh chưa hoạt động do không thuộc danh mục hàng hóa được mở thời điểm này như mỹ phẩm, quần áo,...

Đại diện chợ Đa Kao kiến nghị cho mở thêm một số ngành hàng được phép kinh doanh. Ngoài ra, chợ đã có đơn vị do quận kết nối xuống thực hiện xét nghiệm miễn phí cho tiểu thương định kỳ để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành.

Trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành (quận 1) - ông Ngô Văn Hà cho hay, việc xét nghiệm cho tiểu thương hiện nay cũng được thực hiện miễn phí. Mở cửa chợ là điều mừng vì tạo công ăn việc làm cho bà con, giải quyết nhu cầu mua sắm cho người dân, nhưng trước nhất vẫn là công tác an toàn phòng dịch. Hiện chợ mới có 150 sạp đăng ký kinh doanh trên khoảng 300 sạp thuộc ngành hàng được phép.

Chợ Bến Thành đã chốt phương án miễn thuế hoàn toàn tháng 7,8,9 đối với tiểu thương và dự kiến sẽ hỗ trợ nốt ba tháng còn lại là tháng 10,11,12 để khuyến khích các thương nhân buôn bán dịp cận Tết Nguyên đán.

Đội trưởng Đội bảo vệ chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) Nguyễn Kim Long thông tin, các tiểu thương của chợ cũng được hỗ trợ xét nghiệm miễn phí trong sáng 8/10. Chợ dự kiến mở lại ngày 10/10 tới. Tùy theo số lượng tiểu thương đăng ký hoạt động, chợ sẽ quy định bán hàng theo ngày chẵn lẻ hoặc cho bán lại toàn bộ các sạp đã đăng ký, nhưng một tuần sẽ nghỉ 2 ngày để vệ sinh, khử khuẩn định kỳ.

{keywords}
Một sạp kinh doanh đồ ăn mang đi trong chợ Bến Thành (ảnh: Trần Chung)
{keywords}
Tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) dọn dẹp chuẩn bị hoạt động trở lại (Ảnh: Trần Chung)

Trần Chung

'Chợ chân dài manequin' vắng khách sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách

'Chợ chân dài manequin' vắng khách sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách

Do không có khách tỉnh tới giao dịch, chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) thưa vắng sau khi được hoạt động trở lại. Nhiều cửa hàng mở muộn, đóng sớm, có nơi vẫn nghỉ bán.