Tình trạng ùn ứ sẽ kéo dài

Tại tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" chiều 4/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cho biết, tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu xảy ra từ cuối năm 2021 đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dù các bộ ngành đều tích cực vào cuộc tháo gỡ.

“Đến sáng nay, tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe nông sản. Chúng tôi đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến 15/3”, bà thông tin.

Dự kiến từ 15/3-20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe. Xung quanh địa bàn cửa khẩu hiện có 500 xe lên và chờ ngày được vào các cửa khẩu của tỉnh. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ. Tình trạng ùn ứ còn kéo dài.

Để đảm bảo quy trình hoạt động thông quan, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn phải thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ”, bà nhấn mạnh. Tuy nhiên, từ 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn, các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.

{keywords}
Tình trạng xe nông sản ùn ứ tại cửa khẩu dự báo sẽ kéo dài (ảnh: Kiên Trung)

Liên quan đến câu chuyện trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, cách đây 3-4 năm, cũng có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu nhưng không nặng nề như thời điểm trước và sau Tết do dịch Covid-19.

Khi sự việc xảy ra, lần nào các câu hỏi: tại sao lại lệ thuộc một thị trường lớn, không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân, sao không tăng chế biến hàng hoá mà lại xuất khẩu thô, sao không chuẩn hoá chất lượng, xuất khẩu chính ngạch, đầu tư phát triển logistic?... lại được đặt ra.

“Nhưng chúng ta mắc chứng 'hay quên', vì khi giải phóng được hàng thì những câu hỏi đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy”, Bộ trưởng nói. Chưa kể, chúng ta còn mắc bệnh tự bằng lòng, hài lòng với cái đang có nên ngại thay đổi. Cách làm kinh tế vẫn "mù mờ" về đầu cung và đầu cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản nên gặp nhiều rủi ro.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thừa nhận, vẫn nhiều DN hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch. Họ tự bằng lòng khi thấy vẫn xuất sang được Trung Quốc và nghĩ thị trường này dễ tính “thượng vàng hạ cám” đều mua hết.

Tuy nhiên, thị trường này không còn dễ tính nữa khi đã nâng tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm, thay đổi quy định thủ tục nhập khẩu... từ năm 2019, nhưng DN Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa nên không mấy quan tâm, đến lúc trở tay không kịp.

Việc nông sản bị ùn ứ nghiêm trọng kéo theo tháng vừa qua kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 90 triệu USD, con số thấp kỷ lục, ông Bình cho hay.

Bắt đầu thay đổi thì mới có kết thúc

Để giải quyết căn cơ câu chuyện ùn ứ tại cửa khẩu, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đề xuất lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem hàng (nếu cần), sau đó mới giao. Các điểm trung chuyển không chỉ là nơi làm thủ tục hải quan, mà còn để tuyển chọn, phân loại đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn.

Quan trọng nhất vẫn là phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường. Cùng với đó, thúc đẩy phát triển logistics. Vận tải cũng cần đa dạng hoá, hiện vận tải bằng đường sắt vẫn còn ít.

{keywords}
“Tôi nghĩ mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ (ảnh: VPG)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nền nông nghiệp đang hết sức mù mờ. Mù mờ từ sản xuất cho tới thị trường. “Mọi bẫy của chúng ta nằm ở 3 chỗ: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính", Bộ trưởng nhìn nhận.

Theo ông, mỗi sự thay đổi đều không đơn giản và đều phải có lộ trình, nhưng nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc. Phải ngồi lại, bàn việc nào của bộ ngành, việc nào địa phương cần làm để chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics.

Bộ NN-PTNT đã ký trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu. Sau Quảng Ninh sẽ là Lạng Sơn.

Tại Trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là kiểm một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên. Nếu ùn ứ, chuyển qua đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container vì rủi ro. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một "vùng xanh" bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch.

Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ, sau đó là ở Tây Nguyên. Đây là hai vùng xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng cao của cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông cũng lưu ý, chúng ta không "một mình một chợ" mà phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cùng mặt hàng sang Trung Quốc. Họ cũng trồng được những loại nông sản nhập từ Việt Nam. Do đó, sắp các bộ ngành liên quan sẽ cùng phân tích câu chuyện thị trường để hướng tới phát triển bền vững hơn.

Tâm An

Hơn 3 tháng tắc vẫn hoàn tắc: Dưa hấu, thanh long còn 1.000-2.000 đồng/kg

Hơn 3 tháng tắc vẫn hoàn tắc: Dưa hấu, thanh long còn 1.000-2.000 đồng/kg

Xe nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu suốt 3 tháng ròng. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt kéo theo nhiều mặt hàng nông sản lao dốc, giá tại ruộng giảm còn 1.000-2.000 đồng/kg.