Lạ miệng với món đất hun khói có thể ăn được ở Vĩnh Phúc
Cô gái đầu tư tiền để mua 1 cục đất hàng hiếm, muốn thử cảm giác "cạp đất mà ăn" (Nguồn: TikTok @hieu_quyen)
Trí Thức Trẻ thông tin, mới đây, một cô gái đã bỏ ra 100.000 đồng để mua một cục đất về ăn thử. Loại đất này có xuất xứ từ Vĩnh Phúc. Clip này khiến nhiều người được mở mang bởi trước giờ không hề biết đến sự tồn tại của loại đất có thể ăn được này.
Đây là loại đất sét cao lanh, người dân quen gọi là đất ngói non. Đặc điểm của loại đất này là giòn, có màu trắng ngà, chịu được nhiệt độ cao. Để ăn được, người dân sẽ chặt thành từng miếng nhỏ, cạo hết bên ngoài và chỉ lấy phần trắng bên trong, sau đó đem hun trên khói rơm để "làm chín". Loại đất này khi ăn có mùi của khói, hơi thơm thơm mà cũng hơi hắc hắc, vị bùi và có chút mặn.
Loại ruốc lạ miệng giá đắt vẫn hút khách
Gần đây, trên chợ mạng, một vài tiểu thương bán loại ruốc lạ, đó chính là ruốc mỡ. Loại ruốc mới này được làm từ thịt lợn nhưng được biến tấu khá nhiều. Món ăn này được kết hợp hài hòa giữa nạc và mỡ phần, kết hợp nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, tạo nên thành phẩm là món ruốc mỡ rất thơm ngon, mềm, ngậy.
Món ruốc mỡ lạ miệng, không bị khô như ruốc thịt thăn |
Hương vị thơm ngon đặc trưng của món ruốc mỡ đã chinh phục được những bà nội trợ thành phố sành ăn, khiến các topic đặt ruốc mỡ rất đắt khách và phản hồi rôm rả. Nếu như ruốc thịt có giá rẻ, chỉ 200.000-300.000 đồng/kg thì ruốc mỡ giá tận hơn nửa 500.000 đồng/kg nhưng vẫn nhiều khách hỏi mua vì thơm ngon và lạ miệng.
Để làm được mẻ ruốc mỡ khá cầu kỳ, phải luộc mỡ phần rồi mới thái nhỏ và xay nhuyễn, còn thịt thăn thì luộc qua và rửa thật sạch cho hết hôi rồi mới thái ra và cho vào nồi rim nước mắm, hạt mêm vừa miệng. Để ruốc ngon, không nên cho thịt vào máy xay mà phải cho vào cối giã nhỏ thành sợi.
Món diếp cuốn 'hạ hỏa' kèm bỗng rượu "hiếm có khó tìm"
Báo Dân Trí cho hay, bên cạnh những đặc sản nổi tiếng như cà phê, phở,... Hà Nội còn có một món ăn thanh mát, giải nhiệt mùa hè được nhiều người yêu thích. Đó là diếp cuốn bỗng rượu - món cổ truyền "hiếm có khó tìm".
Theo chị Nguyễn Thu Hương, chủ một cửa hàng thực phẩm trên phố Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đây là món ăn cổ truyền được nhiều thế hệ người Hà Nội yêu thích. Song qua thời gian, món này dần bị thất truyền, chỉ còn rất ít nơi bán.
Lá diếp (hoặc xà lách) được cuộn với bún, thịt dăm bông, tôm và rau thơm, ăn kèm bỗng rượu chua ngọt tạo thành món diếp cuốn thanh mát, giải ngấy, tiêu cơm. Dù có cách chế biến đơn giản nhưng món cuốn này đòi hỏi sự kỳ công từ khâu lựa chọn nguyên liệu, nêm nếm gia giảm để tạo nên hương vị đặc trưng của đất Hà thành.
Lạ lùng món cơm với bơ dễ 'gây nghiện' ở Tây Nguyên
Bơ là loại quả đặc sản của vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Nhiều món ăn bổ dưỡng được chế biến từ quả bơ như sinh tố, kem bơ, salad bơ, bánh mì bơ nướng… Món cơm trắng với bơ dầm nước mắm có lẽ là món ăn xa lạ với rất nhiều người nhưng với người dân Đắk Lắk, đó là món ăn "gây thương nhớ". Đây được xem là món ăn độc đáo của người dân nơi đây.
Món cơm bơ kèm nước mắm (Ảnh: Dân Trí) |
Các chế biến món ăn này rất dễ dàng, chỉ cần chọn bơ sáp đã chín, lột vỏ, cắt thành miếng vừa ăn rồi làm chén nước mắm nhĩ kèm ớt xắt, rưới lên phần bơ đã cắt, lấy chén cơm trắng, nóng hổi ăn kèm với bơ. Vị béo của bơ hòa quyện cùng vị mặn cay của nước mắm tạo nên hương vị khó quên. Nhiều du khách ban đầu còn e sợ trước món ăn có phần lạ lùng này nhưng khi đã ăn quen rất dễ "gây nghiện".
Chuyện lạ Bến Tre: Nuôi bò bán giống lẫn phân kiếm tiền triệu
Theo Báo Dân Trí, ở Bến Tre, người dân nhiều vùng đang giàu lên nhờ nuôi bò, không chỉ bán bò mới thu được tiền mà chỉ tính riêng bán phân bò nông dân cũng thu được tiền triệu mỗi tháng.
Bò ở Bến Tre được nông dân nuôi nhốt, cho ăn rơm, cám và cỏ. Do bò giống được lai từ những nguồn gen trội nên bò thịt có chất lượng rất cao, trọng lượng bò thịt xuất bán có thể đạt 700kg, gần gấp đôi bò bản địa. Phân bò là phụ phẩm của quá trình chăn nuôi cũng được người dân phơi khô để bán. Phân bò khô rất được những nhà vườn trồng cây ăn quả hoặc trồng hoa ưa chuộng.
Ông bố ở Sài Gòn trồng rau trái lạ có kích thước khổng lồ
Báo Dân Việt cho hay, khi tham gia một số hội nhóm làm vườn, anh Phan Liêm (46 tuổi, ở quận Tân Phú, TP.HCM) thấy nhiều người chia sẻ các giống rau trái lạ hay có khổng lồ nên rất thích thú. Tận dụng diện tích sân thượng rồi đem cải tạo lại, ông bố 2 con này làm thành khu vườn trồng nhiều giống rau trái "khủng", cho thu hoạch thường xuyên.
Anh Liêm trồng thử nghiệm giống bí đao "khủng" trong thùng xốp (Ảnh: Dân Việt) |
Năm ngoái, anh Liêm trồng thử nghiệm giống bí đao "khủng" trong thùng xốp. Tuy chỉ trồng một cây nhưng thu hoạch được hơn 20 trái. Trái to nhất nặng 34,4kg. Giống bầu hồ lô cũng được anh Liêm trồng thành công trên sân thượng, mỗi trái có thể nặng đến 10kg. Ngoài ra, trong vườn của ông Liêm còn nhiều giống "khủng" khác như khổ qua (mướp đắng) trắng to gần bằng chai nước ngọt loại 1,5 lít, mướp thước dài hơn 1m hay nha đam "khổng lồ", cải kale lá siêu to,...
Loại nhãn rất hiếm, mọc trên núi đá, phải đặt trước cả tuần
Cùng họ nhà nhãn, khi nhắc tới những giống nhãn nổi tiếng như nhãn lồng Hưng Yên, nhãn cùi, nhãn Hương Chi,... rất nhiều người biết và từng ít nhất đôi ba lần thưởng thức. Nhưng với nhãn rừng, không phải ai cũng biết bởi thứ quả này rất hiếm. Loại nhãn này chỉ mọc trên sườn núi cao, năng suất có hạn, thậm chí nhiều cây còn không ra trái. Vì vậy, mọi người không dễ gì mua được nhãn rừng ở chợ hay ở bất cứ một quầy hàng hoa quả nào dưới đồng bằng.
Nhãn rừng được bán với giá 45.000 đồng/kg. Tuy giá cao hơn nhãn thường một chút nhưng vì hương vị đặc biệt và hiếm gặp nên lúc nào nhãn rừng cũng cháy hàng. Nhãn rừng có thể làm đồ ăn vặt, ngâm rượu rất thơm hoặc làm cocktail cũng rất ngon.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Loại ruốc lạ miệng giá đắt gấp đôi, bà nội trợ rủ nhau đặt mua
Nếu như ruốc thịt có giá rẻ, chỉ 200.000-300.000 đồng/kg thì ruốc mỡ giá tận hơn nửa 500.000 đồng/kg nhưng vẫn nhiều khách hỏi mua vì thơm ngon và lạ miệng.