Tại Hội nghị bàn một số giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn tổ chức vào chiều ngày 16/6, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi đến thời điểm này vẫn diễn biến phức tạp. Dịch đa lây lan ra 55 tỉnh thành, 400 huyện và 4.000 xã. Lợn mặc bệnh bị tiêu huỷ lên tới 2,5 triệu con, chiếm 7,5% tổng đàn lợn của chúng ta.

“Đây là thiệt hại lớn. Chúng ta đang tập trung mọi biện pháp để khống chế và mong muốn sớm dập tắt được dịch bệnh này”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, chắc chắn nguồn cung tới đây sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành và hiện chúng ta chưa có chủ trương tái đàn. Trong khi đó, nhu cầu thực phẩm thì không thể thay đổi ngay sang cơ cấu khác được. Đó là điều đương nhiên.

{keywords}
Ngoài tự dự trữ thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng người dân cũng nên chuyển sang đa dạng cơ cấu bữa ăn bằng cách chuyển qua ăn thịt gà, thịt bò, trứng, sữa...

“Chính về thế, Chính phủ khuyến khích các tỉnh thành có chính sách phù hợp để khuyến khích tự dự trữ thịt lợn tại chỗ, nhà nhà tự dự trữ, cơ sở dự trữ, ai có điều kiện thì dữ trữ thịt lợn”. Theo ông Cường, khuyến khích tự dự trữ thịt lợn là để đảm bảo tới đây có thực phẩm bán, có thực phẩm dùng.

Theo đó, mọi người mọi nhà đều phải tính đến bước này. Bởi đây là nguồn thịt sạch. Nếu như bây giờ đưa vào sử dụng, đưa vào dự trữ ngay thì sẽ giảm áp lực xác suất lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho biết, có thể xác định chuyển sang nhu cầu thực phẩm khác một phần. Bởi theo ông, nay mai nếu không ăn thịt lợn thì chuyển sang ăn trứng, thịt gà, bò,... Trong hoàn cảnh này, hướng chuyển này không chỉ cho trước mắt mà còn cho lâu dài, chuyển nhận thức để cơ cấu bữa ăn phải đa dang hoá vì cơ cấu bữa ăn không thể cứ mãi 75% thịt lợn như bây giờ được.

“Phải ăn trứng, ăn thịt bò, ăn cá, ăn sữa... thì mới đảm bảo sức khoẻ, đảm bảo cân bằng thị trường”, Bộ trưởng Cường chia sẻ.

Cuối tháng 5 vừa qua, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lan rộng, có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng đề xuất cả hộ gia đình và doanh nghiệp cùng cấp đông thịt lợn dự trữ.

“Nếu tuyên truyền tốt, để các hộ gia đình cấp đông thịt lợn thì cũng được một tỷ lệ tương đối lớn”, vị lãnh đạo Sở Công Thương chia sẻ.

Thực tế, sau khoảng 4 tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và hoành hành khiến giá lợn giảm sâu xuống mức 25.000-28.000 đồng/kg, từ đầu tháng 6 trở lại đây giá thịt lợn hơi xuất chuồng trên cả nước bất ngờ tăng mạnh. 

Cụ thể, tại nhiều địa phương ở miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng lên mức 40.000-42.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 5. Trong khi đó, tại nhiều địa phương ở miền Trung, miền Nam giá lợn cũng tăng lên mức 38.000-40.000 đồng/kg.

Nguyên nhân của đợt tăng giá được nhận định một phần do dịch bệnh hoành hành, đàn lợn trong dân nuôi bị mắc bệnh phải tiêu huỷ nhiều dẫn đến nguồn cung khan hiếm, giá tăng mạnh.

Bao Phương