Thời gian gần đây, trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua cầu Phù Đổng (xa Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP.Ha Nội) xuất hiện nhiều điểm kinh doanh dịch vụ tắm lợn.

Theo điều tra của PV, lợn trước khi được vận chuyển từ điểm thu mua đến các lò giết mổ, đều bắt buộc phải làm vệ sinh tắm rửa. Thế nhưng, điều đáng nói, những điểm tắm lợn này cũng kiêm luôn dịch vụ thu mua lợn chết…

Tắm lợn kiêm “thu mua lợn chết”?

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực này, nhiều khu nhà chòi tạm bợ được dựng lên làm điểm kinh doanh dịch vụ tắm lợn. Điều đáng nói, các chòi này cũng kiêm luôn nhiệm vụ làm “chân rết”, thu thập lợn chết từ đầu mối cho các chủ lò mổ. Những điểm tắm lợn này thậm chí ghi rất rõ biển hiệu “dịch vụ tắm lợn, thu mua lợn chết”.

Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe tải chở lợn đi qua, dừng đỗ ở khu vực này để tắm rửa sạch sẽ cho lợn trước khi đưa vào lò mổ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Sau khi tìm hiểu người dân quanh khu vực, PV đã vào vai một tiểu thương muốn mua lợn chết về làm hàng và thâm nhập, để tìm hiểu cách thức hoạt động của những cơ sở này.

Theo tiết lộ của ông M. (chủ một cơ sở tắm lợn), ông và một số người dân ở đây mở dịch vụ tắm lợn kiêm thu mua lợn chết giá rẻ của các tuyến xe tải. Sau đó, hàng được giao cho một chủ lò mổ ở địa bàn xã Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) chứ không trực tiếp giết mổ. Ông M. cho biết, cửa hàng của ông mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở lợn đi qua, chủ yếu chở vào lò giết mổ gần các khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Quãng đường vận chuyển xa, không gian chật chội, thời tiết thất thường, nên mỗi chuyến xe phải có ít nhất 1 con lợn chết, chuyến nhiều có đến vài con.

{keywords}

Dịch vụ tắm lợn kiêm luôn thu mua lợn chết để bán ra thị trường.

Ông M. làm nhiệm vụ thu mua lợn chết hàng ngày. Cứ tối đến lại có người đến mua hàng. Được biết, giá lợn chết khoảng 30 ngàn đồng/kg, sau đó ông bán cho chủ lò mổ tên L. với giá 40-45 ngàn đồng/kg. Tiếp theo, chủ lò giết mổ chế biến, pha lẫn thịt lợn chết và thịt “lợn sạch” giao bán cho một số khu công nghiệp của các địa bàn lân cận.

Để tiếp cận, PV đặt vấn đề muốn mua một số lượng thịt lớn đã giết mổ về làm hàng, nhưng lại sợ không có ai giới thiệu mình với ông T., nên nhờ ông M. giúp đỡ để tránh tình trạng đến nơi không mua được hàng. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, ông M. chấp thuận yêu cầu của PV và dặn: “Chú cứ hỏi thăm về nhà lão ấy, lão có hỏi thì bảo là anh em với M. “tắm lợn” ở chân cầu Phù Đổng là ông ấy sẽ tiếp”.

Ngay sáng hôm sau, theo lời chỉ dẫn của ông M., PV tìm đến thôn Phật Tích (xã Phật Tích) để đặt mối với cơ sở giết mổ của ông T.. Theo ghi nhận của PV, căn nhà ông T. nằm ở giữa xã Phật Tích. Phía sau nhà ông là lò mổ có quy mô khá lớn, bên trong những con lợn chết nằm ngổn ngang đang được 6 nhân công đang khẩn trương xả thịt.

Bãi đáp của “lợn bẩn”

Qua câu chuyện xã giao ban đầu, ông T. cho biết: “Nghề này tôi làm được hơn chục năm rồi. Tôi và mấy người bạn trong xã hùn vốn mở cái lò mổ này. Sau khi thấy kiếm ăn cũng được, nên tôi ngo ý mua đứt luôn chỗ này và làm đến bây giờ. Nghề tuy kiếm ăn được nhưng phải cẩn trọng, khách lạ tuyệt đối không tiếp. Hôm qua, ông M. cũng gọi điện nói qua rồi nên tôi cũng nắm được phần nào”.

Ông T. tiết lộ, cơ sở của ông giết mổ cả lợn sạch (lợn còn sống) lẫn lợn bẩn (lợn đã chết), nhưng bán ra ngoài thị trường thì không bao giờ có thịt lợn bẩn cả. Thấy tôi tỏ ý không hiểu, ông T. cười và giải thích luôn: “Sở dĩ như vậy là do lợn chết sau khi giết mổ sẽ được trộn lẫn với thịt lợn sạch theo tỉ lệ nhất định (thường thì 7 phần sạch, 3 phần bẩn) như vậy cũng hóa sạch hết, mắt thường không thể nhìn thấy được. Tôi nói thế chứ cậu yên tâm, chỗ quen biết tôi sẽ để riêng ra cho”.

Cũng theo ông T., mỗi ngày cơ sở của ông giết mổ khoảng 50 con lợn. Trước đây cơ sở của ông thường cung cấp cho những con buôn hoặc các quán ăn trên địa bàn TP.Bắc Ninh. Nhưng hiện tại, sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, ông T. đã tìm được đầu ra rất tiềm năng, đó là tuồn thịt lợn chết vào các khu công nghiệp như KCN Đình Trám (Hiệp Hòa, Bắc Giang), KCN Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh).

Việc tuồn thịt vào các khu công nghiệp này tưởng chừng khó nhưng theo ông T. thì rất đơn giản. Theo đó, ông sẽ cho người đến đặt mối với người quản lý bếp ăn ở các khu công nghiệp này. Lúc đầu, để tạo lòng tin, ông T. cho người giao thịt đảm bảo chất lượng (thịt sạch). Sau khi mối làm ăn đã vững, ông T. giở chiêu bài trộn thịt lợn sạch với thịt lợn bẩn để kiếm lời. Để việc làm ăn suôn sẻ, ông T. không ngại chung chi cho đội ngũ hậu cần của các khu công nghiệp này.

Ông T. cho biết thêm: “Để được làm ăn lâu dài, cái quan trọng nhất là mình phải bán với giá mềm đi một chút thì họ mới thích. Hiện tại, giá thịt lợn sạch rơi vào khoảng 80 ngàn đồng đến 110 ngàn đồng/kg tùy từng loại thịt, mình giao buôn rẻ đi một chút thì ai mà chẳng muốn mua. Hàng ngày, mỗi khu công nghiệp nhà tôi vận chuyển mấy tạ, nói chung là kiếm ăn cũng được. Chú cứ đánh vào kinh tế, thà lãi ít nhưng lại bán được nhiều hàng, còn hơn lãi nhiều mà ế. Con lợn 70kg là đã có lãi khoảng 1 triệu đồng”.

“Con lợn chết chú mua về không bỏ đi cái gì cả, da lợn thì có bọn mua bóng bì đến thu mua, xương thì xuất cho mấy quán ăn làm nước phở, nội tạng thì thương lái ở Tam Đa (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đến thu gom hết”, ông T. cho biết thêm.

Khi PV hỏi, thịt lợn chết bình thường trộn vào còn bán được chứ thịt lợn sề thường rất dai và có màu sắc khác lợn thường thì người mua biết ngay, làm sao tiêu thụ được. Ông T. cười rồi nói: “Chính ra lợn sề mới thu được nhiều lãi ấy chứ. Thứ nhất, giá lợn sề mua vào rẻ như cho, thứ hai là thêm ít phụ gia, màu phẩm là biến thành thịt bò ngay, mà thịt bò giá lại đắt”. Qua cuộc nói chuyện với ông T., chúng tôi mới biết được sự thật kinh hoàng, một số khu công nghiệp, nhà hàng tiêu thụ cả thịt “lợn bẩn” mà người ăn không hay biết.

Sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý

Trao đổi với PV về thực trạng trên, ông Trần Danh Phượng – Chi cục trưởng chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu công nghiệp, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động cao. Những cơ sở giết mổ ở đây, cũng chỉ một số là có quy mô, còn lại chủ yếu là các cơ sở manh mún nên rất khó kiểm soát được tình trạng này. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất những cơ sở giết mổ này, nếu vi phạm pháp luật thì chúng tôi sẽ xử lý”.

(Theo ĐS&PL)