Giá dầu thế giới từ đầu tuần này tăng mạnh do lo ngại nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu và các mặt hàng năng lượng khác từ Nga trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng.

Trong phiên giao dịch sáng 7/3, giá dầu Brent có thời điểm tăng lên tới 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Còn giá dầu WTI có lúc tăng vọt lên mức 130,5 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2008.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/3, giá dầu Brent tăng 4,7%, đạt 124 USD/thùng, còn giá dầu WTI của Mỹ tăng hơn 3,8%, lên 120 USD/thùng.

Theo nhóm nghiên cứu VnDirect, giá dầu Brent đã tăng 30% kể từ đầu năm nay. Giá dầu tăng mạnh khi Nga tiến vào Ukraine.

Dữ liệu giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore được Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 3/3 cho thấy, giá xăng ở mức 130-133 USD/thùng, dầu diesel được giao dịch quanh mức 136,58 USD/thùng, tăng trên 10% so với kỳ điều hành ngày 1/3.

{keywords}
Giá xăng được dự báo có thể tới 30.000 đồng/lít

Ngày 11/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trước tình hình giá xăng, dầu thế giới đã xác lập mức đỉnh lịch sử, các chuyên gia dự báo giá xăng dầu trong đợt điều chỉnh giá sắp tới cũng sẽ leo cao.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội tính toán, theo giá cơ sở ngày 8/3, giá bán lẻ trong nước với xăng đang âm 3.800 đồng/lít và dầu diesel đang âm tới 4.800 đồng/lít. Vì vậy, trong kỳ điều chỉnh sắp tới (11/3), giá xăng dầu có thể tăng mạnh, ở mức từ 3.800-4.800 đồng/lít.

Sau kỳ điều chỉnh giá ngày 1/3, các doanh nghiệp đã lỗ khoảng 2.000-4.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh. Vì vậy, trong kỳ điều hành sắp tới, dù có can thiệp bằng Quỹ bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước vẫn tiếp tục tăng cao.

Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng trong nước vào đợt điều chỉnh ngày 11/3 sẽ vượt mốc 30.000 đồng/lít, trong trường hợp cơ quan quản lý không giảm thuế. Theo một số chuyên gia, thuế môi trường phải giảm ít nhất 2.000 đồng/lít, cùng với xả Quỹ bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước mới giữ được mặt bằng giá như hiện nay. Nếu không, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng cao.

Giá xăng, dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp lao đao mà ngay bản thân các nhà phân phối xăng dầu cũng đau đầu. Để kìm giá xăng, dầu, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan quản lý phải sử dụng mạnh công cụ thuế.

Nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tính lại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít với dầu, áp dụng từ ngày 1/4 đến hết năm 2022. Song theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, mức giảm này là thấp trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng quá mạnh như hiện nay. Mức giảm thuế bảo vệ môi trường cần "đủ liều", ít nhất là 50% so với mức thuế hiện nay (tức cần giảm ít nhất 2.000 đồng/lít).

Trong kỳ điều hành giá xăng, dầu gần đây nhất (ngày 1/3), liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục tăng giá xăng, dầu. Đây là lần thứ 3 liên tiếp xăng dầu tăng giá trong năm mới Nhâm Dần.

Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 545 đồng/lít, giá bán không cao hơn 26.077 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng 547 đồng/lít, giá bán không cao hơn 26.834 đồng/lít.

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 19.978 đồng một lít, tăng 469 đồng; dầu diesel là 21.310 đồng một lít, tăng 509 đồng; dầu mazut là 18.468 đồng một kg, tăng 536 đồng.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ chỉ trích lập Quỹ bình ổn giá với dầu mazut, còn các mặt hàng xăng dầu khác không trích lập. Đồng thời, liên Bộ chi Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 250 đồng/lít, xăng RON95 là 220 đồng/lít, dầu diesel là 300 đồng/lít.

Anh Tuấn

Giá dầu lên mốc 130 USD/thùng, đắt nhất 14 năm qua

Giá dầu lên mốc 130 USD/thùng, đắt nhất 14 năm qua

Giá dầu thế giới hôm nay (7/3) tiếp tục tăng mạnh, lên mức cao nhất trong 14 năm qua khi đã lên mốc 130 USD/thùng trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn căng thẳng.