Đại diện một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu nguyên vật liệu tại TP Đà Nẵng xác nhận các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đều thông báo tăng giá do sản lượng bị cắt giảm mạnh sau khi nước này rơi vào tình trạng thiếu điện.

Ảnh hưởng trực tiếp một số nhóm hàng

"Sản phẩm nhóm than chì phục vụ sản xuất lốp xe gồm N220 - N330 - N550 - N660 tăng giá 8%-15%; nhóm hóa chất trong lĩnh vực cao su như Accelerator, Retarder, Adhesion Agent tăng 5%-8% so với tháng 8. Ngoài ra, giá inox 304 (thiết bị vệ sinh, chậu rửa chén) tăng 12%; inox 201 tăng 7,5%; kính cường lực tăng 5%-7%... Mức tăng này áp dụng từ tháng 10 cho đến khi có thông báo mới" - đại diện DN nêu trên thông tin.

Đại diện DN này cũng đang đau đầu khi đối tác mua hàng "la làng" trước thông báo tăng giá trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hầu hết DN sản xuất đang "hoãn binh", giảm nhập nguyên vật liệu để nghe ngóng, chờ giảm giá. Hơn nữa, sản xuất trong nước mấy tháng qua cũng giảm sút nên nhu cầu nguyên vật liệu của DN không lớn. "Hàng tồn còn nhiều vì khách hàng hoãn mua khiến chúng tôi không giải phóng được hàng tồn và có dòng tiền để nhập đơn hàng mới đã chào từ tháng trước. DN nhập khẩu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan" - đại diện DN nêu trên băn khoăn.

Trong lĩnh vực da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho biết giá nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng cả năm nay, trước khi nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng điện. Nguyên nhân nằm ở chi phí logistics tăng quá cao, gấp 5-10 lần trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Đơn hàng sản xuất giày, túi xách của Trung Quốc cũng tăng mạnh sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh khiến nhu cầu nguyên liệu lẫn giá nguyên liệu bị đẩy lên.

"Hầu hết DN da giày phía Bắc đã nhập đủ nguyên liệu cho sản xuất vụ cuối năm từ 2-3 tháng trước nên xu hướng tăng giá trong giai đoạn này chưa ảnh hưởng nhiều. Ở phía Nam, nơi tập trung 75% DN thành viên LEFASO, tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến hầu hết đã lỡ vụ sản xuất cuối năm, chỉ mở lại được 20% công suất. Các DN này chủ yếu nhập nguyên liệu làm mẫu cho năm sau nên dù chịu ảnh hưởng tăng giá nhưng không quá lớn" - bà Xuân phản ánh.

Với ngành thép, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết tính chung 8 tháng đầu năm 2021, trị giá nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt gần 115% về trị giá so với cùng kỳ năm trước song sản lượng chỉ bằng 62%. Như vậy, thép nhập khẩu từ thị trường này có ghi nhận xu hướng tăng giá, trong đó tập trung vào mặt hàng phôi thép.

"Mức tăng này không quá bất thường, vẫn phù hợp với diễn biến bình thường của thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và đánh giá tác động" - ông Đa cho hay.

Trung Quốc thiếu điện, hàng nhập tăng giá - Ảnh 1.

Hàng công nghệ có khả năng tăng giá trước tình trạng Trung Quốc cắt giảm sản lượng do thiếu điện Ảnh: Nguyễn Hải

Hàng công nghệ tăng giá

Theo đại diện Thế Giới Di Động, nguồn hàng đang có dấu hiệu bị hạn chế do ảnh hưởng từ việc thiếu nguồn cung chip toàn cầu. Nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc gặp vấn đề không chỉ do thiếu điện mà còn bởi quốc gia này nghỉ Tết trung thu, quốc khánh nhiều ngày. Nhiều hãng đang thiếu hàng cung cấp cho nhà phân phối.

"Việc vận chuyển hàng hóa hiện nay rất khó khăn. Trước đây, gần như ngày nào cũng có chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, nay chỉ còn 1-2 chuyến/tuần. Hiện giá laptop, điện thoại vẫn ổn định nhưng sắp tới có thể tăng một vài triệu đồng/máy" - đại diện Thế Giới Di Động dự báo.

Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, nguồn cung mặt hàng laptop mới đáp ứng được các đơn đặt hàng từ quý III năm nay, trong khi các hãng và nhà phân phối đã gửi đơn đặt hàng tới hết quý I/2022. Điều này cho thấy năng lực sản xuất đang đi chậm so với nhu cầu đến nửa năm.

"Rất nhiều đơn đặt xong đã bị hủy và phải đặt lại do hiện tại, giá linh kiện đầu vào không còn đáp ứng được giá đặt hàng. Nhà phân phối sẽ phải lựa chọn đặt lại giá cao hoặc không có hàng" - ông Huy giải thích.

Các dòng sản phẩm của Apple như iPhone, MacBook cũng đang gặp tình trạng khó khăn khi đặt hàng. Một số mặt hàng của Xiaomi đã điều chỉnh giá tăng. Tương tự, một số mẫu điện thoại bán chạy của Samsung cũng đang trong tình trạng thiếu hàng trầm trọng, cung cấp cho đại lý với số lượng nhỏ giọt. Samsung đang áp dụng hình thức chia hàng cho đại lý, với mục đích không cho một vài nơi ôm hàng quá nhiều.

Hầu hết các hãng và nhà phân phối đều bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng sản xuất, gây thiếu hụt chip, linh phụ kiện... cho chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ngành ôtô ít chịu tác động

Đại diện các hãng ôtô nhận xét nguồn cung trên thế giới từ nhiều tháng qua đã gặp khó khăn, nay thêm tình hình ở Trung Quốc càng làm cho nguồn cung linh kiện thêm khó.

Ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, đưa ra dẫn chứng ở Mỹ và châu Âu, giá xe bán ra đã được điều chỉnh tăng do tình trạng thiếu chip. Dù vậy, xe nhập về thị trường Việt Nam ít bị ảnh hưởng vì thông thường, các hãng đã có kế hoạch đặt hàng trước đó từ 6 tháng và nguồn cung trong nước dư thừa.

Chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng khó khăn đối với ngành ôtô là đương nhiên bởi nguồn nguyên liệu đất hiếm (dùng để sản chip bán dẫn) của Trung Quốc cung cấp ra thị trường chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, chip bán dẫn lại không do quốc gia này chi phối mà chủ yếu do Đài Loan - Trung Quốc và Mỹ (nơi sản xuất chip) cung cấp số lượng lớn cho thị trường. Tình trạng thiếu chip đã xảy ra từ năm ngoái nên nhiều hãng ôtô đã chuẩn bị nguồn dự trữ khá tốt để phục vụ sản xuất trong giai đoạn hiện nay.

(Theo Người Lao Động)

Dân buôn hàng online Trung Quốc 'vớ đậm' nhờ phim 'Trò chơi con mực'

Dân buôn hàng online Trung Quốc 'vớ đậm' nhờ phim 'Trò chơi con mực'

Loạt phim Squid Game (Trò chơi con mực) dù chưa chính thức phát hành ở Trung Quốc nhưng các nhà máy nước này đã tất bật sản xuất các mặt hàng "ăn theo" cho khách hàng trong và ngoài nước.