Sự quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các nhà mạng siết chặt sim rác đã khiến cho thị trường này trầm lắng. Nhiều khu vực chuyên kinh doanh sim rẻ vắng vẻ, thậm chí có cửa hàng đóng cửa.

Khảo sát của phóng viên VietNamNet tại các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh sim rác phục vụ đối tượng chủ yếu là sinh viên, người lao động như Triều Khúc, Phùng Khoang, Giải Phóng, Tạ Quang Bửu, các cửa hàng đại lý bán sim thẻ để vắng khách. Các loại sim mới có giá từ 60.000 đến 300.000 đồng, tài khoản đều 0 đồng. Số thuê bao xấu hoặc 11 số giá rẻ hơn sim 10 số.

Anh Hoàng Long, chủ cửa hàng sim thẻ trên đường Triều Khúc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, toàn bộ số sim khuyến mại đã kích hoạt hiện nay bị khoá không còn sử dụng. Tài khoản trong sim hiện nay đều là 0 đồng, hàng hàng mua sim thẻ bắt buộc phải có chứng minh thư nhân dân chính chủ và nếu đã đủ số điện thoại của một nhà mạng thì cũng không được đăng ký thêm. Khách hàng phải ra trung tâm chăm sóc khách hàng để được yêu cầu xoá số cũ đi.

{keywords}

Nhiều khu vực chuyên kinh doanh sim rẻ vắng vẻ, thậm chí có cửa hàng đóng cửa.

Theo anh Long, vì không còn khuyến mại số tiền lớn trong tài khoản nên tình trạng kinh doanh cũng ế ẩm. Nếu như trước đây, mua sim được tặng rất nhiều tiền trong tài khoản, có nhà mạng còn tặng 100% khuyến mại trong ba lần nạp thẻ đầu tiên. Còn hiện nay, mọi khuyến mại đều đã dừng hẳn.

Hiện nay, cửa hàng anh Long vẫn mở cửa kinh doanh chủ yếu bán thẻ nạp tiền điện thoại, thẻ game và thanh lý nốt số sim thẻ còn tồn đọng. Dù chưa bị thu hồi số nhưng cũng không bán được cho khách.

“Nếu tình hình kinh doanh khó khăn, thời gian tới phải tính chuyển nghề khác, không còn thời bán sim rác siêu lợi nhuận nữa rồi”, anh Long nói.

Tương tự như vậy, tại cửa hàng sim thẻ trên đường Trương Định, chủ cửa hàng cho hay, rất nhiều khách hàng tới hỏi mua sim rác nhưng khi được thông báo không còn tiền trong tài khoản đã bỏ đi. Đại lý này đang bán chủ yếu các sim số đẹp chưa kích hoạt vẫn còn thời hạn của nhà mạng. Với giá từ 300 nghìn đồng đến hơn 5 triệu đồng/sim nhưng trong tài khoản đều 0 đồng.

{keywords}

Trong khi đó, một cửa hàng sim thẻ trên đường Nguyễn Trãi đã đóng cửa. Theo chia sẻ của nhiều đại lý bán sim nhỏ lẻ, không còn sim kích hoạt sẵn để bán, không có khách hàng mua sim sẽ phải bắt buộc đóng cửa do chi phí thuê mặt bằng lớn.

Đại diện một nhà mạng cho biết, hiện tại các đại lý sim đã ngừng nhập sim mới. Việc các đại lý ngừng nhập sim mới do Bộ TT&TT đã quyết liệt trong việc quản lý sim di động trả trước và kiên quyết thu hồi những sim đã kích hoạt sai quy định được bán ra thị trường.

Trao đổi với báo chí ngày hôm qua (22/11), Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phan Tâm cho biết Bộ sẽ chính thức yêu cầu các nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ tới khoảng 12 triệu thuê bao có dấu hiệu được kích hoạt sẵn, khai thông tin ảo và không phát sinh đủ lượng cước phí tối thiểu theo yêu cầu.

Bộ TT&TT yêu cầu các Sở TT&TT trên cả nước đồng loạt thanh tra việc kích hoạt thuê bao, khuyến mại sai quy định và thu hồi sim trả trước đã kích hoạt.

Cuối tháng 10, các nhà mạng lớn gồm Vinaphone, MobiFone, Viettel... đã ký cam kết với Bộ TT&TT sẽ thu hồi sim kích hoạt sẵn từ ngày 1/11. Đến hết ngày 20/11, các nhà mạng sẽ phải khóa các sim đã kích hoạt sai.

Đầu tháng 11/2016, Bộ cũng đã quyết định xử phạt 5 doanh nghiệp viễn thông là GTel, Vietnamobile, MobiFone, Viettel và VinaPhone hơn 1 tỷ đồng vì để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình vận hành các chương trình khuyến mại.

Đà Nẵng: Kinh doanh sim rác ảm đạm

Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, không khí mua bán các đại lý bán sim rác khá ảm đạm sau khi Bộ TT&TT siết chặt quản lý. Nhiều đại lý đã đóng cửa, ngừng kinh doanh.

Anh Lê Văn Hùng, chủ một đại lý sim số tại TX. Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết, cửa hàng đã ngừng kinh doanh sim khuyến mãi được kích hoạt sẵn. Khách hàng muốn mua sim phải cung cấp CMND, tài khoản còn 0 đồng, giá bán dao động từ 60.000-300.000 đồng.

Trước đây, mỗi người chỉ cần dùng một sim chính để giữ liên lạc, còn lại thường mua sim rác để được hưởng khuyến mãi ‘khủng’, sau khi hết ưu đãi họ thường vứt sim và mua sim rác khác để dùng.

Tương tự các đại lý lớn, những cửa hàng sim nhỏ lẻ cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Anh Nguyễn Văn Nam, chủ một của hàng sim số trên đường Ông Ích Khiêm, TP. Đà Nẵng, nói: “Nhiều khách hàng mua sim nhưng khi bị buộc phải có CMND để kích hoạt thì họ không mua nữa vì đã đủ lượng sim theo quy định”.

Anh Nam cho hay, nhà mạng Viettel đã có công văn thu mua lại sim rác nên số sim rác tại cửa hàng anh đã bán lại hết cho nhà mạng.

Đặc biệt, nhà mạng Mobifone còn cho nhân viên kinh doanh xuống tận cửa hàng để hỗ trợ đăng ký sim cho khách. Hiện của hàng anh vẫn bán sim nhưng buộc khách hàng phải xuất trình CMND để đăng ký sim tại chỗ.

Còn bà Trần Thị Bé, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Hải Phòng (Đà Nẵng) có bán sim card, cho hay chưa thấy nhân viên nhà mạng nào đến thu lại sim hay khuyến cáo gì. Cửa hàng của bà chủ yếu bán card, còn sim số thì trước đây có bán lai rai song gần đây cũng không có người mua nữa.

Cao Thái - Nha Nam

Duy Anh