Để được tái hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp lớn nhỏ tại TP.HCM phải tự tìm mua bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 để xét nghiệm cho nhân viên theo thời gian quy định.
Trên thị trường, các bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 được rao bán với những mức giá khác nhau, mỗi nơi mỗi khác, dao động từ 70.000 đến 200.000 đồng/bộ.
Bộ xét nghiệm được rao bán phổ biến trên các hội nhóm là Humasis Covid-19 Ag Test do Hàn Quốc sản xuất, giá dao động ở mức 88.000-110.000 đồng/kit. Chị Tú - một người bán hàng online - rao bán bộ xét nghiệm Humasis với giá 94.000 đồng/kit nếu lấy từ 10 hộp loại 25 kit test/hộp.
"Nếu lấy một thùng 600 kit test hãng Humasis giá chỉ còn 92.000 đồng/kit. Mức giá trên đã gồm thuế VAT, đảm bảo hàng chính hãng, đầy đủ chứng từ", chị Tú cho biết.
Loại kit test được rao bán phổ biến trên các hội nhóm là Humasis Covid-19 Ag Test do Hàn Quốc sản xuất. Ảnh: G.T.S. |
Mỗi nơi mỗi giá
Tương tự, chị Vy - người bán kit test Covid-19 online tại quận 11, TP.HCM - cũng cho biết một bộ Humasis có giá bán lẻ 106.000 đồng. "Loại kit test này đã được Bộ Y tế cấp phép và rất nhiều người dùng. Sản phẩm có độ nhạy 92,9%, độ đặc hiệu 99,8%, thời gian đọc kết quả 15 phút nên yên tâm sử dụng", người bán này nói.
Theo anh L, một dân buôn kit test nhanh Covid-19 số lượng lớn tại TP.HCM, giá bán các bộ xét nghiệm Covid-19 đang thay đổi từng ngày. Hai loại kit test phổ biến Sugentech và Humasis xuất xứ Hàn Quốc đang "cháy hàng" trên thị trường.
"Kit test SGTi-flex Covid-19 Ag Sugentech có giá sỉ 84.000 đồng/kit. Nếu doanh nghiệp ký hợp đồng mua liên tục, chúng tôi sẽ cung cấp với giá 82.000 đồng/kit", anh cho biết.
Trong khi đó, theo ghi nhận của Zing, một số hiệu thuốc ở TP.HCM bán kit test với mức giá cao hơn nhiều so với giá bán trên mạng. Cũng có sự chênh lệch giữa các hiệu thuốc. Ví dụ, hai hiệu thuốc trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) bán bộ xét nghiệm Humasis Covid-19 Ag Test với giá 145.000 đồng và 155.000 đồng.
Trong khi đó, hiệu thuốc Pharmacity bán 5 bộ dụng cụ xét nghiệm cùng loại giá 675.000 đồng, tức 135.000 đồng/kit test.
Bên cạnh đó, rất nhiều người khác cũng đăng bài rao bán các loại kit test khác nhau, xuất xứ từ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Mỹ... với mức giá từ 150.000-300.000 đồng/kit. Trong đó, một số loại chưa được Bộ Y tế cấp phép nhưng vẫn công khai rao bán trên mạng xã hội.
Nhiều bộ kit test nhanh Covid-19 không được cơ quan y tế cấp phép lưu hành đang được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: DMS. |
"Kit xét nghiệm nhanh Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép, một hộp 20 test, giá bán lẻ là 80.000 đồng/test", tài khoản Thuong Vo rao bán kit test Immuno Covid-19 Ag Test Kit trong một hội nhóm về vật tư y tế.
Trả lời Zing, Công ty TNHH Gen Action - đơn vị sản xuất loại kit test này - cho biết nếu khách hàng mua số lượng lớn, giá sẽ giảm còn 70.000 đồng/kit. "Sản phẩm này đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng", đại diện công ty khẳng định.
Tuy nhiên, trong 16 loại kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cấp phép không có loại kit test này. Hàng sản xuất tại Việt Nam chỉ có một loại kit Trueline của Công ty TNHH Medicon được cấp phép.
Trước tình trạng rao bán tràn lan bộ kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm tra và cảnh báo người tiêu dùng.
Đồng thời, Bộ khuyến cáo người dân không nên mua những bộ kit test nhanh trên mạng. Theo Bộ Y tế, những bộ xét nghiệm này thường có độ nhạy thấp, kết quả thiếu chính xác và khiến người dùng mất cảnh giác.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó vì chi phí test Covid-19
Để được hoạt động trở lại, các cửa hàng của Gong Cha Việt Nam tại TP.HCM phải đáp ứng đủ yêu cầu của chính quyền địa phương... Đại diện đơn vị này cho biết tính đến ngày 21/9, Gong Cha sẽ có 9/22 cửa hàng tại TP.HCM mở cửa lại với tổng số 35 nhân viên thực hiện 3 tại chỗ.
"Hiện, chi phí xét nghiệm và thực hiện 3 tại chỗ đang chiếm một khoản lớn trong chi phí lao động. Mỗi kit test Covid-19 chúng tôi mua khoảng 150.000 đồng, trung bình một lần xét nghiệm mất khoảng hơn 5 triệu đồng, chưa kể các chi phí ăn uống, phục vụ nhân viên 3 tại chỗ", đại diện công ty cho biết.
Một số công ty, nhà máy có tới hàng nghìn người cũng cho biết việc tiếp cận nguồn cung lớn bộ xét nghiệm cũng như dịch vụ test từ các cơ quan được chỉ định là quá tải, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất.
Đại diện một công ty ở Khu công nghiệp Đông Nam TP.HCM cho biết từ thời điểm bắt đầu thực hiện "3 tại chỗ", công ty đã chủ động tìm mua kit test nhanh Covid-19 để xét nghiệm cho nhân viên.
Hiện, các doanh nghiệp vài nghìn đến hàng chục nghìn nhân viên gặp khó vì không đủ năng lực tài chính để thực hiện các quy định xét nghiệm. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Khi yêu cầu test 4 ngày/lần, với 500 kit test chúng tôi sử dụng trong 2 tuần, nhưng hiện nay khi được nới lỏng yêu cầu test chúng tôi có thể sử dụng trong 1 tháng", đại diện này cho biết.
Theo đại diện công ty, khi lựa chọn mua các loại kit test, tiêu chí quan trọng của doanh nghiệp là sử dụng các loại kit test an toàn, đảm bảo chất lượng, đã được cấp phép của Bộ Y tế.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, cho biết hiện nay chỉ có các cơ quan Nhà nước được thực hiện xét nghiệm khiến doanh nghiệp khó tiếp cận dịch vụ và chi phí bị đội lên cao. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng có thêm các tổ chức tư nhân tham gia, xã hội hóa hoạt động xét nghiệm này.
Bên cạnh đó, ông Hồng cho rằng các thủ tục về hành chính công nhận kết quả xét nghiệm khi người lao động đi làm bên ngoài doanh nghiệp cũng cần phải rõ ràng, nhất là với nhóm nhân viên như tài xế, giao hàng...
Ngày 17/9, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam có văn bản đề xuất các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm giá cạnh tranh, kiểm soát như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá. Tổ chức y tế, bệnh viện, y tế lưu động của địa phương hoặc của doanh nghiệp sẽ xét nghiệm đối với điểm sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn được khấu trừ chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách chi trả. Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.
(Theo Zing)
Tràn lan kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc
Các sản phẩm như kit test nhanh COVID-19 phải có sự thẩm định và cấp phép bởi Bộ Y tế. Người dân không nên tìm tới các sản phẩm đang được rao bán tràn lan, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.