Người nuôi tôm Sóc Trăng trúng mùa

Tại thị xã Vĩnh Châu - địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, gia đình ông Trần Văn Khởi (xã Lai Hòa) có 4ha nuôi tôm. Suốt 3 năm qua, công Khởi chọn cách nuôi tôm ao đất 3 giai đoạn theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. “Công thức” này giúp ông giảm chi phí đầu tư, tôm thả nuôi khoảng 3 - 3,5 tháng đã có thể thu hoạch. Với 2 đợt thả nuôi tôm/năm, sản lượng thu về hơn 41 tấn tôm, ông Khởi thu lợi nhuận gần 2,5 tỷ đồng.

Ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, vụ đầu năm, ông Trần Văn Út nuôi 20 ao phủ bạt. Phương pháp này giúp ông dễ quản lý dịch bệnh, tôm lớn nhanh, tỉ lệ sống cao. Nhờ các công ty xuất khẩu được hàng, ông Út nhẩm tính tiền lãi tới 5 tỷ đồng.

Nếu như trước đây, hầu hết hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng đều nuôi theo phương thức truyền thống thì vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm đã chuyển đổi nuôi tôm bằng ao lót bạt, nuôi tôm bể nổi. Việc chuyển đổi phương thức đã góp phần kiểm soát dịch bệnh, tăng sản lượng tôm nuôi sau thu hoạch.

{keywords}
Ao nuôi tôm theo hướng công nghệ cao

Riêng tại thị xã Vĩnh Châu, với tổng diện tích nuôi tôm nước lợ 24.000ha, trong vụ nuôi năm 2021 thị xã dự kiến thả nuôi tôm sú 10.000ha, 14.000ha tôm thẻ, cùng với đó diện tích nuôi tôm công nghệ cao khoảng 2.000 - 2.500ha. Thị xã đã và đang tiến hành khâu cải tạo ao, qua đó đã thả nuôi 826ha, trong đó tôm sú 200ha, còn lại là tôm thẻ. Với diện tích thả nuôi còn lại, bà con đang tích cực cải tạo ao để xuống giống và dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành việc thả nuôi tôm sú, kết thúc tháng 9 sẽ hoàn thành toàn bộ diện tích thả nuôi tôm. Để vụ nuôi tôm 2021 đạt kết quả tốt, thị xã đã triển khai các mô hình nuôi tôm thành công phổ biến đến hộ nuôi như: mô hình nuôi 2 giai đoạn hoặc 3 giai đoạn, quy trình nuôi tuần hoàn tôm - cá kết hợp công nghệ Biofloc, mô hình nuôi lót bạt nền đáy ao...

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong số 30.000ha tôm đang thả nuôi tại tỉnh này (kế hoạch là 50.000ha), diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lên đến 23.000ha, tôm sú khoảng 7.000ha, tổng sản lượng ước trên 46.000 tấn trong vụ 1 năm nay. Năng suất bình quân của tôm thẻ chân trắng là 4,7 tấn/ha, tôm sú 1,7 tấn/ha.

Doanh nghiệp xuất khẩu thắng lớn

Không chỉ những người nông dân nuôi tôm kiếm lời hàng tỉ đồng, mà các doanh nghiệp nuôi và chế biến, xuất khẩu đặc sản này ở Sóc Trăng cũng đang trúng lớn.

Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam có trang trại nuôi đặt tại xã Liêu Tú (Trần Đề), với gần 240 ao nuôi tôm, trong vụ đầu năm 2021 sản lượng tôm thu hoạch gần 2.000 tấn. Hiện tại công ty đã thả nuôi tiếp vụ thứ hai.

Tại trang trại tôm của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta ở xã Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu), theo ước tính, vụ đầu năm, công ty thu hoạch không dưới 4.500 tấn. 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này xuất khẩu tôm đạt 100 triệu USD, tăng trên 35% so cùng kỳ. Dự kiến cuối năm 2021 sẽ đạt khoảng 200 triệu USD.

Tại Sóc Trăng đang có khoảng 10 doanh nghiệp lớn, chế biến và xuất khẩu thủy sản chuyên sâu. Các doanh nghiệp tỉnh này đang không ngừng mở rộng quy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại để xuất khẩu hàng vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… dự kiến sẽ vượt con số 1 tỉ USD năm nay. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm của Sóc Trăng đạt khoảng 580 triệu USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ. 

Để nhân lên những niềm vui

Chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người dân; bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường là một trong những nguyên nhân khiến tôm bị thiệt hại. Nhưng vượt qua những khó khăn, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, sự nỗ lực của người dân, nghề nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng vẫn đạt kết quả khả quan.

Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020, toàn tỉnh thả nuôi 51.400ha (đạt 103% kế hoạch), trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 37.000ha (chiếm 72%), tôm sú hơn 14.300ha, diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh chiếm hơn 94%. Tỷ lệ tôm thiệt hại được khống chế ở mức dưới 10% so với diện tích thả. Sản lượng đạt gần 188.000 tấn, cao hơn 24,8% so với cùng kỳ.

{keywords}
 

Theo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 thắng lợi do tỉnh quản lý nuôi trồng thủy sản theo khung lịch thời vụ phù hợp với điều kiện môi trường, điều kiện nuôi của người dân. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai, nhân rộng. Đặc biệt, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi và có ý thức chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản.

Từ những dự báo về tình hình thời tiết, đánh giá lịch mùa vụ và kết quả tình hình sản xuất năm trước và thực hiện theo khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2021 của Tổng cục Thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thông báo và khuyến cáo nông dân tuân thủ theo khung lịch thời vụ của ngành chức năng trong vụ tôm năm nay.

Theo đó, khung lịch thời vụ thả tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu từ ngày 20/1-30/9. Trong đó, tôm thẻ chân trắng theo đúng khung lịch từ 20/2-30/9; tôm sú từ 15/3-30/8. Đối với mô hình tôm-lúa phải bố trí thả nuôi, thu hoạch trước tháng 9 để chuẩn bị cho việc trồng lúa.

Với các vùng, cơ sở nuôi, hộ nuôi nhỏ lẻ, không đáp ứng đủ điều kiện nuôi, không chủ động được nguồn nước, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con hạn chế thả nuôi vào các khoảng thời gian thời tiết khắc nghiệt như mưa dầm vào các tháng 6, 7.

Các mô hình có khả năng đáp ứng các điều kiện nuôi, mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, mô hình nuôi hai giai đoạn và nhiều giai đoạn có thể bố trí rải vụ quanh năm, nhưng cần chủ động dự trữ nguồn nước, nuôi nước, có giải pháp phòng bệnh và ứng phó với thời tiết bất lợi.

Ngành nông nghiệp Sóc Trăng thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình nuôi, môi trường, thời tiết và cảnh báo dịch bệnh đến bà con, giúp người nuôi tôm an tâm sản xuất.

N.M