- Những bước đi gần đây cho thấy, Tổng thống Nga Putin có những toan tính chiến lược mới với nguồn lực dầu khí của mình. Ông Putin đã nắn dòng khí đốt khi mở van sang phương Đông với đối tác Trung Quốc khi những cảnh báo về khả năng gián đoạn dòng khí sang EU bởi diễn biến mới ở Ukraine.

"Lo ngại" gián đoạn với phương Tây

Phát biểu tại cuộc gặp giám đốc điều hành các công ty dầu khí quốc tế bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 18 tại St. Petersburg cuối tuần qua, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ sự lo ngại trước những tuyên bố của các "phần tử cực đoan ở Ukraine", trong đó có lời đe dọa sẽ làm gián đoạn hoạt động trung chuyển khí đốt của Nga sang Liên minh châu Âu.

"Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra. Năng lượng - ngành chiến lược của Nga không nên bị ảnh hưởng bởi chính trị", ông Putin chia sẻ.

Điều này cho thấy, Nga lo ngại về vấn đề xuất khẩu dầu khí vốn đóng góp một phần lớn vào ngân sách của nước này. Nga lo ngại dòng dầu khí sang phương Tây có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng trong khu vực, nhất là trên tuyến trung chuyển qua Ukraine.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Liên minh Châu Âu (EU) có lẽ còn lo ngại hơn, như ngồi trên lửa với những phát biểu của người đứng đầu nước Nga và hàng loạt các bước đi chấn động gần đây của ông Putin.

{keywords}

Những bước đi gần đây cho thấy, Tổng thống Nga Putin có những toan tính chiến lược mới với nguồn lực dầu khí của mình

Trong tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc đẩy thành công hợp đồng "mang tính lịch sử" trị giá 400 tỷ USD giữa Tập đoàn Năng lượng quốc doanh Nga Gazprom và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) kéo dài trong vòng 30 năm.

Sau 10 năm thương thảo, "hợp đồng lịch sử" đã trở thành hiện thực và theo đó Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm thông qua đường ống "Sức mạnh Siberia", đi qua Siberia tới vùng đông bắc Trung Quốc, tương đương 20% lượng khí xuất khẩu của Nga trong năm vừa qua.

Với cái bắt tay giữa Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nga đã thành công trong việc tìm thị trường dầu khí thay thế, gạt bỏ nỗi ám ảnh dòng khí đốt có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm của châu Âu trong bối cảnh EU cũng đang chạy đua với thời gian để cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, ông Putin cũng đã từng cảnh báo về những lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu và Mỹ có thể ảnh hưởng tới chính công việc của những công ty năng lượng phương Tây ở Nga và mong muốn không phải viện tới bất kỳ biện pháp trả đũa nào.

EU - Nga: chặng mới của 'mối tình' dầu khí

Hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD kéo dài 30 năm được được đánh giá là một bước đi lịch sử trong quan hệ giữa 2 cường quốc Nga và Trung Quốc. Nó được xem là một bước ngoặt thay đổi không chỉ bộ mặt thị trường khí đốt toàn cầu mà còn là các mối quan hệ quốc tế.

{keywords}

Ông Putin đã nắn dòng khí đốt khi mở van sang phương Đông với đối tác Trung Quốc

Đánh giá hợp đồng "mang tính lịch sử" Nga-Trung, một số chuyên gia cho rằng, Tập đoàn Năng lượng quốc doanh Nga Gazprom có thể phải chịu thiệt khi ký hợp đồng khí đốt với Trung Quốc bởi mức giá được đồn đoán rẻ hơn giá bán cho EU trong khi chi phí bán dầu sang EU lại rẻ hơn do có sẵn hệ thống đường ống dẫn.

Tuy nhiên, điều này có lẽ không khiến ông Putin bận tâm bởi Gazprom được đánh giá sẽ tích cực trong dài hạn và trên hết có lẽ là con đường mà Nga lựa chọn là mở van dòng dầu khí sang phương Đông, thay vì chăm chăm vào thị trường EU.

Trên thực tế, hợp đồng nói trên đã được ông Putin đặt ra từ 10 năm qua và đây có lẽ là thời điểm thích hợp bởi sự căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang, trong khi Trung Quốc cũng không muốn kéo dài thêm thời gian cho cơn khát dầu khí đang tăng dần. Cũng như Trung Quốc, Nga có lẽ cần thiết lập một mối tình mới trong bối cảnh mới.

Không chỉ Putin thủ thế mà các nước Liên minh Châu Âu cũng ở trong tình trạng tương tự. Trong bối cảnh xung đột giá khí đốt giữa Nga và Ukraine đe dọa tới an ninh năng lượng của EU, Ủy ban châu Âu (EC) cũng xúc tiến xây dựng một chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng. Theo đó, EU sẽ chi nhiều tỷ euro để kết nối các cơ sở năng lượng toàn châu Âu và đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Các bước đi của EU có lẽ cũng là để nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng tiêu thụ, nhất là từ Nga nơi cung cấp hơn 40% lượng khí đốt thiên nhiên và 33% lượng dầu nhập khẩu vào EU trong năm vừa qua.

Mặc dù vậy, trước mắt, cả Nga và EU dường như chưa thể rời nhau. Liên tục nhiều lần trong vài tháng gần đây, các quan chức EU kêu gọi Nga duy trì nguồn khí đốt cho châu Âu. EC kêu gọi Nga tôn trọng cam kết đảm bảo nguồn cung khí đốt liên tục cho châu Âu thông qua Ukraine chừng nào cuộc đàm phán về tương lai của lượng khí đốt này vẫn tiếp tục. Và cũng nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng thông suốt, châu Âu kêu gọi Nga áp dụng mức giá thị trường trong cung cấp khí đốt sang khu vực này.

EU muốn "tay ba" Nga - Ukraine và EU đạt được một giải pháp xây dựng trong cung cấp và trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine.

Với Nga, việc cung cấp khí với Trung Quốc tới 2018 mới thực sự bắt đầu nhưng có lẽ vị thế của nước này đã thay đổi khá nhiều sau những nước cờ của Putin.

Văn Minh