- Hàng loạt động thái cho thấy Nga đang đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam như một phần quan trọng trong chính sách hướng Đông. Các DN hai bên đã tìm thấy những cơ hội mới trong xu thế này.

Rầm rộ tới Việt Nam

Cuối tháng 10/2014, hàng loạt các DN lớn trong lĩnh vực công nghệ cao của Nga gồm Angstrem, BOLID, Vineta, Siberi - Sibtekhnomash, Ekra, Công ty "Hóa học nước", Công ty "Trung tâm Hệ thống an ninh đồng bộ - Yug"... và Viện Nghiên cứu "ATOLL" đã tới Việt Nam để thúc đẩy dự án khóa học và kỹ thuật "Nga - Việt Nam: Nền kinh tế mới".

Đây là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ dự án đổi mới công nghệ cao dài hạn "Nga - Việt Nam: nền kinh tế mới" được Ủy ban Khoa học và Công nghệ cao thuộc Viện Đuma Quốc gia Liên bang Nga và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Việt Nam bảo trợ nhằm thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại và hợp tác song phương.

Qua tham gia dự án này, các DN Nga càng thấy rõ hơn nhu cầu ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: sinh học, năng lượng, đào tạo, xây dựng, tự động hóa, công trình công nghiệp và chuyên ngành, đồng thời là các đề xuất đầu tư vào Việt Nam. Nhiều DN Nga cũng đã có nhiều hợp tác với các tập đoàn lớn trong nước như EVN...

Trên thực tế, đây chỉ là bước tiếp theo trong nỗ lực giúp các DN Nga thâm nhập vào Việt Nam. Trước đó, dù chưa rầm rộ nhưng đã có nhiều tập đoàn lớn tham gia vào các dự án rất lớn tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực trọng yếu.

{keywords}

Liên tiếp các cuộc tiếp xúc, hợp tác DN hai nước

Theo Tờ Tiếng nói nước Nga, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Rosatom là đơn vị được Nga lựa chọn để tác hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam - Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, với hai lò phản ứng với công suất điện khoảng 1.000 MW mỗi lò.

Hồi cuối tháng 5/2014, tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Putin, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Rosneft ký thỏa thuận cung cấp 6 triệu tấn dầu ESPO/năm trong thời gian từ 2014-2039 cho Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) nhằm phục vụ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo Rosneft, PV OIL là một trong những đối tác chính của Rosneft ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thậm chí, theo Tiếng nói nước Nga, 2 tập đoàn lớn là Rosneft và Gazprom Neft đã và đang xem xét khả năng mua 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm tham gia hiện đại hóa nhà máy này. Hiện tại Zarubezhneft đang hợp tác với PetroVietnam tại Vietsovpetro và đang cung cấp 85% nguyên liệu dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Cơ hội mới cho DN Việt

Không chỉ hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, các DN Nga cũng coi Việt Nam là nơi có thể nhập hàng hóa chất lượng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết và trong bối cảnh Nga đang bị cấm vận từ EU và Mỹ.

{keywords}

Dầu khí, lĩnh vực hợp tác tiềm năng cho cả hai nước.

Gần đây, hàng chục DN đến từ Nga đã đến tìm kiếm cơ hội hợp tác trong đó có tìm kiếm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại Việt Nam như quần áo và giày dép, đồ gỗ nội thất... Trong khi đó, cũng đã có những DN Việt đầu tiên nắm thời cơ đẩy hàng xuất khẩu vào Nga.

Tờ Pravda của Nga, hôm 18/11 đăng một bài nói đề cao vai trò hợp tác kinh tế với Việt Nam trong chính sách "xoay trục châu Á" của Nga. Theo đó, Việt Nam sẽ là một con rồng châu Á ở tương lai gần.

Theo Pravda, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng, khi Việt Nam gia nhập thành công vào Khu vực Thương mại Tự do (FTA) với các nước thuộc Liên minh Hải quan, đây sẽ là cầu nối sang các nước khác ở Đông Nam Á. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và xứng đáng được coi là một cường quốc kinh tế mới nổi. Đây là lý do Nga sẽ có lợi khi duy trì mối quan hệ với các nước trong khu vực tăng trưởng nhanh châu Á - Thái Bình Dương này.

Ở chiều ngược lại, các DN Việt Nam cũng đang chủ động tìm kiếm cơ hội ở thị trường Nga.

Hồi đầu tháng 10, Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương đã ký kết vay BIDV 400 tỷ đồng và 12 triệu USD để tài trợ hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng kho lạnh, kho ngoại quan và nhà máy chế biến thủy sản tại thị trường Liên Bang Nga.

HVG dự tính sẽ nâng cao chất lượng thủy sản xuất sang Nga đồng thời tận dụng hết nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt phong phú tại các vùng biển nước này. Trong 2015, HVG dự kiến nâng kim ngạch hai chiều của HVG tại thị trường Nga lên 200 triệu USD.

Hiện tại, theo HVG, Chính phủ Nga không nhập thực phẩm từ Mỹ và châu Âu, do vậy, cá tra và các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam sẽ được bán rộng rãi tại 84 tỉnh thành nước này thay vì chỉ bán tại Moscow như trước đây.

Cũng do lệnh cấm vận từ Mỹ và EU cũng như đòn trả đũa của chính phủ Nga, các mặt hàng các DN nước này đang tìm kiếm nhập khẩu thay thế với số lượng lớn là nông sản, trái cây, thủy sản như: cà chua, khoai tây, táo, rau, chè, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su, điều, tôm, cá phi lê, gỗ, cá tra, cá ba sa... Tất cả đều sẵn có ở Việt Nam.

Việt Nam và Liên bang Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2001. Kể từ đó, hai bên đã có những dấu mốc hợp tác đột phá như: chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2013 của Tổng thống Putin; chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga hồi đầu tháng 11/2012; chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Liên bang Nga cuối năm 2009...

Văn Minh