Ông Lê Ân bị thu hồi các quyết định đầu tư làng cô nhi, nhưng tiền san lấp mặt bằng gần 1,6 tỷ đồng từ 20 năm trước không được bồi thường vì thiếu hóa đơn, chứng từ.
Lão đại gia 78 tuổi (ngụ phường 10, TP Vũng Tàu) cho biết, ông đã gửi đơn đến UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để kêu cứu. Nguyên nhân là ông Lê Ân chưa được UBND huyện Long Điền bồi thường chi phí san lấp mặt bằng đã đầu tư vào Làng cô nhi Nghĩa Ân.
Theo quyết định ngày 1/6/1994 của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Làng cô nhi Nghĩa Ân do ông Lê Ân sáng lập, được quy hoạch trên diện tích 9 ha, tại xã An Ngãi, huyện Long Điền. Sau đó, ông này đầu tư vào làng cô nhi trên 7,5 tỷ đồng, để san lấp mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Hình ảnh san lấp mặt bằng tại Làng cô nhi Nghĩa Ân cách đây 20 năm. Ảnh ông Lê Ân cung cấp. |
Ngày 13/10/1994, ông Nguyễn Văn Hàng (Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ký quyết định số 1709, thu hồi tất cả các văn bản có liên quan đến việc thành lập Làng cô nhi Nghĩa Ân và đình chỉ hoạt động nơi này. Tuy nhiên, 3 ngày trước đó (10/10/1994), Thủ tướng Chính phủ có quyết định 561, cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đối với ông Hàng.
Theo kháng nghị của VKSND tối cao, quyết định 1709 do ông Hàng ký là không có hiệu lực, trái pháp luật, vì ban hành sau ngày bị Thủ tướng cách chức. Ngoài ra, nếu ông Hàng còn giữ chức Phó chủ tịch tỉnh thì vị lãnh đạo này cũng không đủ thẩm quyền ký văn bản thu hồi các quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành.
Đến năm 2008, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi trên 44,3 ha đất tại xã An Ngãi, để đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong diện tích bị thu hồi có trên 9 ha đất của Làng cô nhi Nghĩa Ân.
Năm 2012 và 2013, ông Lê Ân nhận 4 quyết định của UBND huyện Long Điền về bồi thường nhà, vật kiến trúc trên đất. Đại gia này đã nhận trên 1,6 tỷ đồng nhưng tiếp tục khiếu nại, yêu cầu bồi thường thêm chi phí san lấp mặt bằng gần 1,6 tỷ đồng.
Đại gia Lê Ân, người sáng lập Làng cô nhi Nghĩa Ân. |
Tháng 12/2014, UBND huyện Long Điền có công văn 5570 cho rằng, Làng cô nhi Nghĩa Ân chưa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao đất. Do đó, làng không có quyền sử dụng đất hợp pháp, nên không được bồi thường chi phí san lấp mặt bằng theo Điều 76, Luật Đất đai năm 2013 và Điều 3, Nghị định 47, năm 2014 của Chính phủ.
Sáng 9/4, ông Lê Văn Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, đã báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các sở, ngành có liên quan về trường hợp khiếu nại của ông Lê Ân. Quan điểm của huyện với ngành chức năng là không bồi thường, nhưng sẽ hỗ trợ tất cả chi phí ông Lê Ân đã san lấp mặt bằng, nếu ông này trình được hóa đơn, chứng từ.
"Chúng tôi muốn giải quyết dứt điểm vụ việc, nên nhiều lần mời vợ chồng ông Lê Ân đến trao đổi. Ông ấy không cung cấp được hóa đơn, hợp đồng liên quan đến việc mua vật tư của đơn vị nào để san lấp thì huyện không có căn cứ chi tiền. Nếu chi tiền mà không có chứng từ kèm theo, kiểm toán vào làm việc thì kẹt cho huyện", ông Trung nói.
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Lê Ân cho biết, không có hóa đơn, chứng từ cung cấp cho huyện Long Điền bởi Làng cô nhi Nghĩa Ân là tổ chức từ thiện phi lợi nhuận. Vì vậy, làng không có báo cáo tài chính, không yêu cầu hoàn thuế giá trị gia tăng, nên không lấy hóa đơn.
"Việc đền bù thiệt hại vào thời điểm này không đáng bao nhiêu so với chi phí tôi bỏ ra 20 năm trước. Thiệt hại cho tôi và các cháu không nơi nương tựa đã quá rõ, nên việc thu hồi và xóa sạch làng cô nhi thì phải đền bù tiền san lấp mặt bằng mới thấu tình đạt lý", đại gia Lê Ân nêu trong đơn.
(Theo Zing)