Ngày 15.4, Công an TP.Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng lừa đảo qua mạng Facebook. Trước đó một ngày, Công an TP.Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp 3 đối tượng là Lê Văn Pháp, Nguyễn Minh Tài và Nguyễn Thị Phương vì hành vi lừa trúng thưởng trên mạng Zalo... Lừa đảo trực tuyến, lừa đảo qua mạng xã hội đang bùng phát tới mức báo động.

Người dùng bị “thập diện mai phục”

Các đối tượng lừa đảo trực tuyến (mạng di động, website, mạng xã hội, ứng dụng di động…) gần đây liên tiếp bị cơ quan công an phát hiện và bắt giữ. Trước vụ bắt 3 đối tượng lừa đảo trúng thưởng trên mạng Zalo kể trên, Công an Đà Nẵng cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lương Công Hay - đối tượng đã lập ra trang web mangxahoi24h.com để lừa đảo nhận thưởng. Trang mangxahoi24h.com đến nay vẫn hoạt động. Theo thông tin trên trang mangfb.com và mangxahoi24h.com, đơn vị chủ quản của hai trang này là Cty CP kỹ thuật số truyền thông tương tác (InterMedia), nhưng địa chỉ ở hai nơi khác nhau là 364 Cộng Hoà, P.13, Tân Bình, TPHCM và ở 181 Trần Cao Vân, P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng. Qua xác minh, hai địa chỉ trên đều không có Cty InterMedia.

Tình trạng các đối tượng xấu mở trang trên Zalo để lừa đảo trúng thưởng đã diễn ra từ khoảng 2 năm trở lại đây và chính mạng Zalo của VNG bị người dùng hiểu nhầm và trách móc không ít. Tuy nhiên, thực trạng này không chỉ xảy ra trên Zalo, mà trên Facebook cũng “sôi động” không kém. Nhiều người dùng Facebook liên tiếp nhận được tin nhắn chúc mừng trúng thưởng xe Piaggio, phiếu quà tặng trị giá 70 triệu đồng, kèm mã bí mật của người đoạt giải..., và được đề nghị truy cập trang mangfb.com để làm thủ tục nhận giải. Sau khi bị cộng đồng mạng phát giác, trang mangfb.com lập tức đóng cửa. Nhưng ngay sau đó, người dùng Facebook nhận được chương trình trúng thưởng tương tự với trang web mới hotronhangiaifacebook.com.

{keywords}

Thông báo trúng thưởng gửi tới người dùng Facebook.

Bọn lừa đảo bị “chặt đầu này thì mọc đầu khác”. Chị Thuý Hà (số điện thoại 098942xxxx) - một nạn nhân của cú lừa trên ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí (còn gọi là ứng dụng OTT) Tango - cho biết: “Tôi cứ nghĩ chỉ có mấy trang trong nước rộ lên tình trạng lừa đảo nên mới dùng Tango và tin tưởng hơn, nhưng không ngờ vẫn bị lừa”.

Chiêu lừa trên Tango cũng chẳng khác gì trên Zalo. Chị Hà nhận được tin nhắn “Tango thông báo” trúng thưởng, có mã số hẳn hoi, và đặc biệt là thời hạn hoàn tất hồ sơ nhận thưởng chỉ trong vòng 45 phút để được trúng xe Vespa “B-color” cùng với phiếu quà tặng trị giá 50 triệu đồng. Cuối cùng quà không những chẳng có, mà còn bị mất 1,8 triệu đồng gửi vào tài khoản của bọn xấu.

Cạm bẫy không chừa ai

Năm 2014, sự kiện “cháu của ông chú Viettel” về các đối tượng mạo danh nhà mạng Viettel lừa đảo nạp thẻ cào bằng chiêu nhân gấp 10 lần mệnh giá đã “được” bầu chọn là 1 trong 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông nổi bật. Tình trạng lừa đảo nạp thẻ trên Facebook hiện nay khiến một số người phải lên tiếng bằng cách lập ra trang Facebook “Lừa đảo nạp thẻ cào Facebook” để cảnh tỉnh mọi người.

Có một nguyên tắc là, những món quà, những giải thưởng bỗng dưng trên trời rơi xuống luôn cần được dè chừng, thậm chí nghi ngờ vì có tỉ lệ lừa đảo rất cao. Tuy nhiên, trong thực tế còn những cách lừa đảo tinh vi hơn rất nhiều trên môi trường trực tuyến, như chiêu lừa người dùng gọi vào các số điện thoại vệ tinh để tốn phí cao, thậm chí chỉ cần nghe cũng mất phí “khủng”. Chị B.Hương (091840xxxx) là một trong những nạn nhân như vậy. Chị Hương lập ra một trang Facebook bán hàng, bị đối tượng xấu dùng số điện thoại quốc tế gọi vào nói vòng vo suốt 15 phút khiến chị mất đến gần 800.000 đồng tiền cước. Tất nhiên nạn nhân mất tiền cước thì kẻ lừa đảo lại được chia sẻ phần nào khoản cước đó.

Trong khi đó chị Q (Hà Nội) thì bị lừa theo hướng ngược lại. Qua Facebook, chị biết đến một cửa hàng thời trang ghi địa chỉ ở phố Trần Nhật Duật. Tin chủ cửa hàng, chị Q chuyển trước 2,4 triệu đồng nhưng hơn 1 tháng sau chẳng nhận được hàng mà cũng chẳng biết chủ cửa hàng ở đâu để đòi lại tiền. Khác chị Q, chị M bị lừa mất 800.000 đồng mà chỉ nhận được quần áo cũ, sờn rách…

{keywords} 

Cuối tháng 3 vừa qua, Công an Hà Nội cũng bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Thế Dũng (SN 1993) và Nguyễn Đức Anh (SN 1994) giả mạo nick của shop bán túi xách online uy tín trên Facebook, chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng.

Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng Bkav: Có thể dùng chiêu thức thực hiện khác nhau, nhưng đối tượng lừa đảo có điểm chung là đánh vào tâm lý ưa giá rẻ và nhận thưởng lớn, trong khi so với món quà thì chi phí nhận thưởng là không đáng kể nên người tiêu dùng đã thực hiện theo các yêu cầu của bọn chúng.

Trong khi đó, Trưởng ban Truyền thông của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Hoà Bình cho biết, hiện nay, các thông tin rác, tin nhắn trúng thưởng lừa đảo qua công cụ chat, messenger còn dữ dội hơn tin nhắn rác trên di động, nếu không có biện pháp ngăn chặn, khắc chế hoặc người tiêu dùng không có biện pháp tự bảo vệ mình thì hậu quả sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, nạn lừa đảo trực tuyến có xu hướng tăng lên cũng do những “nạn nhân” e ngại số tiền bị lừa không lớn, sợ bị trả thù vì lộ nơi ở và rắc rối với cơ quan chức năng nên không khai báo.

(Theo Lao Động)