Đợt cao điểm tổng kiểm tra các phương tiện sẽ kéo dài trong 1 tháng từ ngày 15/5 đến hết 14/6.
Mang đầy đủ giấy tờ theo người
Việc kiểm tra 4 loại giấy tờ (bằng lái, đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm dân sự) của tài xế thường được lực lượng CSGT tiến hành sau khi phát hiện lỗi vi phạm giao thông và dừng xe kiểm tra. Ngày thường, có thể tài xế quên mang các loại giấy tờ này, nhưng không vi phạm có thể thoát kiểm tra, nhưng với đợt tổng kiểm tra thì rất dễ bị xử phạt.
Hành vi không mang theo đăng ký xe và giấy phép lái xe, bị xử phạt từ 100.000 đồng – 200.000 đồng đối với xe máy, với ô tô từ 200.000 đồng – 400.000 đồng, mỗi trường hợp. Không mang bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới, phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng với xe máy và 400.000 đồng – 600.000 đồng đối với người điểu khiển xe ô tô. Riêng ô tô, nếu thiếu giấy đăng kiểm bị phạt 200 - 400.000 đồng
Bộ 3 giấy tờ không thể thiếu với người lái xe ô tô |
Để không quên các loại giấy tờ trên, tài xế cần để chung trong ví hoặc ở một vị trí dễ nhớ như cốp trước ô tô, cốp dưới yên xe máy.
Kiểm tra phương tiện trước khi lên đường
Ngày thường, có thể những lỗi liên quan đến đăng kiểm phương tiện có thể bị CSGT bỏ qua, nhưng trong đợt tổng kiểm tra, những lỗi này có thể sẽ được lực lượng chức năng kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, tài xế nên có bước chuẩn bị, kiểm tra phương tiện để tránh các lỗi phạt không đáng có.
Với ô tô, cần kiểm tra tổng quan, gỡ bỏ các thiết bị lắp đặt không đúng theo thiết kế nhà sản xuất như đèn trợ sáng, cản trước và sau, giá nóc.
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Người vi phạm còn bị xử phạt bổ xung như tịch thu đèn, tước bằng lái từ 1 đến 3 tháng. Số tiền phạt này cũng tương tự nếu chở hàng trên nóc thùng xe.
Riêng hành vi lắp thêm cản sau và cản trước cho xe có thể bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân và từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe vi phạm. Ngoài ra, việc để lốp quá mòn không đảm bảo an toàn cũng bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Đợt tổng kiểm tra trên toàn quốc của CSGT sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng |
Với xe máy, lỗi thường thấy nhất là lắp thêm đèn trợ sáng, hoặc đèn không có tác dụng sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Mức phạt không có gương chiếu hậu là từ 100.000 đến 200.000 đồng. Đặc biệt những xe lắp biển số gập trông ngầu hơn nhưng dễ bị phạt từ 80.000 - 100.000 đồng.
Nghiên cứu cung đường sẽ đi
Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và phương tiện thì người lái xe cũng cần tìm hiểu thông tin về tuyến đường nơi đến như đường ngược chiều, đường có đi qua khu vực dân cư hay không, đường dẫn ra cao tốc, đường tránh… Điều này sẽ giúp tài xế đỡ bỡ ngỡ khi xử lý tình huống.
Thực tế thời gian qua, nhiều tài xế bị phạt nguội vì những tình huống vi phạm như đi ngược chiều, rẽ không tuân thủ luật giao thông, đỗ xe ngược chiều…do đi vào đường lạ. Do đó, chuẩn bị trước thông tin sẽ rất thiết thực.
Tìm hiểu biển báo, vạch kẻ
Với tài xế ô tô, quy tắc biển báo, vạch kẻ trên đường gần như là điều bắt buộc phải thuộc lòng bởi khi vi phạm sẽ bị xử phạt khá nặng. Tuy nhiên, với tài xế mới hay người ít cầm vô-lăng thì việc nhớ mặt biển báo, ký hiệu vạch đường có thể khó hơn các “tài già”.
Để khắc phục, tài xế có thể mang theo sách luật giao thông, tải thông tin hệ thống biển báo, vạch kẻ vào điện thoại để tra cứu khi cần.
Bên cạnh đó, một số loại ô tô hiện nay có sẵn bản đồ định vị kèm cảnh báo giao thông, khi lái xe có thể bật thiết bị này. Nếu không có sẵn, thị trường hiện đã bán nhiều camera hành trình có tích hợp tính năng chỉ dẫn giao thông, nhưng giá khá đắt, từ 5 đến 10 triệu đồng.
Tìm hiểu kỹ Nghị định 100
Hiện nay, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có hiệu lực từ đầu năm, trong đó nhiều quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã tăng lên rất nhiều.
Mức xử phạt cao nhất hiện nay chính là vi phạm nồng độ cồn. Người đi xe máy có nồng độ cồn quá 50 mg/100ml đến quá 80 mg/100ml khí thở bị phạt từ 4 đến 8 triệu đồng, với lái xe ô tô là từ 6 đến 40 triệu đồng, tước bằng lái đến 24 tháng.
Đứng thứ hai là hành vi chạy quá tốc độ. Xe máy chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h bị phạt 4 đến 5 triệu đồng kèm tước bằng 2 - 4 tháng. Ô tô chạy quá tốc độ từ 10 đến 35 km/h bị phạt từ 3 triệu đến 12 triệu đồng, kèm tước bằng lái từ 1 đến 4 tháng.
Một số lỗi cũng tăng mức phạt đáng kể như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ/vàng, không chấp hành hiệu lệnh CSGT, đi vào làn thu phí tự động không đủ điều kiện…, mức phạt cũng lên tới tiền triệu.
Đình Quý
Trân trọng mời bạn đọc gửi tin, bài, ảnh, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Bật đèn xe máy 24/24h: Thực nghiệm chứng minh mới thuyết phục được dân
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kỹ thuật ô tô, quy định bật đèn xe máy 24/24h có nhiều lợi ích hơn cho an toàn giao thông. Vấn đề còn lại đáng băn khoăn là việc bật đèn cốt thay cho đèn nhận diện.