- 5 doanh nghiệp thuộc Vinashin hiện còn nợ hơn 20.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Riêng Vinashinlines còn nợ hơn 6.000 tỷ đồng.

Phiên tòa xét xử vụ án tham ô và rửa tiền xảy ra tại Vinashinlines hôm nay bước sang ngày thứ 3.

Sáng nay, HĐXX tập trung thẩm vấn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nguyên đơn dân sự.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa.

Tại tòa, cùng lúc xuất hiện hai nguyên đơn dân sự đòi yêu cầu bồi thường thiệt hại là tổng công ty Hàng hải Việt Nam và tổng công ty Vinashin.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, người được Tổng giám đốc Vinashin ủy quyền đại diện cho biết, thời điểm xảy ra vụ án, Vinashinlines thuộc sở hữu 100% của Vinashin.

Tiền mua tàu của Vinashinlines được Vinashin rót vốn. Nguồn do đi vay, do vậy Vinashinlines phải chịu trách nhệm trả lãi và gốc.

Bà Nguyệt đã không thể trả lời được câu hỏi: Từ năm 2006, những hoạt động mua bán tàu và cho thuê tàu, lợi nhuận hay thua lỗ?

Điều này khiến vị chủ tọa phải lên tiếng: "Là đại diện ủy quyền của Vinashin tại phiên tòa thì phải trả lời được các câu hỏi của HĐXX. Nếu bà không trả lời thì phải điện về TGĐ yêu cầu có mặt. Nếu không, chúng tôi sẽ có biện pháp để buộc TGĐ của bà phải có mặt".

Trả lời câu hỏi của HĐXX về thiệt hại liên quan đến mua tàu của Vinashinlines, bà Nguyệt cho biết, thiệt hại trước tiên là Vinashinlines chịu, nhưng thiệt hại gián tiếp là Vinashin.

"Đến thời điểm này, Vinashinlines còn nợ hơn 48 triệu USD và hơn 73 tỷ đồng. Tiền thu hồi mua 8 tàu đó là khó thu hồi lại...

Số nợ của Vinashinlines thì Vinashin phải trả. Khi Vinashin được chuyển sang tổng công ty Hàng hải, có một khoản nợ mà tổng công ty Hàng hải còn nợ Vinashin, nhưng tổng công ty Hàng hải chưa trả. Hai bên thống nhất Vinashin nhận khoản bồi thường vụ án để xử lý khoản nợ", lời bà Nguyệt.

Bà Nguyệt cho biết, về số tiền thiệt hại các bị cáo gây ra là hơn 260 tỷ đồng, Vinashin đề nghị thu hồi Nhà nước và bồi thường cho Vinashin số tiền thất thoát nêu trên.

Trả lời câu hỏi của HĐXX: Khoản tiền 260 tỷ đồng là tiền hoa hồng và chênh lệch giá thuê tàu, cá nhân có được hưởng?, bà Nguyệt cho rằng, mọi khoản thu đều phải hoạch toán về Vinashinlines, cá nhân không được hưởng.

Lợi nhuận từ số tiền 260 tỷ đồng này có được xuất phát từ chức vụ của Giang Kim Đạt tại công ty, nếu không phải là người Vinashinlines thì Đạt sẽ không thể có được lợi nhuận này.

Hai nguyên đơn dân sự cùng đòi bồi thường

Đại diện tổng công ty Hàng hải, ông Bùi Xuân Khôi, Trưởng ban pháp chế thanh tra cho biết: Từ tháng 6/2010, Thủ tướng quyết định chuyển 5 doanh nghiệp của Vinashin, trong đó có Vinashinlines sang tổng công ty Hàng hải. Điều đó đồng nghĩa với việc, Tổng công ty hàng hải phải nhận và gánh theo cả các khoản nợ của các doanh nghiệp này.

5 đơn vị này hiện còn nợ hơn 20.000 tỷ đồng. Riêng Vinashinlines còn nợ hơn 6.000 tỷ đồng.

"Hiện giờ Vinashinlines thuộc tổng công ty Hàng hải nên tổng công ty phải chịu nghĩa vụ trả nợ. Tổng công ty Hàng hải thành lập sau, nhưng khoản nợ vẫn phải chịu, nên yêu cầu tất cả thiệt hại mà các bị cáo gây ra thì bồi thường cho tổng công ty vì tổng công ty vẫn đang phải chịu các nghĩa vụ trả nợ cho Vinashinlines", ông Khôi trình bầy.

HĐXX công bố công văn trả lời của Bộ Tài chính. Theo đó, tiền hoa hồng, kể cả quà biếu, quà tặng mà các công ty nhà nước được đối tác cho mà các bị cáo chia nhau như mô tả của cáo trạng là trái quy định. Tiền đó phải được hạch toán vào công ty.

T.Nhung - T.Linh