Theo Wall Street Journal, điều này làm dấy lên những lo ngại rằng phần lớn thế giới vẫn sẽ phải chiến đấu với virus corona cùng những ảnh hưởng của nó đến tận năm 2022, hoặc lâu hơn thế.
Dù Mỹ và một số nước đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tiêm chủng hầu hết dân số của họ vào cuối mùa hè năm ngoái, nhiều chuyên gia y tế và kinh tế nhận định rằng, phần lớn các quốc gia ở châu Á, châu Âu và Mỹ-Latin vẫn đang phải đối mặt với sự thiếu hụt vắc-xin trầm trọng.
Ngân hàng UBS ước tính, với tiến độ như hiện tại, sẽ chỉ có khoảng 10% dân số thế giới được tiêm vắc-xin Covid-19 vào cuối năm nay, và 21% vào cuối năm 2022. Chỉ có 10 quốc gia có thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 1/3 dân số trong nước vào năm nay.
Ảnh: Reuters |
Việc phân phối không đồng đều vắc-xin Covid-19 đồng nghĩa với việc virus corona có thể tiếp tục tồn tại trong nhiều năm, đặc biệt ở các nước đang là “ổ dịch” như Brazil và Nam Phi. Thậm chí, nhiều nhà virus học lo ngại rằng theo thời gian, nhiều biến thể mới của virus corona có thể xuất hiện, khiến những loại vắc-xin hiện tại trở nên kém hiệu quả hơn.
Tốc độ triển khai vắc-xin Covid-19 khác nhau cũng khiến triển vọng phát triển của các khối kinh tế chính trên thế giới trở nên khác nhau. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 5,1% năm nay, nhưng sự phục hồi của khu vực đồng Euro và các nền kinh tế đang phát triển khác vẫn còn rất bấp bênh, do sự trì hoãn trong các chiến dịch tiêm chủng.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lượng kiều hối, nguồn thu nhập quan trọng của các nước đang phát triển, sẽ tiếp tục giảm 7,5% trong năm nay, sau mức giảm 7% vào năm ngoái. Hoạt động kinh doanh khách sạn ở những khu vực như Đông Nam Á và Thái Bình Dương dự kiến phải đến giữa năm sau mới có thể phục hồi. Các phòng hòa nhạc và trường học có thể sẽ đóng cửa lâu hơn dự kiến, đồng nghĩa với việc sinh viên quốc tế sẽ chưa thể nhập học từ giờ cho đến giữa năm 2022.
Còn theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), lưu lượng các chuyến bay liên lục địa cho đến năm 2023 sẽ không thể đạt mức như năm 2019. Nick Careen, Phó chủ tịch cấp cao của IATA, cảnh báo rằng: “Chúng ta đang nói về các năm hơn là các tháng, và điều đó phần nào liên quan đến sự chênh lệch trong tốc độ tiêm chủng”.
Cũng theo Wall Street Journal, một vấn đề khác là sự chậm trễ trong tốc độ sản xuất và vận chuyển vắc-xin Covid-19 từ một số nước có thể gây ra hiệu ứng domino đối với những nước khác.
Châu Âu, dù là nơi sản sinh nhiều loại vắc-xin hàng đầu, song vào tháng trước đã phát sinh nhiều vấn đề khiến nhiều nhà máy tại đây khó có thể duy trì tiến độ của mình. Thậm chí, EU hôm 29/1 đã phải ban hành các biện pháp ngăn chặn việc xuất khẩu vắc-xin Covid-19 sang các nước như Canada, Nhật Bản hoặc Mỹ.
Những vấn đề tương tự cũng khiến Nhật Bản phải vật lộn để cung cấp đủ liều lượng vắc-xin cần thiết cho người dân từ giờ đến cuối tháng 6. Taro Kono, người đứng đầu công tác triển khai vắc-xin Covid-19 của Nhật Bản, thừa nhận ông cũng không thể biết khi nào người dân trong nước về tổng thể đều có chủng ngừa.
Còn tại Trung Quốc, dù đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng Covid-19 bằng các loại vắc-xin tự điều chế, song việc phê duyệt và bố trí sản xuất của nước này vẫn diễn ra chậm hơn so với dự kiến. Một trong những biểu hiện của điều này là hãng sản xuất vắc-xin Sinovac đang gặp khó khăn trong việc thuê nhân công mới, theo báo cáo từ một văn phòng của chính phủ Bắc Kinh.
“Vấn đề chính nằm ở khối lượng sản xuất”, Guo Wei, Phó tổng thư ký Hiệp hội Hậu cần y tế, trực thuộc Cơ quan quốc gia về hậu cần và mua sắm Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông Guo Wei cũng nói rằng, dựa trên ước tính về sản lượng của các nhà sản xuất vắc-xin trong nước, Trung Quốc sẽ không thể đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay.
Theo ước tính từ nhóm tư vấn chiến lược China Trivium, tổng cộng 850 triệu liều vắc-xin Covid-19 là con số cao nhất mà Trung Quốc có thể sản xuất trong năm 2021, trong khi 1,68 tỷ liều mới được xem là con số đầy đủ nhất để tiêm chủng cho toàn bộ người dân nước này. Còn theo Cơ quan Tình báo Kinh tế, dù không loại trừ khả năng một số thành phố lớn của Trung Quốc sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay, song điều này khó có thể diễn ra trên cả nước cho đến cuối năm 2022.
Bất kỳ chậm trễ nào trong sản xuất vắc-xin đều có thể ảnh hưởng đến các nước khác.Chẳng hạn, Morocco đã lên kế hoạch tiêm chủng cho 80% dân số trong những tháng tới, một phần đến từ việc nhập khẩu vắc-xin của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức nước này cho biết họ chưa nhận được toàn bộ nguồn cung vắc-xin cần thiết, và đang đổ lỗi cho sự trì trệ từ bên sản xuất.
Tương tự, Argentina từng lên kế hoạch tiếp nhận 5 triệu liều vắc-xin Sputnik V của Nga vào tháng trước, song mới chỉ nhận được 800.000 liều vì sự chậm trễ trong khâu sản xuất ở Nga.
Giới phân tích cũng đặt nghi ngờ về các mục tiêu chủng ngừa mà một số quốc gia tuyên bố sẽ đạt được trong năm nay. Giới chức Indonesia muốn tiêm vắc-xin Covid-19 cho 65% trên tổng số 270 triệu người dân của nước này trong vòng 15 tháng, hay Philippines muốn đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong năm 2021. Song theo những nhà phân tích từ IMA Asia, điều này có thể sẽ mất từ 3 đến 4 năm mới có thể được hoàn tất.
“Chúng tôi nghi ngờ liệu họ có thể đạt được một nửa mục tiêu này trong năm 2021 hay không”, IMA Asia cho biết trong một báo cáo gần đây.
Việt Anh
Hàn Quốc kéo dài ‘giãn cách xã hội’ do Covid-19
Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết, Hàn Quốc sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm hai tuần cho tới khi hết Tết do dịch Covid-19.
Mỹ bị ‘lạc mất’ gần 20 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện không rõ gần 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 đang nằm ở đâu, sau khi đã ra lệnh gửi chúng tới nhiều bang.