Ông là điệp viên hoạt động lâu nhất, là người duy nhất từ chối đào tẩu sang Liên Xô khi bị lộ và là người duy nhất được cho là đã khai báo toàn bộ với MI-6 để đổi lại không bị truy tố. 

Anthony Blunt sinh ra trong một gia đình danh giá ở Bournemouth, miền Nam nước Anh. Mẹ ông là em Bá tước Strathmore – bố vợ của Vua George VI. Sau khi Vua George VI qua đời năm 1952, công chúa Elizabeth lên kế vị thì quan hệ của Blunt với Nữ hoàng Anh càng gần gũi hơn. Năm 1956, Anthony Blunt được phong tước Hiệp sĩ.

Với năng khiếu toán học và hội họa, năm 19 tuổi, Blunt được vào thẳng Đại học Cambridge danh giá. Tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, ông được giữ lại trường giảng dạy và nghiên cứu. Tại đây, Blunt gia nhập một hội kín gồm những người trẻ tuổi có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản. Tình báo Liên Xô đã tìm cách tuyển mộ những thanh niên này để chờ cơ hội “đánh” vào các cơ quan đầu não của Anh.

{keywords}
Anthony Blunt. Ảnh: Radiotimes

Năm 1933, sau một chuyến thăm Liên Xô với những ấn tượng mạnh mẽ về đất nước, con người Xô-viết, Anthony Blunt có ý định gia nhập Đảng Cộng sản Anh. Tuy nhiên, Guy Burges – một học trò của ông (sau này cũng thuộc nhóm điệp viên Cambridge) khuyên ông nên cộng tác với NKVD – cơ quan tiền thân của KGB để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chung.

Ban đầu, Blunt có nhiệm vụ lựa chọn những sinh viên ưu tú có xu hướng thân cộng sản, tiềm năng nhất để báo cáo với NKVD tổ chức tiếp cận và tuyển mộ. Trong số những người Blunt trực tiếp tuyển mộ có John Cairncross sau trở thành thành viên trong nhóm Cambridge, người cung cấp nhiều thông tin quý giá giúp Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử sớm hơn dự kiến.

Chiến tranh Thế giới thứ II bắt đầu, học viên tốt nghiệp Học viện Tình báo Anthony Blunt được điều sang làm việc tại Cơ quan An ninh Anh (MI-5). Tại đây, Blunt trực tiếp tham gia chiến dịch Ultra – chiến dịch giải mã bộ khóa mật mã Enigma của Đức quốc xã, nên có điều kiện tiếp cận những tài liệu thông tin bí mật nhất và chuyển cho phía Liên Xô.

Blunt đã cung cấp cho NKVD khối lượng lớn tài liệu có giá trị về cơ cấu nhân sự của MI-5, danh sách các điệp viên Liên Xô đang hoạt động tại London bị MI-5 phát hiện và theo dõi, về các cơ sở đóng quân của quân đội Anh, các điệp viên Đức cài cắm trên lãnh thổ Liên Xô và bố trí lực lượng của Đức trên mặt trận phía Đông.

Cũng chính ông đã sớm cung cấp thông tin cho Liên Xô về những thỏa thuận riêng rẽ giữa Mỹ - Anh với Đức, tạo lợi thế rất lớn cho Liên Xô trong quá trình đàm phán với Anh - Mỹ khi sắp kết thúc chiến tranh.

Sau chiến tranh, Anthony Blunt trở thành cố vấn cho Vua George VI, sau đó là Nữ hoàng Elizabeth và là Tổng quản kho sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của Hoàng gia Anh. Ở vị trí này, ông có quan hệ rộng rãi với các thành viên chính phủ Anh và tiếp tục cung cấp cho NKVD, sau đó là KGB nhiều tin tức có giá trị.

Năm 1951, khi phát hiện bị bại lộ, hai thành viên của nhóm Cambridge là Guy Burgess và Donald Mclean đã đào tẩu sang Liên Xô. Vụ việc này khiến cơ quan an ninh Anh bắt đầu để ý đến Anthony Blunt vì mối quan hệ sâu sắc giữa ông với Burgess, song không tìm được bằng chứng cụ thể. Năm 1964, Michael Straight, người mà Blunt từng tuyển mộ không thành từ khi còn ở Đại học Cambridge, báo cho MI-5 những chi tiết về ông.

Lần này, trước những bằng chứng không thể chối cãi, Blunt buộc phải thừa nhận quá trình cộng tác với KGB để đổi lại lời cam kết sẽ không bị truy tố và giữ kín mọi chuyện. Từ sau đó, Blunt đoạn tuyệt với công việc tình báo và chuyên tâm vào lĩnh vực hội họa cổ điển châu Âu. Ngày 21/11/1979, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher bất ngờ công bố trước Hạ viện Anh về những việc làm của Anthony Blunt, nhưng tuyên bố không có ý định truy cứu ông. Tháng 7/2009, 26 năm sau khi Blunt mất, cuốn hồi ký của ông đến hạn công bố.

Trong hồi ký, Blunt đề cập đến quá trình được KGB tuyển mộ cùng một số quan hệ cá nhân, song chi tiết về hoạt động tình báo không được nhắc đến – kể cả tên tuổi cán bộ KGB đã tuyển mộ ông và điệp viên do ông tuyển mộ. Một lần nữa, người ta lại phải tiếp tục suy đoán về ông – một điệp viên Cambridge của KGB, một thành viên Hoàng gia Anh và một học giả uyên bác.

Nguyên Phong