Những bản án thích đáng
Phiên tòa được tiến hành tại thành phố Nurnberg – nơi thường tổ chức đại hội đảng Công nhân quốc gia xã hội Đức (NSDAP-đảng Quốc xã) của Hitler. Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Robert H. Jackson giữ quyền Trưởng Công tố.
Trong số những kẻ bị xét xử có Bộ trưởng Không quân Hermann Goering, Phó chủ tịch NSDAP Rudolf Hess, Bộ trưởng Ngoại giao Friedrich Wilhelm... Ngoài ra, còn một chỗ trống dành cho Martin Borman - Chánh văn phòng NSDAP, đã lẩn trốn vào ngày 1/5/1945.
Sau gần 1 năm xét xử, ngày 1/10/1946, Tòa tuyên án tử hình đối với 11 quan chức Đức Quốc xã như Hermann Goering, Friedrich Wilhelm, cựu Ngoại trưởng Ribbentrop, Thống chế Wilhelm Keitel - người đã ký vào văn kiện đầu hàng Đồng minh, Tổng cục trưởng An ninh Ernst Kaltenbrunner... và tử hình vắng mặt Martin Borman.
Các bị cáo khác bị kết án từ 10 năm tù giam đến chung thân. Tất cả các đơn kháng án cũng như đơn đề nghị dùng hình thức xử bắn thay cho treo cổ đều bị tòa án bác bỏ. Vào đêm 15 rạng sáng ngày 16/10/1946, các tử tù đều bị treo cổ, trừ Hermann Goering đã tự tử.
Nhân chứng sống gây ngạc nhiên
Ngày 11/2/1946, đại diện phía Liên Xô tham gia phiên tòa là Thẩm phán cấp cao Roman Rudenko đã làm tất cả ngạc nhiên, khi đưa đến tòa một trong những nhân chứng quan trọng nhất – người mà đa số cho rằng hoặc đã chết, hoặc không thể nào có mặt.
Đó là Thống chế Friedrich Wilhelm Ernst Paulus, nguyên Tư lệnh Tập đoàn quân số 6 Đức Quốc xã đã đầu hàng Hồng quân Liên Xô trong trận Stalingrad.
Thống chế Friedrich Wilhelm Ernst Paulus (bên trái ngoài cùng). Ảnh: Wikiepdia |
Trong tình cảnh bị các đơn vị Hồng quân bao vây chặt ở vòng trong và các binh đoàn cứu trợ của Thống chế Mansten không thể nào đột phá được vòng vây ngoài, Paulus đã cố thuyết phục Hitler từ bỏ ý định đánh chiếm Stalingrad. Đề xuất này không được “quốc trưởng” chấp nhận.
Để xốc lại tinh thần cho viên tướng dưới quyền, Hitler quyết định thăng quân hàm thống chế cho Paulus. Tuy nhiên, trong bức điện chúc mừng, Hitler lưu ý Paulus rằng “từ trước tới nay chưa từng có viên thống chế Đức nào bị bắt làm tù binh”, ám chỉ khi bất trắc, Paulus cần phải tự sát.
Ngày 3/2/1943, toàn nước Đức rúng động bởi thông báo của nhà cầm quyền về cái chết của Tập đoàn quân 6 và Friedrich Paulus. Ngoài việc để tang tưởng nhớ những binh sĩ chết trận, giới tướng lĩnh cao cấp quân đội Đức còn tổ chức lễ tang Paulus. Đích thân Hitler đến chia buồn cùng gia quyến người quá cố và đặt tấm huy hiệu thống chế lên chiếc quan tài rỗng.
Trên thực tế thì Paulus không nghe theo lời khuyến cáo của Hitler, đầu hàng Hồng quân và vẫn sống. Tháng 2/1943, đúng vào ngày nước Đức lo ma chay cho Paulus thì ông ta được chuyển từ Stalingrad về trại tù binh Krasnogorsk ở ngoại ô Moscow.
Đến tháng 8/1944, qua làn sóng đài phát thanh, viên tướng Đức lên tiếng kêu gọi người dân Đức loại bỏ Hitler và tìm kiếm nhà lãnh đạo khác. Sau sự kiện này, con trai Paulus bị bắt giam, còn vợ, con gái, con dâu và cháu nội ông ta bị đưa vào trại tập trung Dakhao cho đến khi được giải thoát vào năm 1945.
Nhiều người vẫn tin rằng Paulus đã chết cho đến khi ông này bất ngờ xuất hiện ở phiên tòa Nurnberg trong vai trò nhân chứng, với tư cách là một trong những người tham gia soạn thảo kế hoạch tấn công Liên Xô bất chấp Xô-Đức đã ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau.
Theo lời khai của Paulus tại tòa, bản kế hoạch mang tên Barbarossa này được hoàn thành đầu tháng 11/1940, hoàn toàn bác bỏ lập luận của các trùm phát xít rằng quân Đức tràn vào lãnh thổ Liên Xô (tháng 6/1941) chỉ để “tự vệ”.
Tại toà, luật sư của Goering đã mỉa mai Paulus rằng ngay cả khi bị bắt làm tù binh, ông vẫn được mời giảng tại Học viện Quân sự cấp cao Voroshilov của Liên Xô. Paulus đáp lại: “Nghệ thuật quân sự của Liên Xô cao hơn chúng ta đến mức chắc gì tôi đủ sức giảng dù chỉ là ở một trường đào tạo hạ sĩ quan. Bằng chứng là tất cả chúng ta – các ngài và tôi - đều ngồi ở đây”.
Thời gian sau đó, Paulus sống ở ngoại ô Moscow, đến năm 1953 trở về thành phố Dresden, CHDC Đức. Ông tham gia giảng dạy môn lịch sử quân sự, được Nhà nước CHDC Đức cấp xe con cùng tài xế. Cựu thống chế Friedrich Wilhelm Ernst Paulus mất ngày 1/2/1957.
Nguyên Phong
Nỗi khiếp sợ của gián điệp Đức Quốc xã
Giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống Liên Xô, để tổ chức hoạt động phản gián, phát xít Đức đã thành lập Ban chỉ huy đặc biệt có tên Bộ Tham mưu Valley.
Người phụ nữ phá mật mã của Đức quốc xã, cứu hàng nghìn binh sĩ
Tháng 3/1942, chuyên gia giải mã Mỹ Elizebeth Smith Friedman đã phát hiện ra một điều kinh hoàng: Gián điệp Đức Quốc xã ở Mỹ Latinh đã xác định được vị trí của một con tàu tiếp tế lớn thuộc quân Đồng minh.