Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 12 năm ngoái. Nó đã nhanh chóng phát tán khắp quốc gia Nam Á và Anh trước khi đến Mỹ và lây lan tới ít nhất 132 quốc gia cũng như vùng lãnh thổ trên thế giới.

{keywords}
Hình mô phỏng biến thể Delta. Ảnh: Word Press

Báo New York Times trích dẫn một tài liệu nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) mô tả Delta có khả năng lây truyền cao hơn so với virus gây các bệnh cảm lạnh thông thường, cúm, bệnh đậu mùa, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) cũng như Ebola. Biến thể này dễ lây lan như bệnh thủy đậu.

Theo CDC, tỷ lệ bùng phát bệnh cao nhất và gây hậu quả nghiêm trọng nhất đang xảy ra ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hầu như tất cả các trường hợp phải nhập viện và tử vong đều nằm trong số những người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Các dữ liệu của CDC cũng cho thấy, những người đã chủng ngừa vẫn có thể làm lây lan virus và đây là lí do cơ quan này nhanh chóng phải sửa đổi các hướng dẫn đeo khẩu trang phòng chống dịch.

Tiến sĩ Inci Yildirim, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa và tiêm chủng thuộc Trường Y, Đại học Yale lưu ý, mọi virus, kể cả SARS-CoV-2 đều tiến hóa theo thời gian và trải qua những thay đổi khi chúng lây lan và nhân rộng. Dưới đây là những điểm then chốt mọi người cần biết về biến thể Delta:

Lây lan nhanh hơn các chủng virus khác

Chuyên gia dịch tễ học F. Perry Wilson thuộc Đại học Yale cho hay, một điểm độc nhất vô nhị về biến thể Delta là khả năng lây truyền cực nhanh và điều đó "chắc chắn đã tăng tốc đại dịch khắp toàn cầu".

Ca mắc Delta đầu tiên được ghi nhận tại Ấn Độ vào tháng 12/2020 và đến cuối tháng 7 vừa qua, biến thể này đã trở thành thủ phạm gây ra hơn 80% ca mắc mới tại Mỹ. Theo CDC, ngay cả những người được xếp vào dạng ca mắc đột phá (đã tiêm chủng vẫn nhiễm bệnh) cũng chứa lượng lớn virus ở mũi và họng, có thể lây truyền chúng cho những người khác dù họ có bộc lộ triệu chứng bệnh hay không.

CDC gọi Delta là "biến thể đáng lo ngại". Delta đang lây lan nhanh hơn 50% so với biến biến thể Alpha xuất hiện đầu tiên ở Anh, trong khi Alpha dễ lây hơn 50% so với chủng gốc SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán.

Tiến sĩ Wilson cho biết thêm, trong một môi trường không có ai được tiêm vắc xin hay đeo khẩu trang, ước tính một người mắc chủng virus ban đầu sẽ ảnh hưởng đến trung bình 2,5 người khác, trong khi tỷ lệ này với biến thể Delta tăng lên tới 3,5 - 4 người.

Mối đe dọa nghiệm trọng với người chưa tiêm chủng

Những người chưa tiêm phòng đầy đủ được cho là đối mặt với những rủi ro lớn nhất vì Delta. Theo tiến sĩ Yildirim, một nghiên gần đây ở Anh hé lộ, trẻ em và người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc biến thể này cao hơn mức trung bình gấp 2,5 lần. Hơn thế nữa, Delta cũng có xu hướng ảnh hưởng đến nhóm người trẻ tuổi nhiều hơn những biến thể khác.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho dân ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt tại khu vực châu Á và châu Phi còn thấp. Dù một số ít nước, bao gồm cả Mỹ đã phê duyệt việc chủng ngừa cho trẻ từ 12 tuổi trở lên nhưng chưa có chính phủ nào trên thế giới cho phép tiêm vắc xin loại này cho trẻ từ 12 tuổi trở xuống.

{keywords}
Delta hiện là biến thể thống trị, gây ra nhiều ca mắc Covid-19 nhất ở Mỹ. Nguồn: CDC

Ngay tại Mỹ, các chuyên gia cũng hết sức lo ngại về ảnh hưởng của biến thể Delta tại các bang miền nam và vùng Appalachia như Alabama, Arkansas, Georgia, Mississippi, Missouri và Tây Virginia, nơi tốc độ tiêm chủng chậm chạp và một lượng không nhỏ cư dân chưa được tiêm vắc xin.

Có thể gây các vụ "siêu bùng phát ở địa phương"

Nếu Delta tiếp tục phát tán đủ làm tăng tốc đại dịch, các câu hỏi lớn nhất lúc đó là bao nhiêu người sẽ mắc biến thể Delta và nó sẽ lây truyền nhanh như thế nào. Theo chuyên gia Wilson, câu trả lời có thể phụ thuộc vào từng địa điểm và số lượng cư dân đã chủng ngừa đầy đủ ở địa điểm đó. Vấn đề ở chỗ, biến thể có thể "nhảy cóc" từ khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thấp này đến khu vực có tỷ lệ chủng ngừa thấp khác.

Ông Wilson cho rằng, trong một số trường hợp, một thị trấn có tỷ lệ tiêm phòng thấp nằm lọt thỏm giữa các khu vực có tỷ lệ tiêm phòng cao rốt cuộc có thể thấy virus bị nhốt giữ bên trong đường biên của họ và kết quả có thể là những vụ "siêu bùng phát ở địa phương", rất khác với tình trạng các điểm nóng vì dịch phân bố khắp cả nước.

Việc quá nhiều người mắc cùng lúc ở một nơi nhất định có thể khiến hệ thống y tế địa phương quá tải, dẫn đến khả năng thêm nhiều bệnh nhân tử vong hơn. Các chuyên gia đang lên tiếng báo động nguy cơ này ở nhiều khu vực trên thế giới.

Còn nhiều điều chưa sáng tỏ

Một trong những câu hỏi quan trọng là liệu biến thể Delta có làm người mắc phát bệnh nặng hơn chủng gốc hay không. Nhiều nhà khoa học thú nhận họ không có câu trả lời.

Theo thông tin ban đầu về mức độ nghiêm trọng của Delta trong một nghiên cứu của Scotland, so với biến thể Alpha, Delta có khả năng làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện ở những người chưa chủng ngừa. Nhưng, các dữ liệu khác không cho thấy sự khác biệt đáng kể.

Một câu hỏi khác tập trung vào việc Delta ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào. Theo tiến sĩ Yildirim, hiện có báo cáo về các triệu chứng khác biệt được ghi nhận ở những người mắc Delta và những người mắc chủng virus ban đầu. “Có vẻ như ho và mất khứu giác ít gặp hơn, nhưng các triệu chứng đau đầu, đau họng, chảy nước mũi và sốt phổ biến hơn, theo các cuộc khảo sát gần đây nhất ở Anh, nơi hơn 90% ca mắc là do Delta", bà Yildirim nói.

Hiện chưa rõ liệu Delta có gây ra nhiều ca mắc đột phá hơn hay không. Song, một phân tích của cơ quan y tế công của Anh cho thấy, ít nhất có 2 vắc xin công hiệu trong việc chống lại biến thể. Cụ thể, vắc xin Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 88% trong phòng ngừa các ca bệnh có triệu chứng và 96% trong ngăn chặn các trường hợp nhập viện. Các con số này ở vắc xin Oxford/AstraZeneca lần lượt là 60% và 93%.

Hãng dược Mỹ Moderna cũng tuyên bố các nghiên cứu chưa qua bình duyệt cho thấy vắc xin của hãng hiệu quả trong việc chống lại Delta và một số biến thể khác.

Ngoài ra, một câu hỏi được quan tâm nữa là liệu những người đã tiêm đủ liều vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất có cần tiêm mũi bổ sung để chống Delta hay không? Một số chuyên gia nói vẫn còn quá sớm để có đáp án chính xác. Song, cả Pfizer và Moderna đều đang thúc đẩy việc tiêm mũi vắc xin thứ 3. Tuần trước, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng cho phép sử dụng vắc xin của hai hãng này để tiêm tăng cường cho những cá nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu.

{keywords}
Nhân viên y tế đang tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Tiêm chủng là cách bảo vệ tốt nhất

Theo trang tin của Trường Y, Đại học Yale, các chuyên gia y tế và các bác sĩ đều thống nhất rằng, điều quan trọng nhất mọi người có thể làm để bảo vệ bản thân trước Delta hiện nay là tiêm phòng đầy đủ.

Một số nhà phân tích nhận định, khống chế Delta sẽ là cuộc đua giữa biến thể và các chiến dịch chủng ngừa quốc gia trên khắp thế giới. Ngay cả ở Mỹ, nơi hiện có lợi thế về tỷ lệ chủng ngừa cao cho dân (59% dân số đã tiêm liều vắc xin đầu tiên và 50% đã tiêm đủ liều), nếu Delta tiếp tục tăng tốc, làm số ca mắc tăng vọt thì đường cong dịch bệnh có thể leo thang.

Căn cứ vào kết quả của các nghiên cứu hiện có, tiến sĩ Yildirim kết luận, trước sự tấn công của biến thể Delta, những người đã tiêm vắc xin sẽ có nguy cơ thấp hơn nhiều và an toàn hơn nhiều so với những người chưa tiêm. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các hướng dẫn khác về phòng chống dịch của nhà chức trách và cơ quan y tế như thường xuyên đeo khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách xã hội cũng giúp tăng cường sự bảo vệ cho mỗi cá nhân.

Tuấn Anh

Những đặc tính đáng sợ của biến thể Delta

Những đặc tính đáng sợ của biến thể Delta

Tốc độ lây lan nhanh khiến số người mắc Covid-19 vọt lên chỉ trong thời gian ngắn, dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng cao - đó là đánh giá ngắn gọn về mức độ nguy hiểm của biến thể Delta.

Đánh giá đáng ngại của CDC Mỹ về biến thể Delta

Đánh giá đáng ngại của CDC Mỹ về biến thể Delta

Một báo cáo nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đánh giá, biến thể Delta dễ lây lan hơn, có thể phá vỡ sự bảo vệ của các vắc xin và gây ra số ca bệnh nặng hơn nhiều biến thể khác.