Theo Washington Post, cuộc điện đàm bất thường với quan chức phụ trách bầu cử bang Georgia Brad Raffensperger không phải lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc những kết quả bầu cử không thuận lợi với ông là do những hành vi gian lận.

Thực tế, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã làm điều này suốt nhiều năm qua, song bị nhiều người, bao gồm cả những đảng viên Cộng hòa và các thẩm phán được ông Trump bổ nhiệm, lên tiếng phản đối.

Dưới đây là những cá nhân và tập thể không chấp nhận những công kích của ông Trump vào hệ thống bầu cử tại Mỹ.

Ủy ban Cố vấn Tổng thống về tính liêm chính trong bầu cử

{keywords}
Người đại diện bang Maine Matthew Dunlap. Ảnh: Bates College

Năm 2016, ngay sau khi đắc cử Tổng thống, ông Trump thành lập Ủy ban Cố vấn Tổng thống về tính liêm chính trong bầu cử (PACEI) với 11 thành viên, nhằm điều tra một số cáo buộc về hàng triệu phiếu bầu bất hợp pháp dành cho đối thủ Hillary Clinton.

Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau khi thành lập, PACEI đã bị giải thể do vướng phải hàng loạt kiện tụng, cùng các cáo buộc từ phía đảng Dân chủ rằng ủy ban này được lập ra để áp đặt một số hạn chế bầu cử có lợi cho đảng Cộng hòa.

Không những thế, trong một bức thư năm 2018 gửi đến Phó Tổng thống Mike Pence và người đại diện bang Kansas Kris Kobach, cựu Chủ tịch và Phó Chủ tịch của PACEI, Matthew Dunlap, người đại diện của bang Maine và là cựu thành viên của ủy ban, viết rằng dựa trên việc xem xét lại 8.000 tài liệu làm việc của PACEI, ông không nhận thấy có bất kỳ bằng chứng nào về các hành vi gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Ông Kris Kobach vào thời điểm đó đã phản bác bức thư trên khi cho rằng đã có hơn 1.000 cáo buộc về các hành vi gian lận bầu cử từ năm 2000 cho đến nay. Nhưng theo ông Dunlap, các trường hợp này không ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện của các cuộc bầu cử.

Hơn 90 thẩm phán tại Mỹ

Sau cuộc bầu cử năm 2020, ban vận động của Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa đã đệ hàng chục đơn kiện, cáo buộc các hành vi gian lận cử tri trên diện rộng tại các bang chiến địa. Tuy nhiên, hầu hết  đều bị tòa án bác bỏ.

Theo Washington Post, khoảng 90 thẩm phán, trong đó có hơn 38 thẩm phán được chính ông Trump hoặc đảng Cộng hòa bổ nhiệm, đã ra phán quyết chống lại Tổng thống Mỹ và các đồng minh của ông.

{keywords}
Thẩm phán Pennsylvania Stephanos Bibas. Ảnh: Princeton University

“Nếu không có bằng chứng thuyết phục nào về các hành vi gian lận quy mô lớn, chúng tôi khó có thể truy cứu những sai phạm này”, thẩm phán Pennsylvania Stephanos Bibas, người được ông Trump bổ nhiệm, ra phán quyết trên sau khi bác bỏ đơn kiện đòi hủy bỏ hàng triệu phiếu bầu không hợp lệ từ đội ngũ pháp lý của tổng thống Mỹ.

Một số thành viên đảng Cộng hòa

Nhiều thành viên đảng Cộng hòa, bao gồm cả những người làm việc trong chính phủ của Tổng thống Trump, đều cho rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã diễn ra an toàn. Kể từ ngày bầu cử, giới chức 6 bang chiến địa đều nói với Washington Post rằng, họ phát hiện rất ít khiếu nại liên quan đến hành vi gian lận bầu cử tại tiểu bang của mình.

Cựu giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ Chris Krebs gọi đây là “cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. “Không có bằng chứng cho thấy các hệ thống bầu cử bị xóa, thất lạc, thay đổi hoặc bị xâm phạm phiếu bầu theo bất kỳ cách thức nào”, ông Chris Krebs viết trong một tuyên bố.

{keywords}
Cựu giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ Chris Krebs. Ảnh: AP

Cựu Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr cũng cho biết, ông “không phát hiện có hành vi gian lận với quy mô có thể dẫn đến một kết quả khác trong cuộc bầu cử”. Ông Barr cũng bác bỏ những tuyên bố của Tổng thống Trump và các đồng minh rằng, có những điểm bất thường rộng rãi và đáng kể trong quá trình kiểm phiếu.

Thậm chí, trong một bài xã luận gửi đến trang tin USA Today, người đại diện bang Georgia Brad Raffensperger viết rằng, “những người từ lâu được hưởng lợi từ quá trình bầu cử đang tìm cách phá bỏ chính nền tảng của nó.”

Toàn cảnh Bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Việt Anh

Loạt cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lo nguy cơ quân đội dính vào bầu cử

Loạt cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lo nguy cơ quân đội dính vào bầu cử

Một số cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nêu ra nguy cơ về việc quân đội dính líu đến giải quyết tranh chấp bầu cử sẽ khiến nước này ‘gặp nguy hiểm và vi hiến’.

Nhiệm kỳ mới chồng chất khó khăn của bà Pelosi

Nhiệm kỳ mới chồng chất khó khăn của bà Pelosi

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vừa trúng thêm một nhiệm kỳ nữa, tiếp tục lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại cơ quan này trong hai năm tiếp theo đầy sóng gió.