"Chúng ta sở hữu bom mẹ của bom hạt nhân. Tôi quyết định nói với họ, cứ làm bất cứ thứ gì họ muốn (song chúng ta sẽ trả đũa). Trong quá khứ, người dân chúng ta có thể khóc than, đi khắp thế giới nói Pakistan đã làm thế này thế kia… Giờ đã đến lượt người Pakistan phải khóc than", ông Narendra Modi thẳng thừng nói. "Đây là một Ấn Độ mới và đất nước này sẽ đánh khủng bố tận nơi chúng trú ẩn trên khắp thế giới".

{keywords}
Ảnh: Reuters

Vậy, Ấn Độ có những gì trong kho vũ khí hạt nhân của nước này?

Là quốc gia đông dân nhất nhì thế giới và nắm giữ một vị trí chiến lược quan trọng, Ấn Độ có một nền kinh tế lớn và phát triển nhanh. Nước này mạnh tay chi cho quốc phòng, trang bị nhiều vũ khí hiện đại nhằm nâng cao năng lực chiến đấu cho đội quân gồm 1,2 triệu thành viên.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, ngân sách quốc phòng năm 2018 của Ấn Độ vào khoảng 58 tỷ USD. Nằm trong danh sách các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, Ấn Độ coi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân là tâm điểm của học thuyết phát triển, đối ngoại và an ninh quốc gia.

Chương trình hạt nhân Ấn Độ manh nha từ năm 1948, một năm sau khi giành được độc lập. Cùng năm, Ủy ban Năng lượng hạt nhân Ấn Độ được thành lập để giám sát các nỗ lực phát triển hạt nhân quốc gia.

Ban đầu, Ấn Độ chỉ định sản xuất thiết bị hạt nhân chứ không chế tạo vũ khí, nhưng sau đó họ cho ra đời thứ gọi là "chất nổ hạt nhân ôn hòa", giúp xây dựng bến cảng, khai quật khí gas tự nhiên, tiến hành các dự án khai thác mỏ và xây dựng quy mô lớn.

Về mặt chức năng, chất nổ này giống hệt vũ khí hạt nhân nhưng kế hoạch phát triển khi đó cho thấy Ấn Độ vẫn chưa hẳn thấy cần một phương tiện răn đe hạt nhân thực sự. Cũng bởi là thành viên sáng lập Phong trào Không liên kết, Ấn Độ đứng ngoài cơn sốt chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô.

Tuy nhiên, sau những thất bại trong xung đột với Trung Quốc vào năm 1962, Ấn Độ nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu vũ khí nguyên tử và công việc được chính thức bắt đầu vào năm 1965 dưới thời Tiến sỹ Homi Bhabha. Quá trình nghiên cứu và phát triển có những bước đột phá dưới thời Thủ tướng Indira Gandhi.

Năm 1974, Ấn Độ thử nghiệm vụ nổ plutonium đầu tiên. Để tránh những chỉ trích và các biện pháp trừng phạt trước những cáo buộc phát triển vũ khí nguyên tử, Ấn Độ tuyên bố đây chỉ là một hoạt động khoa học phục vụ cho mục đích hòa bình. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đó là một phần của chương trình vũ khí hạt nhân.

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cho tới nay, Ấn Độ có khoảng hơn 110 đầu đạn hạt nhân, là nước thứ tư sở hữu đủ bộ vũ khí hạt nhân có thể tấn công từ trên bộ, trên không và trên biển. Một báo cáo mới đây chỉ ra cụ thể Ấn Độ có khoảng 130-140 đầu đạn hạt nhân và con số này sẽ còn tăng.

Ấn Độ được cho là đã chế đủ plutonium cho 150-200 đầu đạn hạt nhân nhưng có thể chỉ sản xuất khoảng 130-140 đầu đạn, tạp chí National Interest dẫn nhận định của Hans Kristensen and Matt Korda thuộc Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc HIệp hội Các nhà khoa học Mỹ.

Ấn Độ hiện đang duy trì nhiều máy bay có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân, bao gồm Su-30MKI, Mig-29 và Mirage 2000, cùng nhiều tàu ngầm tấn công hạt nhân.

Với quy mô lớn và chủng loại đa dạng, kho tên lửa của Ấn Độ sẽ sớm được bổ sung một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Nước này đã 3 lần thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Agni-V tầm bắn 5.000km và đang trong quá trình phát triển tên lửa Agni-VI bắn xa 10.000km.

{keywords}
Một vụ phóng thử tên lửa Agni.

Trong tương lai, Ấn Độ sẽ tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân quốc gia, nhờ lợi thế có các cơ sở hạt nhân đủ năng lực chế tạo nhiều vũ khí khác nhau. Đặc biệt là, vì không phải thành viên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân nên Delhi có thể sản xuất, niêm kho và thậm chí sử dụng vũ khí ở mức độ không kiểm soát.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chương trình hạt nhân của Ấn Độ tương đối đáng tin cậy và chính sách Không sử dụng trước của nước này sẽ đóng vai trò làm chậm tốc độ leo thang trong bất cứ cuộc xung đột nào để tránh nguy cơ bùng phát thành chiến tranh hạt nhân. 

Thanh Hảo