Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành có 11 gói thầu xây lắp, gồm 8 gói dùng vốn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và 3 gói của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Từ năm 2019, nhiều gói thầu triển khai cầm chừng do thiếu vốn. Trong đó, các gói của JICA phải dừng thi công. Hiện, các nhà thầu Nhật Bản khiếu nại chủ đầu tư do chưa được thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành.

Từ giữa năm 2020 đến nay, các nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư là VEC thanh toán khối lượng hoàn thành và chi phí phát sinh đến tháng 4/2021. 

Cụ thể,  nhà thầu thi công gói J1 và J3 đã tạm dừng thi công từ giữa năm 2019 đến nay và đã yêu cầu VEC thanh toán khối lượng hoàn thành khoảng 15 triệu USD và chi phí phát sinh liên quan khoảng 33 triệu USD. Các chi phí này sẽ tiếp tục tăng theo thời gian dừng thi công (khoảng 1 triệu USD/tháng). 

Nhà thầu gói J3 đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng và đã chính thức có đơn kiện VEC ra tòa quốc tế với tổng chi phí khoảng 140 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán khối lượng hoàn thành là 51 tỷ, chậm trả thanh toán là 4,5 tỷ và chi phí dừng chờ là 84 tỷ.

Việc này làm kéo dài thời gian hoàn thành so với mốc tiến độ trong năm 2023, phát sinh thêm chi phí để hoàn thành dự án và ảnh hưởng đến uy tín và quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam đối với nhà tài trợ.

{keywords}
Hiện nay nhà thầu gói J3 đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng và đã chính thức có đơn kiện VEC ra tòa quốc tế với tổng chi phí khoảng 140 tỷ đồng.

Để giải quyết những khó khăn nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu, đại diện VEC cho biết, đơn vị đã chủ động đề xuất được sử dụng tiền nhàn rỗi của 4 dự án cao tốc do VEC đang vận hành khai thác (Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà  Nẵng – Quảng Ngãi, Long Thành – Dầu Giây) để thanh toán cho nhà thầu.

Phương án VEC sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi để tháo gỡ vướng mắc cho cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được Bộ GTVT đánh giá là cần thiết, giúp đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư, giảm thiệt hại do việc chậm triển khai dự án cũng như uy tín của Chính phủ với nhà tài trợ...

Phương án này cũng đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng ý sau đề xuất của VEC. Đây là tiền chưa đến hạn trả nợ, lấy từ nguồn thu phí 4 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư được dùng thanh toán cho nhà thầu Nhật Bản với các phần việc đã hoàn thành tại dự án.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phương án trên phù hợp thực trạng triển khai dự án; tránh phát sinh khiếu kiện, tăng chi phí đầu tư công trình...

Tuy nhiên, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã yêu cầu VEC nghiên cứu và ban hành quy chế quản lý tài chính, chịu trách nhiệm trong quyết định tạm sử dụng tiền nhàn rỗi của mình để thanh toán cho nhà thầu Nhật Bản tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và hoàn trả đủ những phần đã tạm ứng.

Sau khi được Bộ GTVT, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng thuận, Hội đồng thành viên VEC đã thông qua chủ trương và đang làm thủ tục tạm ứng tiền từ 4 dự án để chi trả cho nhà thầu.

Chủ đầu tư dự án đã làm việc với JICA và các nhà thầu để chi trả khoản nhà thầu đã hoàn thành trên hiện trường được nghiệm thu chưa thanh toán.

Đại diện VEC thông tin, cơ bản các nhà thầu đồng ý, tuy nhiên việc khiếu kiện là khó tránh khi các nhà thầu đòi chi trả các khoản phát sinh do dự án thi công chậm. 

“Việc này sẽ được giải quyết trên cơ sở thực tế và ý kiến của tư vấn giám sát chứ không phải họ đòi 10 đồng là mình trả 10 đồng”, đại diện VEC cho biết.

Nguy cơ chậm tiến độ 

Cùng với việc tạm ứng tiền chi trả cho các nhà thầu, VEC cũng đang làm việc với các bên để tái khởi động dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Hiện nay, dự án mới thi công được hơn 80%, phần việc còn lại cần sớm được bố trí vốn để tái khởi động, sớm thi công hoàn thành dự án.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành tháng 10 vừa qua, Bộ GTVT đã chủ động đề xuất với các bộ, ngành liên quan, đề xuất các giải pháp, có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc dự án, cũng như xử lý triệt để  các vướng mắc, tồn tại.

Trên cơ sở đó,  Phó Thủ tướng thường  trực Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ KH&ĐT hoàn thiện dự thảo báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương chuyển nguồn vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước (trong đó có dự án của VEC) làm cơ sở  để trình Quốc hội xem xét sửa đổi các văn bản có liên quan, trong đó có Nghị quyết 71 theo hướng cho phép tiếp tục triển khai đối với các dự án đang thực hiện dang dở.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo, sau khi Bộ Chính trị có ý kiến về chủ trương, sẽ thực hiện xem xét về bố trí nguồn vốn vay JICA cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đại diện VEC cho biết, nguồn vốn để tái khởi động dự án đang chờ Bộ Chính trị thông qua. Nếu được thông qua, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho VEC sử dụng vốn trung hạn 2021-2025 để tiếp tục triển khai thi công, hoàn thành dự án.

{keywords}
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành nguy cơ chậm tiến độ 

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57km, đi qua Long An, TP.HCM, Đồng Nai. Khởi công năm 2014, dự án có tổng đầu tư 31.300 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng trong nước. Ban đầu, cao tốc dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng vướng mắc về vốn nên chậm tiến độ. 

Bộ GTVT chọn một số đường cao tốc chỉ thực hiện thu phí không dừng

Bộ GTVT chọn một số đường cao tốc chỉ thực hiện thu phí không dừng

Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu, lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng thu phí điện tử không dừng.

Vũ Điệp