- Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trao đổi với báo chí về việc ứng viên VN được bầu vào Uỷ ban Luật pháp quốc tế LHQ (ILC).

Theo Thứ trưởng Trung, VN quyết định ứng cử làm thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương.

{keywords}
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung. (Ảnh: TA)

Đồng thời, thể hiện lập trường nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế, thúc đẩy pháp quyền ở cấp độ quốc tế, cũng như ủng hộ các tiến trình ngoại giao pháp lý, đề cao quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế tại ILC.

Tham gia Ủy ban là cơ hội lớn để VN xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia pháp lý của mình, chủ động và tích cực xử lý các vấn đề quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây cũng là sự khích lệ đối với những người làm về luật pháp quốc tế của VN.

Việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - ứng cử viên VN trở thành thành viên ILC thể hiện vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của VN, mối quan hệ hữu nghị rộng mở của VN, ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực tích cực, có trách nhiệm của VN đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực luật pháp quốc tế.

Ông Trung cho biết, qua quá trình giới thiệu và lựa chọn, Thủ tướng đã nhất trí với đề xuất của Bộ Ngoại giao đề cử Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao làm ứng cử viên của VN vào Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021. 

"Đại sứ Nguyễn Hồng Thao hoàn thành học vị Tiến sĩ Luật tại Đại học Pantheon-Sorbone (Pháp) năm 1996, với gần 40 năm kinh nghiệm công tác pháp lý và ngoại giao, hiện là Đại sứ VN tại Kuwait.

Đại sứ từng giữ vị trí Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Đại sứ VN tại Malaysia, tham gia nhiều đoàn đàm phán về biên giới lãnh thổ, đã xuất bản nhiều đầu sách, báo về luật pháp quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao là chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển, phân định biên giới", Thứ trưởng Ngoại giao nói.

Kết quả là, vào ngày 3/11 (giờ New York, tức sáng nay giờ VN), tại khóa họp 71 của Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử thành viên ILC nhiệm kỳ 2017-2021 với 120 phiếu. 

Tại kỳ bầu cử này, VN ứng cử trong nhóm nước khu vực châu Á với 10 ứng cử viên cho 7 vị trí. Kết quả này cho thấy ứng cử viên VN có được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế; cũng như thể hiện niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với vai trò tích cực và ngày càng tăng của VN đối với quá trình pháp điển hóa, phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế nói riêng và sự tham gia của VN tại các diễn đàn đa phương LHQ nói chung.

Thứ trưởng Trung nhấn mạnh, các thành viên ILC hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao sẽ có những hỗ trợ tích cực nhằm đảm bảo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ có nhiệm kỳ thành công tại ILC.

Bộ Ngoại giao cũng hi vọng với cương vị thành viên ILC, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển ngành luật pháp quốc tế tại VN, trở thành đại diện xứng đáng cho VN tại các diễn đàn luật pháp quốc tế.

{keywords}
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Đại sứ Nguyễn Phương Nga và cán bộ Phái đoàn Việt Nam bên cạnh LHQ

Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cũng đã có chia sẻ với báo giới sau khi trúng cử thành viên ILC. 

"Trở thành thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế là vinh dự, trách nhiệm to lớn và cơ hội đóng góp nhiều hơn trong giai đoạn thảo luận tại Ủy ban, cung cấp những thông tin và lập luận pháp lý trên cơ sở những kinh nghiệm và thực tiễn của VN, bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển. 

Xin hứa sẽ phấn đấu không phụ lòng mong đợi của đất nước, của lãnh đạo và nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ tại ILC một cách trung thực, khách quan và hiệu quả, vì một nhân loại tiến bộ mà luật quốc tế là công cụ không thể thiếu trong giữ gìn hòa bình, an ninh, phát triển bền vững và thịnh vượng, hợp tác và thiện chí giữa các quốc gia.

Tôi sẽ cố gắng thúc đẩy quan hệ giữa ILC với ủy ban pháp luật và các ủy ban khác của LHQ, tập trung giải quyết các vấn đề nóng được nhiều nước quan tâm như bảo vệ đa dạng sinh học ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia, phòng chống chiến tranh mạng, bảo vệ môi trường và khí quyển, nước biển dâng, sử dụng năng lượng nguyên tử một cách hòa bình cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình" - ông nói.
 
Thái An