Chiều 16/12, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM (PC03) vừa tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang - Phó ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM để điều tra về tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 bộ luật Hình sự 2015.

{keywords}
Ông Tất Thành Cang tại cơ quan điều tra 

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Phạm Nhật Vinh và ông Nguyễn Hữu Thành (cổ đông Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco).

Việc khám xét nơi ở, nơi làm việc và các thủ tục tố tụng đối với ông Tất Thành Cang và các bị can trên đã được cơ quan điều tra thực hiện đúng theo quy định pháp luật. 

Được biết, ông Tất Thành Cang đã có những dấu hiệu sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp Nhà nước do Thành ủy TP.HCM quản lý. Từ sự chấp thuận này đã dẫn đến sai phạm tại các công ty, gây thất thoát, thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Cụ thể, ông Tất Thành Cang, đã "qua mặt" Thành ủy cho phép Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) từ 44% xuống còn 28% thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim mà không qua đấu giá, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.

{keywords}
Ông Tất Thành Cang 

Liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật của ông Tất Thành Cang, hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng, làm rõ hành vi của các cá nhân khác có liên quan.

Trước đó, tại kỳ họp 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ngày 12-14/11/2018) đã công bố nội dung, kết luận về một số dấu hiệu vi phạm, kỷ luật đối với một số cá nhân, trong đó có trường hợp ông Tất Thành Cang.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá: “Những vi phạm của đồng chí Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành uỷ, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng.

Ông Tất Thành Cang còn có dấu hiệu sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp thuộc Thành uỷ mà theo nhận định là có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TP.HCM.

Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII (ngày 25-26/12/2018) đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đến trước thời điểm bị khởi tố, bắt giam, ông Tất Thành Cang vẫn giữ chức vụ Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công trình Lịch sử TP.HCM. 

Ông Tất Thành Cang sinh năm 1971, quê Cần Giuộc, Long An.
Giai đoạn 2004 - 2009: Bí thư Thành đoàn TP.HCM.
Từ 2009 - 2012: Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận 2.
Tháng 10/2012 - tháng 6/2014: Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
Tháng 6/2014 - tháng 12/2015 : Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Tháng 11/2015: Phó bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Tháng 12/2015: Ông được miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Từ tháng 2/2016 đến 11/2018: Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Tháng 12/2018: cách chức Ủy viên TƯ khoá 12, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM, ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ nhiệm kỳ 2015 – 2020. Dù vậy, ông Tất Thành Cang vẫn là Thành uỷ viên, Đại biểu HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Tất Thành Cang từng được giao nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo TP.HCM thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án hai cấp.
Tháng 3/2019: Phó ban thường trực Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM (khi còn làm Phó bí thư thường trực Thành ủy, nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM được giao cho ông Cang theo quy định.)
Tại Đại hội Đảng bộ TP (từ ngày 14-18/10/2020), ông Tất Thành Cang không còn được cơ cấu vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.

  

Bổ nhiệm lãnh đạo bị kỷ luật: Chuyện bình thường hay không nhỉ?

Bổ nhiệm lãnh đạo bị kỷ luật: Chuyện bình thường hay không nhỉ?

Đã từng là lãnh đạo, bị kỷ luật nặng như vậy mà giờ lại bổ nhiệm lãnh đạo là không thỏa đáng. Nhưng liệu có thực sự vẫn bổ nhiệm được không? Xin thưa là có.

Linh An - Thanh Tùng