Câu chuyện của Thanh Hóa đang xôn xao dư luận. Ông Ngô Văn Tuấn bị cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh, sau đó được tỉnh phân công làm Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, nhà ở và giờ đây sắp được bổ nhiệm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng.
Nếu làm một cuộc điều tra ý kiến người dân về vấn đề bổ nhiệm này thì đa số sẽ phản đối. Đã từng là lãnh đạo, bị kỷ luật nặng như vậy mà giờ lại bổ nhiệm lãnh đạo là không thỏa đáng, không có sức thuyết phục.
Nhưng liệu có thực sự vẫn bổ nhiệm được không? Xin thưa là có và Thanh Hóa đã nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật trong trường hợp này.
Khoản 2 điều 82 luật Cán bộ, công chức quy định: Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
Và nếu xem tiếp liệu ông Tuấn có đáp ứng tiêu chuẩn cho chức vụ Chánh Văn phòng Sở Xây dựng hay không thì chắc chắn câu trả lời là có, bởi ông đã từng là Giám đốc sở này.
Như vậy, xét theo khía cạnh pháp lý thì việc bổ nhiệm này không có vấn đề gì. Thời hạn 12 tháng như quy định không bị vi phạm.
Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh đạo lý thì việc bổ nhiệm này lại đại vấn đề. Đạo lý đơn giản nhất là vừa bị kỷ luật nặng như vậy, mới sau một thời gian ngắn đã lại được bổ nhiệm lại. Tính răn đe, tính giáo dục thông qua biện pháp kỷ luật hầu như không còn. Kế đến là uy tín cần có để làm lãnh đạo khó có thể có lại sau một thời gian ngắn như vậy.
Và nếu xét theo khía cạnh nêu gương mà Đảng ta đang nhấn mạnh thì qua việc bổ nhiệm này ban lãnh đạo của Thanh Hóa ra sao nhỉ?
Chuyện khác là trường hợp ông Tất Thanh Cang của TP.HCM. Ông đã bị BCH TƯ cách chức ủy viên TƯ khóa 12, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Mặc dù bị kỷ luật như vậy, ông Cang vẫn còn là thành ủy viên, mà đã là thành ủy viên thì chí ít ông phải có một chức vụ nào đó trong hệ thống chính trị của TP.
Cho nên, việc ông giữ chức vụ Phó ban thường trực Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM có vẻ là bình thường. Điều không bình thường ở đây là ông bị mất tất cả các chức như ủy viên TƯ, Phó bí thư thường trực Thành ủy và ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nhưng chức thành ủy viên lại vẫn còn. Rất khó hiểu. Và nếu sau 12 tháng thì rất có thể ông lại được bổ nhiệm một chức vụ nào đó giống như tại Thanh Hóa.
Quay trở lại khía cạnh pháp lý của vấn đề. Quy định chỉ sau 12 tháng là có thể bổ nhiệm lại đối với những người bị kỷ luật cách chức lãnh đạo cần phải được xem xét lại. Điều quan trọng ở đây là không đánh đồng thời hạn, ví dụ thứ trưởng bị cách chức lãnh đạo thì tối thiểu phải sau 5 năm mới được xem xét bổ nhiệm vào một chức vụ lãnh đạo, vụ trưởng thì sau 4 năm, trưởng phòng thì sau 3 năm... Thậm chí, trong trường hợp nghiêm trọng thì cần quy định luôn cấm giữ chức vụ lãnh đạo sau khi bị kỷ luật cách chức.
Bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn và ông Tất Thành Cang: Do hết người tài?
Nhiều bạn đọc băn khoăn, không lẽ do Thanh Hoá và TP.HCM hết người tài nên dù ông Ngô Văn Tuấn và Tất Thành Cang đã bị kỷ luật nhưng vẫn được bổ nhiệm vào chức vụ khác.