Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra.
Tiếp tục tham gia "Diễn đàn khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám đổi mới vì lợi ích chung", TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ đã phân tích và đưa ra nhiều giải pháp đáng chú ý.
Bị bó chân, bó tay bởi quy trình, quy định
Như ông nói, có nguyên do từ cơ chế hiện nay không rõ ràng khiến cho người thực thi công vụ khó khẳng định được đúng, sai dẫn đến ít người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng lưu ý: “Tại sao vẫn cơ chế đó mà chỗ này làm không tốt, chỗ khác lại làm tốt”?
Đúng là như vậy. Trả lời được câu hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là điều không đơn giản nhưng ít nhất cũng có thể thấy rằng, cùng một cơ chế, chính sách có nơi này làm tốt hơn nơi khác chính là ở đó có những người tâm huyết, vì lợi ích chung mà dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.
Cái mới ra đời chưa bao giờ là suôn sẻ. Cải cách mà không có sự phản ứng thì không phải là cải cách. Vì vậy, chúng ta phải có cơ chế để khuyến khích cho những ý tưởng mới, cách làm hay, những cái chưa có tiền lệ, thậm chí là không phù hợp với quy định, quy trình hiện hành. Và đặc biệt là phải có cơ chế bảo vệ những người vì lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân mà sẵn sàng đương đầu với khó khăn.
Ngoài nguyên nhân khách quan từ cơ chế thiếu thống nhất, chưa rõ ràng, theo ông còn có lý do nào khác khiến cán bộ, công chức ngại đổi mới, ít dám đột phá?
Ở đây cũng cần nhắc đến phương thức đánh giá cán bộ của chúng ta không phải không có những yếu tố làm cản trở sự phát triển. Công tác đánh giá cán bộ trong nhiều trường hợp dựa phần lớn vào lá phiếu. Điều đấy thì đúng nhưng không phải lúc nào cũng tốt vì người ta vẫn nói “không làm thì không sai, càng làm thì càng sai”.
Cho nên, ai tròn trịa, không làm, “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” thì tỷ lệ phiếu cao. Còn ai đã làm thì đụng chạm, đặc biệt là những suy nghĩ, những việc làm có lợi cho tập thể nhưng lại không phù hợp với mong muốn của một số cá nhân, đụng chạm đến lợi ích của họ sẽ khiến nhiều người không thích và kết quả là bị phiếu thấp.
Vì vậy rất cần có cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để họ làm được nhiều điều tốt hơn cho Nhà nước, cho nhân dân. Bác Hồ từng nhắc nhở “Lắng nghe ý kiến quần chúng nhưng tuyệt đối không nên "theo đuôi" quần chúng”.
Nói đến người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thường người ta nghĩ đến đổi ngũ cán bộ là những người đứng đầu. Hiện nay, trong các chủ trương của Đảng cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước đề cập khá nhiều đến “trách nhiệm của người đứng đầu” nhưng thực tế vẫn ít người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” như mong muốn của Đảng?
Phải nhìn nhận, cơ chế trách nhiệm của mình hiện nay chưa thuận. Hầu hết trong các văn bản pháp luật cũng như trong nghị quyết của Đảng, đều nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu là hoàn toàn đúng.
Người ta bảo “quan sao thì nha vậy”, “thủ trưởng nào phong trào đấy”, chúng ta đều thừa nhận vai trò người đứng đầu là quan trọng và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là cần thiết.
Nhưng trên thực tế thì bản thân người đứng đầu hiện nay không có quyền hoàn toàn trong phạm vi lĩnh vực mình phụ trách, chưa kể có nhiều việc phải dựa vào nhiều cơ quan, đơn vị. Có thể do lo ngại sự lạm quyền, lo ngại sự thiếu đúng đắn của những người giữ chức vụ, quyền hạn nên cùng với việc giao chức vụ, quyền hạn mình có quá nhiều cơ chế ràng buộc tưởng là kiểm soát được nhưng thực ra lại bó tay người đứng đầu.
Muốn quyết đáp điều gì đó cần qua quá nhiều khâu, quá nhiều quy trình, tầng nấc và phần lớn mang tính tập thể. Hệ quả là người đứng đầu mang trách nhiệm rất lớn nhưng lại bị bó chân, bó tay bởi quy trình quy định.
Ngược lại khi xảy ra vấn đề gì thì cũng khó có thể xử lý trách nhiệm của họ vì một quyết định đã được đưa ra bởi nhiều khâu và có tính chất tập thể. Vì vậy cần giao quyền hạn gắn với trách nhiệm cho cá nhân người đứng đầu. Ngay cả đối với công tác cán bộ, phải cho họ có quyền lựa chọn đội ngũ tốt nhất cho công việc. Đừng gắn điều này với chuyện êkíp, cảnh hẩu...
Tôi là người đứng đầu, tôi phải có quyền lựa chọn những cán bộ tốt nhất mà tôi tin cậy cho công việc và tôi chịu trách nhiệm. Như vậy, chúng ta mới thực sự thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho tư duy mới, cách làm mới, khuyến khích và bảo vệ người năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm.
Tại sao cứ xử lý một người lại phát hiện thêm người nữa tham nhũng?
Thực tế, trong thực thi nhiệm vụ, nhiều khi lằn ranh giữa sự sáng tạo, linh hoạt, vận dụng thực tế với sai phạm rất là mong manh. Vậy làm sao để phân định rõ việc này, tránh tình trạng mất những cán bộ giỏi, làm được việc?
Phải nói rằng những người dám nghĩ, dám làm những điều đột phá thì thường là đụng chạm và hay gặp tình huống đứng giữa lằn ranh mong manh đúng - sai.
Người dám làm thường phải chấp nhận rủi ro nhất định và về mặt luật pháp không chắc chắn lắm nhưng quan trọng nhất là họ làm việc đó vì lợi ích chung. Đây chính là yếu tố để các cơ quan Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền cũng như những người lãnh đạo đánh giá động cơ, mục đích việc làm của cán bộ, đảng viên.
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ. Ảnh: T.Hằng |
Dám nghĩ, dám làm không phải làm liều, làm bừa mà là có sơ sở lý luận và thực tiễn và tính toán thận trọng, toàn diện khi triển khai một ý tưởng, một công việc. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, hiệu quả công việc chính là thước đo cao nhất để đánh giá cán bộ.
Các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét, nhìn nhận khách quan, nhiều chiều. Có tình huống buộc cán bộ phải làm như vậy, thậm chí có thể có những sai sót về mặt thủ tục nhưng mục tiêu đúng, động cơ tốt, kết quả tốt thì phải đánh giá và khuyến khích động viên họ.
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng vậy, không phải là để “bới lông, tìm vết” “tóm bắt, vạch mặt”; mà như Bác Hồ nói “thấy sai thì bảo người ta sửa”. Tất nhiên, trường hợp nào cố tình sai thì phải xử lý.
Vậy theo ông, để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thì cần có cơ chế gì?
Nguyên nhân nào thì giải pháp đó. Ví dụ đối với trách nhiệm người đứng đầu, bây giờ cần xem cái nào cho người ta có thực quyền để họ làm vì cái chung, còn tư lợi thì phải chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, về cơ chế chính sách, chúng ta hay hô hào đưa pháp luật vào cuộc sống, đưa nghị quyết cuộc sống nhưng một điều rất quan trọng là phải đưa cuộc sống vào pháp luật, vào nghị quyết. Những cái hay cái mới cần nhanh chóng được thể chế hóa, nhưng quy định phải có cơ sở khoa học, sát với thực tế cuộc sống, mang hơi thở của cuộc sống, phải từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống, chứ không chỉ là yêu cầu, mong muốn chủ quan duy ý chí.
Giao quyền gắn trách nhiệm và có kiểm soát chứ đừng tạo ra quá nhiều trình tự, thủ tục, coi như một công cụ vạn năng để kiểm soát thì không phải.
Ngoài ra, trong câu chuyện phòng chống tham nhũng, thực chất là chữa bệnh mà chữa bệnh phải dùng thuốc, việc này đúng nhưng cũng hay có tác dụng phụ. Quan điểm của Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nói rồi, chống tham nhũng phải có bước đi thích hợp chứ không thể nóng vội.
Vì vậy, trong từng giai đoạn cụ thể chúng ta có những biện pháp, giải pháp phù hợp. Nếu thấy có gì không phù hợp hoặc “lợi bất cập hại” thì chúng ta phải kịp thời điều chỉnh.
Cùng với việc xử lý cán bộ khá nhiều như hiện nay phải xem tại sao lại như thế, tại sao cứ xử lý một người lại "tòi" thêm người tham nhũng nữa... Phải chăng ngoài việc cán bộ suy thoái, biến chất còn là chuyện cơ chế quản lý của chúng ta, sơ hở, bất hợp lý để dẫn đến tình trạng “mỡ để miệng mèo”.
Vì vậy, khi xảy ra việc gì cần đánh giá rất công bằng, người ta xấu ở chỗ nào, hoàn cảnh chỗ nào, cơ chế ở chỗ nào. Từ đó có điều chỉnh rồi đưa ra những biện pháp, giải pháp phù hợp.
Theo tôi, trong đề án của Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng nên đưa ra thông điệp thể hiện sự quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo là khuyến khích, động viên và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Vậy cơ chế đó là gì? Trân trọng mời bạn đọc hiến kế cùng VietNamNet về địa chỉ Email: banxahoi@vietnamnet.vn.
Hồng Nhì - Thu Hằng
Người vì lợi ích chung làm việc không quan tâm đến ghế
Người vì dân, vì nước sẽ làm việc đến ngày cuối cùng diễn ra Đại hội XIII dù sau đó họ không còn ở cương vị đó nữa. Họ không quan tâm gì đến lợi ích cá nhân, không quan tâm đến ghế.