Xuất phát từ điều này, báo VietNamNet trân trọng mời bạn đọc tham gia diễn đàn "khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".
Trong lịch sử nước nhà đã có nhiều nhân tố đổi mới, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân. Một Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc với dấu ấn đột phá từ Nghị quyết 68 ngày 10/9/1966 “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”.
Nghị quyết này khi đó bị coi là vi phạm nghiêm trọng đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tính đúng đắn của Nghị quyết số 68 và cá nhân Bí thư Kim Ngọc đã được minh chứng khi vào năm 1981, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 100 về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã (khoán 100); đến năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (khoán 10).
Hay như tấm gương của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), từ năm 1980, khi còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM đã cho phép xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước.
Đây là những bước đột phá đầu tiên - mặc dù chưa hoàn thiện nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý cũ. Dù lúc bấy giờ bị nhiều người phê phán, cho rằng chạy theo cơ chế thị trường nhưng ông Nguyễn Văn Linh vẫn kiên định với cách làm này.
Tư tưởng đổi mới đó đã được ông vận dụng sáng tạo vào việc chuẩn bị văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước kể từ năm 1986...
Đó chỉ là hai trong rất nhiều tấm gương về những lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã được lịch sử minh chứng và nhân dân ghi nhớ.
Dù là ở giai đoạn nào, Đảng ta luôn cần những cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để tạo động lực phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Để có một Việt Nam "phồn vinh, hạnh phúc", trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, đất nước không thể dựa vào một đội ngũ cán bộ chỉ biết "gọi dạ bảo vâng", khư khư giữ mình, vo tròn lại. Đất nước càng không thể phát triển được khi có những cán bộ, đảng viên chỉ biết nghĩ và làm vì lợi ích cá nhân, vơ vét cho riêng mình.
Đất nước cần một đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động.
Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật để làm trong sạch đội ngũ, rất cần một cơ chuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để đưa đất nước phát triển, để có một Việt Nam "phồn vinh, hạnh phúc".
Vậy cơ chế đó là gì? Trân trọng mời bạn đọc hiến kế cùng VietNamNet về địa chỉ Email: banxahoi@vietnamnet.vn. Những ý kiến tâm huyết được đăng tải được hưởng nhuận bút theo quy định hiện hành. Báo VietNamNet chào đón mọi ý kiến tâm huyết, xây dựng của bạn đọc cả nước bàn luận, nêu giải pháp cho vấn đề hệ trọng này.
Ban Thời sự
Trăn trở của Tổng Bí thư về Ban chấp hành Trung ương khóa XIII
“Mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.