Cùng là hơi thở, nước uống

Bên hành lang QH, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ, ông cũng là nạn nhân phải dùng nước bẩn trong 3 ngày. Ông nhấn mạnh, hành vi đầu độc môi trường gây sự cố đặc biệt nghiêm trọng ô nhiễm nước sạch sông Đà là không thể chấp nhận, sẽ đối mặt với mức án hình sự…

Trước đó, sau vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, ông Hà trấn an dư luận: “Tôi ở trong bán kính khoảng 500m vẫn thấy bình thường”. Đó là khi ông muốn khẳng định Việt Nam đủ năng lực để xử lý sự cố này. 

{keywords}
Sự cố đổ dầu thải đầu độc sông Đà, cả xã hội vào cuộc truy tìm 

Phát ngôn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà được đưa ra vào thời khắc quan trọng, đối với những sự cố nghiêm trọng, và hiệu ứng của những lời khẳng định, chia sẻ đó có tác động lớn tới dư luận và xã hội. Nó mang lại niềm tin cho người dân, bởi một lẽ, đó là thông điệp của người đứng đầu ngành môi trường, được ngầm hiểu là lời hứa, trách nhiệm của ngành.

Cháy nổ, thiên tai, địch họa… là những điều không ai muốn, không ai lường trước. Tuy nhiên, có những sự cố do con người gây ra, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể xếp sự cố đổ trộm dầu thải - đầu độc nguồn nước và sự cố AB Mauri Đồng Nai - đầu độc khí thở là điển hình. Hai câu chuyện ở 2 nơi, nhưng cùng là một mối an nguy tới đời sống của người dân nằm trong vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự vào cuộc, phản ứng với 2 câu chuyện ấy, chúng ra dễ thấy 2 cách hành xử khác nhau. 

{keywords}
AB Mauri, 20 năm người dân sống thiếu bầu không khí trong lành 

Từ năm 1998, nhà máy sản xuất men vi sinh AB Mauri đi vào hoạt động tại xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai. Đó cũng là khoảng thời gian hơn 20 năm đời sống người dân liêu xiêu, bỏ công việc đi gõ cửa các cơ quan để đòi lại bầu không khí trong lành bị đánh cắp. Sự vào cuộc cầm chừng dẫn tới câu chuyện kéo dài hàng chục năm trời; cực chẳng đã, dân bán nhà, chuyển chỗ ở… Những cuộc li tán trên mảnh đất ông cha, như là sự bất lực, cam chịu, cùng đường của người dân là nạn nhân.

Đến đầu tháng 6/2019, chính quyền tỉnh Đồng Nai đưa máy xúc, thiết bị về hiện trường để tìm đường ống xả thải chôn ngầm sau khi người dân tố cáo.

Đây là hành động được xem là quyết liệt nhất của chính quyền sở tại, sau 20 năm người dân đấu tranh đòi được... thở trong bầu không khí trong lành.

{keywords}
Cá chết trắng sông La Ngà...

Không khí, đó là thứ chúng ta không “trói” yên được một chỗ. Nó là thước đo chuẩn xác nhất của những biến động xung quanh nó: một “mùi lạ” xuất hiện giữa đám đông, khi một ai đó không kiềm chế được bản thân đã “xì hơi” không đúng lúc. 

AB Mauri không phải là quả bóng khí “xì hơi” không đúng chỗ. Nó là một câu chuyện có khởi đầu, có hành vi, nhưng chưa có điểm kết thúc. Nó, thuật ngữ chuyên môn, là chủ nguồn thải, đã từng nhiều lần bị xử phạt, nhưng vẫn tồn tại ở giữa một vùng quê, và ngày ngày đứng đó bốc mùi, mặc dân cư nháo nhác, liêu xiêu…

Nếu như, có một ai đó sống cùng với người dân, hàng ngày uống nước, thở không khí cùng với người dân La Ngà, sẽ tin và chia sẻ với câu chuyện của những người treo biển bán nhà. Chắc chắn, sẽ có một động thái hành xử khác, quyết liệt hơn đối với một sự cố môi trường, mà nạn nhân của nó (người dân La Ngà và người dân Thủ đô) lại là 2 số phận, do sự vào cuộc, cách phản ứng của cơ quan chuyên môn có sự khác nhau.  

{keywords}
Dân treo biển bán nhà sau hàng chục năm AB Mauri xuất hiện

Nhìn về những dòng sông

Trong những sự cố môi trường đang xảy ra, chúng ta một lần nữa cần ngồi lại, bình tâm để nghĩ về những dòng sông - thủy lưu trên đất liền, mạch nguồn của sự sống.

3 kẻ lăn 3 thùng phuy dầu thải ở đầu nguồn sông Đà, cách Hà Nội chưa đầy 100km, vài ba ngày sau chúng ta mới biết, nếu như nước không “mách” chúng ta qua mùi và vị nước.

Nếu như, một giả thiết đặt ra và đã được nhiều người lo lắng, thay vì đổ dầu, họ đổ một chất độc khác đầu độc dòng sông, ở vị trí thượng nguồn xa hơn 100km, liệu chúng ta có biết sớm hơn để ngăn chặn, xử lý, hay phải để một hậu quả nghiêm trọng xảy ra, mới phát hiện được? 

{keywords}
Sông ngòi Việt Nam đang thiếu quy hoạch quản lý

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam chưa có quy hoạch nguồn nước, và như thế, an ninh nguồn nước vô cùng lỏng lẻo và là một lỗ hổng rất lớn từ ngay đầu nguồn.

Cùng một hệ thống, lưu vực sông, nhưng khúc này dành cho tưới tiêu, thủy lợi, khúc giữa là nguồn nước cho chăn nuôi, thủy sản; khúc khác đấu nối với đường ống của những đơn vị xả thải - dù đã được xử lý về chỉ số cho phép… Một khúc khác, lại là nguồn nước đầu vào của nhà máy sản xuất nước sinh hoạt, sau đó đấu nối ra đường ống dẫn vào từng vòi nước hộ gia đình, thành nước uống, nước ăn hàng ngày, hàng giờ…

Việc không có/chưa có quy hoạch vùng nước khiến lưu vực sông của Việt Nam được gọi tên “mịn màng”, đó là  “đa mục tiêu”, nhưng xét góc độ nào đó, bản chất của nó chính là sự vô chủ, không thống nhất đầu mối quản lý. 

{keywords}
Sau những sự cố Rạng Đông, nước sạch sông Đà, nhà máy men AB Mauri..., điều quan trọng là có cái nhìn xa hơn về vấn đề bền vững môi trường

Một cái hồ nằm ở giữa Hà Nội, nếu hỏi ai là đơn vị quản lý, câu trả lời là công ty thoát nước quản lý nước hồ; hệ thống chiếu sáng của đơn vị khác; cây xanh ven hồ; đường dạo ven hồ; vớt rác mặt hồ… tất cả được chia năm xẻ bảy. Khi có hiện tượng cá chết nổi mặt hồ, phải nhiều ngày sau khi nó đã nổi đặc kín và bốc mùi hôi thối mới có người đến vớt; và vớt hết cá coi như đã xử lý xong sự cố; dù mỗi năm có 5-6 đơn vị cùng ký nhận khoản kinh phí nhà nước cấp để… duy tu, quản lý hồ!

Một cái hồ bé tẹo còn khó quản, huống chi một lưu vực sông đi qua nhiều tỉnh, nhiều địa hình, nhiều công năng sử dụng?

Sông Đồng Nai cũng là lưu vực sử dụng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt, nước ăn cho hàng triệu người dân vùng Lục tỉnh Nam kỳ. Đã đến lúc, cần nhìn những con sông trong một chiến lược chung thay vì nhìn nó theo mục đích sử dụng, cắt khúc và chia nhỏ nó. Những chủ nguồn thải gây ô nhiễm cho nó, không được phép xuất hiện cạnh những dòng sông, hàng ngày, hàng giờ bốc mùi hôi thối cho xã hội, cộng đồng phải gánh chịu, như 3 kẻ tội đồ đổ dầu cặn đầu độc sông Đà, như AB Mauri đứng cạnh sông Đồng Nai đầu độc bầu không khí…

Hơn hết, đối với những câu chuyện giống nhau, cần có cách hành xử giống nhau, để không biến nó thành các số phận khác biệt.

Phó bí thư Hòa Bình: Ngoài nhà máy nước sông Đà mùi khét như cao su cháy

Phó bí thư Hòa Bình: Ngoài nhà máy nước sông Đà mùi khét như cao su cháy

Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Hoà Bình Trần Đăng Ninh nói, ông đứng bên ngoài nhà máy nước sạch sông Đà thì thấy mùi rất khủng khiếp.

Di Linh