Sáng nay, QH thảo luận ở hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tránh ‘trăm hoa đua nở’ mỗi nơi mỗi khác
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đồng ý với dự thảo giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện (sở ngành, phòng ban).
Tuy nhiên, ông cũng đề xuất phân cấp cho Chính phủ quy định thống nhất cả bộ máy cấp dưới. Vì việc để địa phương tùy ý xác định sẽ dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi khác. Các địa phương khác nhau, mỗi vùng một khác trong cùng một địa phương sẽ rất khó khăn, vất vả trong quản lý ngành dọc.
ĐB Trần Văn Lâm |
“Chính phủ quy định nhưng phải rõ ràng, thống nhất để tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện giữa các địa phương. Sự khác nhau có chăng chỉ là sự khác biệt ở vùng miền, đô thị, nông thôn. Sự khác nhau này cũng do Chính phủ quy định rõ ràng, tránh sự “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi mỗi khác như vừa qua sau đó phải tạm dừng, chờ hướng dẫn”, ĐB Lâm nói.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu thực trạng bộ máy, biên chế vận hành nền hành chính đều được đánh đồng, không có sự khác biệt dù giữa các địa phương có chênh lệch về diện tích, dân số, quy mô kinh tế.
Theo ĐB, mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực, chứng tỏ sự thống nhất, đồng bộ, dễ ban hành chính sách, từ đó có được những thuận lợi nhất định trong việc điều hành quản lý.
Tuy nhiên, khi năng lực phát triển của các địa phương bắt đầu có sự bứt phá, mô hình trên đã bộc lộ rõ nhiều hạn chế, bất cập.
“Đặt trong yêu cầu xây dựng nhà nước kiến tạo thì bộ máy nhà nước ở các cấp chính quyền theo kiểu mặc đồng phục thực sự chưa giải phóng tiềm năng của từng địa phương, thậm chí ở một số nơi còn xảy ra ở chiều ngược lại”, ĐB Nhân phân tích.
Tháo gỡ điểm nghẽn trong bộ máy hay chỉ cộng trừ?
Bên cạnh đó, ĐB tỉnh Bình Dương cũng băn khoăn, việc sửa đổi luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này có thực sự tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong bộ máy, biên chế của địa phương hay chỉ đơn giản là cộng trừ, thêm bớt một cách cơ học trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng?
"Nếu như quy định nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được xem là điểm tiến bộ thì sau đó việc quy định số lượng biên chế tối thiểu trong tổ chức như dự thảo đã chưa thực sự triệt để và xuyên suốt tinh thần đổi mới nếu không muốn nói là bó buộc điều mà chính dự thảo đang có ý định cởi trói", ĐB Nhân phân tích.
ĐB Phạm Trọng Nhân |
Ông dẫn chứng tình trạng số lượng học sinh đầu cấp của Bình Dương ngày càng tăng nhưng biên chế giáo viên chưa bao giờ được tăng thêm mà phải tinh giản theo lộ trình. Việc này dẫn đến tình trạng 1 lớp trên 50 học sinh, giảm số lớp 2 buổi trên ngày.
"Những giải pháp trên chưa bao giờ là tích cực trong nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã hội nhưng những ràng buộc biên chế đã làm cho sự nghiệp trồng người trong thời gian qua luôn trong tình trạng đắp đổi, giật gấu vá vai", ĐB Nhân nhấn mạnh.
Theo ông, quy định biên chế tối thiểu là cấp bách cho việc thực hiện lộ trình tinh giản biên chế nhưng không nên dựa vào lý do đó bó buộc các địa phương có đặc thù như đã nêu.
ĐB cho rằng, việc đòi hỏi biên chế, bộ máy ở địa phương đã tự chủ về ngân sách phải khác so với mặt bằng chung không bao giờ nhằm mục đích phân định "chiếu trên hay chiếu dưới".
"Nếu vẫn tư duy “chiếu trên, chiếu dưới” có lẽ nhìn vấn đề không ở khối chỉnh thể thống nhất, thiếu sự gắn kết giữa các địa phương và quan trọng là chưa vì lợi ích chung của xã hội lên đầu", ĐB tỉnh Bình Dương nói.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng dự thảo luật không cụ thể hóa được chủ trương của nghị quyết TƯ, chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho việc thực hiện chủ trương của Đảng.
Thậm chí, có nội dung đã được QH quy định, thì lần này lại bãi bỏ, giao Chính phủ quy định như quy định số lượng cấp phó cấp vụ không quá 3 người, tổng cục không quá 4 người không được dự luật nhắc đến.
“Như vậy số lượng cấp phó này đã không bị khống chế cho đến khi có nghị định của Chính phủ và cũng không rõ số lượng này tăng lên hay giảm đi”, ĐB Cường thắc mắc.
Theo ông, đây là một nội dung đã được QH khóa 13 thảo luận kỹ nhằm khắc phục tình trạng có quá nhiều cấp ở cơ quan TƯ.
“Tôi cho rằng việc xây dựng luật theo hướng luật khung là bước lùi của dự thảo. Có cử tri nói rằng có lẽ chẳng đâu như chúng ta, luật ban hành nhưng Chính phủ không ban hành nghị định thì luật chết ngay”, ĐB nhấn mạnh.
Khắc phục "đẻ quá nhiều cơ cấu tổ chức bên trong"
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc giao cho Chính phủ quy định khung các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện là để khắc phục tình trạng giao cứng cơ quan chuyên môn mà một số địa phương thời gian qua không cần thiết.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Minh Đạt |
Theo đó, Chính phủ quy định có một số cơ quan quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước, có đơn vị cần nghiên cứu sáp nhập hợp nhất mà không để cho địa phương muốn sáp nhập sở nào với sở nào.
Đối với những đơn vị đặc thù phải có đủ tiêu chuẩn điều kiện để hoạt động, nếu không đủ thì sáp nhập. Còn lại những cơ quan thực hiện thí điểm thì không đưa vào các quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Nội vụ cũng giải thích, việc quy định biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa nhằm khắc phục tình trạng "đẻ quá nhiều cơ cấu tổ chức bên trong".
"Giống như bộ ngành hiện nay quản lý nhà nước đa nhiệm vụ, đa chức năng, các sở cũng thế, nếu có số lượng biên chế ít hơn thì phải nhập các phòng khác để thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành. Việc này cũng để hạn chế tình trạng số lượng lãnh đạo của các cơ quan bên trong nhiều hơn công chức", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lý giải.
Chuẩn bị điều kiện để sáp nhập một số bộ từ bây giờ
GS Lê Minh Thông cho rằng, sửa luật lần này "quên" bàn chuyện sáp nhập bộ ngành là một thiếu sót, cần phải bổ sung, đặt ra từ bây giờ để sắp tới có căn cứ thực hiện.
Thu Hằng - Hương Quỳnh