{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Nhân dịp Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2021), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu với đại diện báo giới cả nước. VietNamNet xin trân trọng gửi đến độc giả toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã 96 tuổi. Cách mạng là ở chỗ tiên phong, đi đầu. Báo chí đã luôn như vậy và sẽ phải càng như vậy khi đất nước đang muốn tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chỉ còn chưa tới 25 năm nữa để bứt phá vươn lên trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí truyền thông. Nói cho người dân biết, người dân hiểu, người dân tham gia và người dân làm. Đưa cuộc sống vào chính sách và đưa chính sách tới cuộc sống. Đó là những gì mà làng báo chúng ta phải luôn tâm niệm.

18 tháng bền bỉ chống đại dịch, nguồn thu báo chí bị ảnh hưởng rất mạnh, nhưng anh em phóng viên vẫn luôn là người ở tuyến đầu. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước sẽ luôn là nguồn động viên vô giá đối với báo chí nước nhà để anh em lúc nào cũng sẵn sàng ở tuyến đầu.

Lực lượng báo chí là 851 cơ quan báo chí, 20.000 phóng viên, 50.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí. Đây là lực lượng hùng hậu của báo chí truyền thông nước nhà.

Báo chí đã thực hiện xong phần sắp xếp của quy hoạch báo chí. Phần tiếp theo của quy hoạch là phát triển báo chí. Và đây mới là phần chính của quy hoạch. Đó là việc xây dựng các cơ quan báo chí lớn mạnh, nhà nước phải tập trung nguồn lực vào đây, vì có lớn mạnh thì mới chuyên nghiệp, mới định hướng, dẫn dắt được dư luận. Và đặc biệt là chiến lược chuyển đổi số báo chí sẽ được hoàn thành trong quý 3 năm nay, với định hướng là xây dựng các nền tảng số dùng chung cho báo chí, cũng như chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh doanh, phân phối nội dung trên không gian mạng, sự chuyển đổi từ đưa tin ai, làm gì, ở đâu và khi nào thành phân tích nhiều hơn và sâu hơn, dữ liệu nhiều hơn và xác thực hơn, góc nhìn toàn diện hơn, kể câu chuyện sinh động và thú vị hơn, nhằm tạo ra nhiều hơn giá trị cho độc giả. Và đây là cách để báo chí khác biệt với các mạng xã hội và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí.

Uy tín của phóng viên, của báo chí cũng có lúc đã xuống thấp, nhất là năm 2018. Nhưng báo chí đã chủ động làm sạch báo chí, dám nói về cái xấu của mình, của đồng nghiệp mình. Vì chỉ có mình thì mới làm sạch được chính mình. Quản lý nhà nước cũng đã xử lý nghiêm các phóng viên vi phạm, đã đình bản cả tờ báo nếu vi phạm nghiêm trọng, đã thay đổi quy định để có thể đình bản đến 12 tháng. Đã có công cụ đo lường, giám sát hàng ngàn cơ quan báo chí, đánh giá từng tờ báo, từng phóng viên và cả không gian báo chí. Niềm tin của xã hội vào báo chí đang ngày một tăng lên.

Sứ mệnh của báo chí là thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam. Là khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Là lan toả năng lượng tích cực. Lấy cái tốt, dẹp cái xấu. Những năm gần đây, báo chí đã làm được nhiều hơn theo hướng này. Và sẽ làm nhiều hơn nữa để tạo thành sức mạnh tinh thần cho cả dân tộc bứt phá vươn lên.

Nhưng vẫn còn đó những tồn tại của báo chí, như cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý cơ quan báo chí, xa rời tôn chỉ mục đích, báo hoá tạp chí, cơ quan đại diện tràn lan tại các tỉnh và thiếu quản lý, liên kết có xu thế tư nhân hoá, sách nhiễu doanh nghiệp…

Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí, thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng, là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi đầu tư cho báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Bộ TT&TT đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương tăng thêm đặt hàng tin bài để chi thường xuyên cho báo chí chiếm khoảng 0,65% chi thường xuyên của ngân sách. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Chính phủ đã ký chủ trương tăng đặt hàng báo chí cho giai đoạn 2021-2025, Bộ TT&TT sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ mức bổ sung cụ thể cho báo chí. Làm được việc này thì mới giữ được báo chí cách mạng phát triển đúng hướng, xứng tầm nhiệm vụ và không trở thành báo chí thị trường. Một số cơ quan báo chí lớn chưa có hoặc có rất ít đặt hàng từ ngân sách thì cũng chỉ mong muốn nhà nước đặt hàng được khoảng 10-30%, còn lại 70-90% thì anh em tự bươn chải trên thị trường.

Nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí nước nhà cũng đã giảm đi gần 3 lần, chỉ còn lại khoảng 35% so với trước đây, phần còn lại là rơi vào tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google. Các nền tảng này đang không đóng thuế, không tuân thủ luật pháp về nội dung, về quảng cáo, vi phạm bản quyền báo chí. Các nghị định đang sửa đổi sẽ đưa các nền tảng này vào hoạt động theo luật pháp, nhằm không bảo hộ ngược, để báo chí truyền thông trong nước và nước ngoài phải cùng một mặt bằng quản lý nhà nước.

Thí điểm mô hình tổ hợp báo chí truyền thông đa phương tiện theo hướng trong một tổ hợp có nhiều tờ báo. Thí dụ TP HCM hiện đang có 5 tờ báo, 1 đài truyền hình, 1 đài phát thanh thì sẽ nằm trong 1 tổ hợp, là một đơn vị sự nghiệp nhưng có nhiều báo đài. Đây cũng là hướng đi để hình thành các cơ quan báo chí chủ lực của nước nhà. Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu và đề xuất trong năm nay.

Ngày báo chí cách mạng anh em làm báo luôn cảm nhận được tình cảm mà Đảng, Nhà nước và xã hội dành cho mình, nhưng cũng cảm nhận được trách nhiệm nặng nề và rất đặc biệt của mình. Mỗi năm lại là những thách thức mới, kiên định với sứ mệnh, mục tiêu và những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, nhưng báo chí phải thay đổi, nhất là sự di chuyển nhanh chóng lên môi trường mạng, lên không gian mạng. Trong thế giới thực thì báo chí là dòng chủ lưu, vậy trên không gian mạng báo chí cũng phải là dòng chủ lưu. Chúc chúng ta có nhận thức mới, cách tiếp cận mới và năng lượng mới để báo chí cách mạng thì phải thật cách mạng trên không gian mạng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Báo chí tạo niềm tin và khát vọng dân tộc

Báo chí tạo niềm tin và khát vọng dân tộc

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

 

Bài phát biểu của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về phòng chống dịch Covid-19

Bài phát biểu của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về phòng chống dịch Covid-19

VietNamNet giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 sáng 29/5 do Thủ tướng chủ trì.