Sau Mậu Thân năm 1968, các cơ sở cách mạng của ta ở đồng bằng và đô thị đều bị vỡ, quân Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa nắm thế chủ động trên chiến trường, tích cực phản công.

Ở chiến trường Trị Thiên, Mỹ đưa sư đoàn Thủy quân lục chiến và sư đoàn Dù tấn công lên vùng núi, chủ trương làm chủ các điểm cao, chốt chặn các đường tiến quân về đồng bằng của quân giải phóng. Với chiến thuật thiết xa vận và trực thăng vận, quân địch đã làm mưa làm gió trên chiến trường. Bộ đội chủ lực của ta phải rút sang tận Mường Nòong - nước bạn Lào.

Không để địch tấn công vào hậu cứ

Quyết không để địch tấn công vào hậu cứ, tháng 3/1969, công trường 8 (trung đoàn 3) của sư đoàn 324 và đại đội 1 súng máy cao xạ 12 ly 7 của tiểu đoàn 54 tấn công tiêu diệt quân địch ở Cô-Ca-Va và Tam Tanh thuộc biên giới Lào - Việt.

{keywords}
Ảnh tại Đại hội thi đua quyết thắng tháng 12/1971 ở chiến trường Trị Thiên. Anh hùng Đặng Thọ Truật đứng ở ngoài cùng bên trái

Tháng 5 năm đó, công trường 8 và đại đội 1 tiểu đoàn 54 lại giành thắng lợi xuất sắc trong chiến dịch A Bia thuộc huyện A Lưới - chiến dịch mà sư đoàn kỵ binh bay của Mỹ gọi là “tuyết rơi trên đỉnh núi” - đã bị báo chí Mỹ chế nhạo thành “máu rơi trên đỉnh núi”. Chiến dịch A Bia làm rung chuyển Lầu Năm Góc và quốc hội Mỹ.

Cuối tháng 6 đến 23/7/1970, công trường 1 của sư đoàn 324 và công trường 6 của quân khu Trị Thiên cùng đại đội 3 súng máy cao xạ 12 ly 7 tiểu đoàn 54 và tiểu đoàn 33 cối 120 đã thực hiện thắng lợi trận đánh vây lấn, tấn, phá, triệt, diệt cao điểm 935, cơ bản giải phóng hoàn toàn miền Tây Thừa Thiên.

Ngày 23/7/1970, sau gần 1 tháng tham gia chiến dịch 935 thắng lợi, chúng tôi được lệnh rút về hậu cứ để chuẩn bị cho chiến dịch tiêu diệt cứ điểm Cốc Bai. Được tin tình báo, Mỹ sẽ đổ quân lên dãy Cô Pung nhằm đánh phá phía sau hậu phương của sư đoàn 324, khẩu đội 1 chúng tôi được lệnh lên đỉnh dãy Cô Pung đào trận địa chuẩn bị đón máy bay địch đổ bộ.

Nhìn từ phía Tây hoặc phía Đông, dãy Cô Pung như lưng một con trâu sừng sững phía Bắc có mỏm cao 1650, phía Nam có mỏm cao 1478, nối 2 mỏm này là một yên ngựa thoai thoải dốc hai bên như lưng trâu.

Ở đây trước kia Pháp trồng rất nhiều chè, có những cây chè cổ thụ cả 1 người ôm nên còn gọi là “dốc chè”. Quân Mỹ rải chất độc hóa học nên rừng chỉ còn những cây lúp xúp, các cây lớn cổ thụ đều chết đứng gãy cành gãy ngọn. Năm 1968, địch san phẳng 2 đỉnh 1650 và 1478 trên dãy Cô Pung thành sân bay trực thăng và đưa quân Mỹ lên đóng cả tháng trời. Đồ hộp, thức ăn và nhiều đồ dùng chúng vứt rải rác, vẫn còn sử dụng được.

Giữ bí mật chờ đánh quân đổ bộ

Đại đội trưởng Nguyễn Thanh Phàn và chúng tôi cùng đi trinh sát suốt đỉnh dãy Cô Pung. Cuối cùng, chúng tôi quyết định đào 3 trận địa, một trận địa ở phía Bắc điểm cao 1478, một trận địa ở phía Nam điểm cao 1650, một trận địa ở yên ngựa khoảng giữa 2 điểm cao 1478 và 1650.

Nếu máy bay của địch đổ bộ lên 2 điểm cao này thì súng cao xạ 12 ly 7 đều phát huy tác dụng, vì từ điểm cao 1650 đến điểm cao 1478 đường chim bay chỉ khoảng hơn 300m. Sau 2 ngày đào xong 3 công sự kiên cố, đại đội trưởng Phàn quyết định trận địa chính đặt ở yên ngựa khoảng giữa 2 điểm cao, chỉ để lại 8 người, trong đó tôi là xạ thủ số 1, còn toàn bộ rút về hậu cứ, xuống con suối gần đấy đào hầm làm bếp Hoàng Cầm, sẵn sàng thay thế cho tổ chốt, nấu cơm mang lên trận địa.

Ngày 25/7/1970 vẫn còn yên tĩnh, chúng tôi được ăn 3 bữa nóng. Hôm sau, địch liên tục ném bom B52 suốt dọc dãy Cô Pung mỗi ngày 3 đợt, mỗi đợt 3 chiếc liên tục. Đến ngày 28, anh Toản quyết định trong những ngày này chỉ ăn một bữa nóng buổi sáng, còn trưa và chiều thì ăn cơm vắt.

Cùng hôm đó, chúng tôi đang ở trong hầm bỗng thấy trời đất chao đảo rung chuyển như động đất. Khi đã yên, chúng tôi lên khỏi công sự quan sát. Khi về hậu cứ, chúng tôi được biết địch thả bom dù 7 tấn trên đỉnh Cô Pung điểm cao 1650 nhưng chếch về phía Bắc. Sau này chúng tôi được biết đó là bom CPU. Về mặt lý thuyết, quả bom này có thể tiêu diệt sinh lực trong diện tích 500m2, may mà địch ném không trúng vào trận địa chúng tôi.

Sáng 29/7, trận địa pháo 155 ly của địch ở Phú Bài và Đồng Lâm bắn cấp tập nhiều loạt lên đỉnh 1650 và 1478, dọc theo yên ngựa của dãy Cô Pung. Pháo nổ rầm rầm từng đợt, chúng tôi gọi đó là pháo bầy vì mỗi lần bắn, trận địa pháo của địch có tới 27 khẩu 155 ly đều đồng loạt nổ súng. Anh Toản nói: “Đúng là hỏa lực Mỹ, chắc thể nào nó cũng đổ bộ, dọn bãi đây mà”.

Từ 10-12h ngày 29/7/1970, địch liên tục dùng máy bay phản lực F4H bổ nhào ném bom nhiều đợt xuống điểm cao 1478 và các khu vực lân cận. Nhiều chiếc phản lực khi bổ nhào trườn qua trận địa chúng tôi, phơi bụng trắng xóa nhìn thật thèm, nếu nổ súng dứt khoát nó sẽ rơi tại chỗ nhưng chúng tôi quyết giữ bí mật chờ đánh quân đổ bộ.

13h ngày 29, từ sân bay Phú Bài, 1 máy bay trực thăng trinh sát OH6 (cán gáo), 3 chiếc trực thăng vũ trang AH1G lên bắn xối xả vào chung quanh điểm cao 1478 rồi chậm chạp bay lượn vòng. Sau đó 1 chiếc máy bay trực thăng chở quân HU1B bay lên và hạ cánh xuống điểm cao 1478.

Địch đổ bộ xuống 1478

Chúng tôi hội ý và nhận định dứt khoát địch sẽ đổ bộ xuống điểm cao 1478. Buổi tối, anh Từ nuôi quân đưa cơm lên, anh Toản quán triệt tình hình cho bộ phận ở dưới bếp và yêu cầu chuẩn bị ăn cơm sáng thật sớm kèm mỗi người 2 nắm cơm to để ăn trưa và chiều.

Sáng ngày 30, mới khoảng 6h, pháo bầy của địch từ Đồng Lâm và Phú Bài lại bắn lên điểm cao 1478 từng chặp. Sau đó máy bay phản lực F4H tiếp tục ném bom xuống điểm cao 1478 và 1650, 3 máy bay trực thăng võ trang lại lên lượn vòng bắn xăm vào tất cả những chỗ nghi có quân ta ẩn nấp.

Do trận địa chúng tôi ngụy trang khéo và kĩ, trực thăng của địch không phát hiện được. 10h từ hướng sân bay Phú Bài, 1 đoàn trực thăng HU1B khoảng 10 chiếc có máy bay trực thăng vũ trang bảo vệ bay lên dãy Cô Pung. Đúng như chúng tôi phán đoán, địch đổ bộ xuống 1478.

Chúng tôi bàn: Phải để cho chúng đổ bộ 3-5 chiếc rồi mới bắn. Vì như vậy, địch buộc phải đổ quân hết để ứng cứu lẫn nhau và không dám dùng pháo bầy, máy bay phản lực đánh lại ta được. Anh Toản dặn: “Cứ như các trận trước, lúc nào Truật thấy ngon nhất thì bắn nhé”.

Bắt đầu từ chiếc thứ 6, khi địch sắp vào bãi đáp, tôi nổ súng, nhìn rõ đạn vạch đường chui vào trực thăng, chiếc máy bay loạng choạng rồi rơi. Tiếp theo, cứ mỗi điểm xạ 2-3 viên, tôi chọn những chiếc ngon nhất để bắn…

Mỗi lần tôi bắn một điểm xạ, anh Thành và Toản lại lấy cành lá khua khua ở trên hộp tiếp đạn để khói tản ra, không lộ mục tiêu. Anh Toản nói: “Đừng bắn liên tục, khói nhiều địch nó biết đấy”. Bị tấn công bất ngờ, địch điều thêm máy bay trực thăng vũ trang lên lồng lộn bắn lung tung vào các điểm chúng nghi có quân giải phóng. Nhiều quả hỏa tiễn bắn trúng ngay trên mép ngoài công sự chúng tôi, nhưng không quả nào trúng trận địa.

Chúng tôi kiểm lại thấy 3 thùng đạn 150 viên chỉ còn 25 viên, như vậy số đạn đã bắn đi là 125 viên. Y tá Dung làm nhiệm vụ cảnh giới báo cáo: Số máy bay địch đã đổ bộ là 50 chiếc HU1A và HU1B. Chúng tôi nhẩm tính, mỗi chiếc chở 11 tên địch, tổng cộng chúng đã đổ gần 600 quân cỡ 1 tiểu đoàn.

Khi trận địa nổ súng, toàn bộ anh em ở dưới bếp đều chạy lên, anh Toản giao cho Từ và Dung mang hộp tiếp đạn kèm 1 bức thư báo cáo về cho đại đội đề nghị đưa hộp tiếp đạn khác lên thay và đưa thêm đạn.

Vì chưa có lệnh rút của cấp trên, chúng tôi vẫn ở lại trận địa tổ chức canh gác, sẵn sàng chiến đấu. Khoảng 2h chiều, Hùng trực gác ở trong công sự cúi xuống bảo: “Có địch đấy”. Địch đã ở cách trận địa chỉ khoảng 50m nhưng vì trước trận địa chúng tôi rải nhiều cành khô làm chướng ngại vật nên chúng di chuyển khó khăn, vả lại đây là yên ngựa, 2 bên sườn dốc nên địch chỉ đi được hàng hai. Anh Toản nói nhỏ: “Các cậu chuẩn bị, lúc nào tớ nổ súng thì bắn theo nhé. Thành và Hùng ra phía cửa phụ của hầm chữ A, Truật ở lại công sự với mình”.

Chờ địch vào gần khoảng 15m, anh Toản nổ súng; tôi, Thành, Hùng đều bắn theo. Mấy tên địch đi đầu ngã xuống như chuối đổ. Một lát sau, chúng tổ chức phản công. Khi súng hết đạn, chúng tôi ném lựu đạn về phía địch. Vì trận địa chúng tôi ở thế cao hơn nên địch phản công rất khó khăn. Lúc sắp hết đạn và lựu đạn, anh Toản bảo tôi tháo súng 12 ly 7 lấy bộ phận khóa nòng ra chuẩn bị rút.

Khi đã hết đạn và lựu đạn, chúng tôi nhặt mấy hòn đá ném về phía địch để buộc chúng phải nằm xuống rồi nhảy ra khỏi công sự rút về phía sau. Địch vẫn bắn theo, đạn bay vèo vèo. Mãi chiều tối, anh em chúng tôi mới về đến hậu cứ, có đồng chí lạc rừng hôm sau mới tìm về được. Đồng chí Hùng liên lạc mang lệnh rút quân lên cho chúng tôi nhưng bị hi sinh dọc đường. Anh là con liệt sĩ, quê ở Nam Đàn, Nghệ An.

‘Các đồng chí đã đánh 1 trận tuyệt vời’

3 ngày sau, trung tá Hà Ngọc Liễn - chủ nhiệm pháo binh quân khu và các trợ lý cao xạ quân khu Trị Thiên Huế, sư đoàn 324 xuống đại đội 3 tiểu đoàn 54 của chúng tôi. Anh Toản, anh Thành, tôi và Hùng được mời lên để báo cáo cụ thể.

Đồng chí Hà Ngọc Liễn thông báo: “Quân khu và bộ bắt được điện do đài của địch cấp dưới báo cáo cấp trên rằng trong trận đổ bộ lên điểm cao 1478, do dọn bãi không sạch, không kĩ nên đã bị quân giải phóng tấn công quyết liệt, 13 chiếc máy bay HU1A đã bị rơi tại chỗ, 11 chiếc rơi gần, tổng số là 24 chiếc, khi phản công vào trận địa quân giải phóng đã bị đánh trả và chết 25 binh sĩ. Viên tướng chỉ huy việc dọn bãi để đổ quân bị cách chức vì không hoàn thành nhiệm vụ. Quân khu đã kiểm tra các lực lượng tại chỗ đánh địch ở dãy Cô Pung thì biết rõ chỉ có 1 mình khẩu đội 1 đại đội 3 tiểu đoàn 54 chốt giữ và đánh địch.

Các đồng chí đã đánh 1 trận tuyệt vời, ta không thương vong mà địch tổn thất rất lớn. Quân khu quyết định tặng thưởng huân chương Quân công giải phóng hạng 3 cho khẩu đội 1, đại đội 3 và tiểu đoàn 54; Tặng huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì cho xạ thủ số 1 Đặng Thọ Truật, huân chương Chiến công giải phóng hạng 3 cho trung đội trưởng Toản, khẩu đội trưởng Thành, xạ thủ số 2 Hùng…

Trận đánh là một đòn chí mạng vào chiến thuật trực thăng vận, chiếm điểm cao của địch. Quân khu đang phát động phong trào bắn rơi 300 máy bay của địch thì chỉ 1 trận các đồng chí đã bắn rơi 24 chiếc. Đây là trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao nhất trên toàn chiến trường miền Nam, vì chỉ có 30 phút với 125 viên đạn 12 ly 7, các đồng chí đã bắn rơi 24 máy bay địch”.

Chiến công tập thể

Năm 2005, gặp lại nhau, đồng đội thương yêu vẫn gọi tôi là Truật Cô Pung. Tháng 12/1971, tôi được báo cáo thành tích cá nhân tại đại hội chiến sĩ thi đua sư đoàn 324 ở Khe Bang và được sư đoàn đề nghị phong tặng Anh hùng.

Nhưng tôi nghĩ, đoàn kết hợp đồng, lập công tập thể đã ngấm vào tim óc của bộ đội phòng không chúng tôi. Đây là chiến công tập thể. Nếu được tôn vinh thì tập thể đã đưa mình lên bởi vì ai vác súng, ai đào hầm, ai nấu cơm, ai cảnh giới, ai chăm lo cho xạ thủ số 1 yên tâm trực tiếp nổ súng chính xác vào kẻ thù.

Đặng Thọ Truật (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)

‘Hổ phụ sinh hổ tử’: Cha và con đều là Tướng Quân y

‘Hổ phụ sinh hổ tử’: Cha và con đều là Tướng Quân y

Hai cha con bác sỹ Phạm Gia Triệu và Phạm Hoà Bình từng cùng là Thiếu tướng, Phó giám đốc BV Trung ương Quân đội 108, những chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thần kinh.