Không từ một thứ gì mà người ta không sẵn sàng phát lộ, phơi bày ra, từ chuyện dĩ vãng, đến đời tư cá nhân, từ phát ngôn đến hành động, từ chuyện làm từ thiện đến các vụ kiện tụng, tranh chấp tình - tiền... Dư luận xã hội cảm nhận được chuyện đời, chuyện nghề của nghệ sỹ đầy rẫy những mảng tối rối ren, chỉ là bây giờ mới lộ ra.
Khi có một scandal nổ ra, một bộ phận cộng đồng "khắc khoải" mong chờ xem những diễn biến tiếp theo trong livestream của một doanh nhân hay nghệ sỹ nào đó, rồi chờ đợi phản ứng của họ ra sao trong những livestream tiếp theo, những tình tiết "ly kỳ" gì nữa sắp được "trình chiếu"...
VTV gần đây điểm mặt các livestream vô văn hóa |
Đó dường như là những bộ phim dài tập vô hạn do được đạo diễn bởi "bóng ma" mạng xã hội, người dùng mạng xã hội. Những nội dung này xuất hiện dày đặc đến mức nó ở khắp mọi nơi, từ nhà ga, sân bay, trên xe buýt, công viên, trong công ty, công sở... Ngay cả smartphone trên tay những đứa trẻ cũng văng vẳng những giọng livestream quen thuộc về "cuộc đời" và "sự nghiệp" của một nghệ sỹ nào đó hay cuộc đấu khẩu, thách đố nhau không có hồi kết.
Tạo lập "màng lọc văn hóa"
Phải chăng, cộng đồng mạng đang cổ súy cho những việc làm đó được diễn ra tiếp, khiến những "người trong cuộc" càng động lòng có thêm động lực để không biết bao giờ mới biết dừng lại.
Trong đó, có chủ ý tạo scandal để gây chú ý của một số nghệ sỹ không muốn bị "chìm" bằng cách tự "dìm" mình để cộng đồng kéo nổi lên. Thậm chí, trong một số game show, nhà sản xuất cố tình tạo ra những nút thắt giật gân bằng phát ngôn của người tham gia, cố ý để lộ những thông tin đời tư của nhân vật hoặc “tạo sạn" để gây sự chú ý, tạo drama cho chương trình.
Tất cả những thứ hỗn tạp đó tạo thành một không gian mạng vẩn đục, bởi quá nhiều những thông tin lãng xẹt, vô bổ, những thông tin đời tư sâu kín, thậm chí có những thứ rất riêng tư được khai thác triệt để, những cuộc đăng đàn khẩu chiến, thanh minh và thách đố nhau...
Khoảng trống không gian mạng không còn chỗ cho những lời hay, ý đẹp, những thuần phong mỹ tục, nghĩa cử cao đẹp hay những gương người tốt được biểu dương, cái xấu bị dư luận lên án....
Hệ lụy là ngay cả những đứa trẻ thơ còn chưa thuộc hết bảng tính đã thuộc làu cái tên ca sỹ, nghệ sỹ với những phát ngôn sốc, bê bối tai tiếng chứ không phải những sản phẩm nghệ thuật chân chính. Nghiêm trọng hơn, một bộ phận cộng đồng lại dung dưỡng cho những thứ "tối tăm" đó được nhan nhản lan tràn trong "ánh sáng thuần mỹ" của văn hóa Việt hiện nay.
Nghị quyết 33-NQ/TW của Đảng đã nêu rõ là trong xây dựng con người phải: “Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”... Xét đến cùng, văn hóa là nghệ thuật của cái đẹp, mọi hoạt động của văn hóa đều vận động theo quy luật của cái đẹp.
Muốn hiểu đúng cái đẹp, cần giáo dục để mọi người dân nhận biết đúng đắn chuẩn mực, giá trị của cái đẹp. Nhưng các góc tối trong cuộc đời và hoạt động của một số ca sỹ, nghệ sỹ phản ánh phần nào trong khía cạnh văn hóa nhưng "phản văn hóa", "phản giáo dục", phản những giá trị nhân văn, cao đẹp - thứ mà đáng lẽ mang lại giá trị cho bản thân họ.
Phải chăng, cộng đồng hiện nay quá dễ dãi? Phải chăng một bộ phận nghệ sỹ Việt lắm chiêu trò với những sản phẩm nghệ thuật chất lượng thì ít mà lố lăng thì nhiều? Câu trả lời chưa có hồi kết, song chắc chắn rằng, để những nội dung phản văn hóa đó được lan truyền là có lỗi từ sự đồng thuận, "tiếp tay" của cộng đồng, góp phần dung dưỡng cho những thông tin xấu độc, những "phế phẩm" của văn hóa đó được phép sinh sôi, nảy nở và phát triển rầm rộ như hiện nay.
Hơn bao giờ hết, cộng đồng hay các nghệ sỹ, những người của công chúng hãy xây dựng, tạo lập cho mình "màng lọc văn hóa". "Màng lọc" ấy đối với cộng đồng là không cho phép, không cổ súy những thứ phản nhân văn, phản văn hóa được tồn tại, lưu hành. Nghệ sỹ phải tạo cho mình thứ "màng lọc" trong cuộc sống, trong ứng xử, phát ngôn, trong hoạt động nghề nghiệp để trở thành người của công chúng ở khía cạnh yêu mến, là sứ giả truyền bá những giá trị văn hóa chứ không phải "người của số đông" bởi tại chính những chuỗi bê bối của bản thân.
Bên cạnh đó, thứ "màng lọc" này phải dày hơn, nhiều lớp hơn và hiệu quả hơn đối với các cơ quan quản lý, các nhà đài, đơn vị báo chí, truyền thông để kịp thời "thanh lọc" những "vi khuẩn" nhằm góp phần "xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn".
Minh Tâm
Người nổi tiếng quyên tiền làm từ thiện: Cần một thiết chế pháp lý
Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến của chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng xung quanh câu chuyện từ thiện.