Với nhà kinh tế Võ Trí Thành, tình hình đó còn có thể kéo dài và loang ra các địa phương khác. Ông nói: “Chúng ta cần có các kịch bản xấu nhằm đề phòng trường xấu nhất xảy ra để có thể ứng biến, huy động nguồn lực một cách kịp thời, hiệu quả; tránh có những lúng túng nhất định như xảy ra như ở TP.HCM thời gian vừa qua”.

Các kịch bản 

Kịch bản xấu nhất, ông Thành gợi ý, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức khoảng 5% trong năm nay mà thôi.

Ông Thành luôn là nhà kinh tế có suy nghĩ tích cực và lạc quan trong các dự báo. Song, lần này, gợi ý của ông thấp hơn hẳn những kịch bản của Chính phủ.

Ở kịch bản 1, mục tiêu tăng trưởng là 6% năm 2021, trong điều kiện dịch cơ bản được khống chế trong tháng 7, không có ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế, không bị giãn cách xã hội.

Theo kịch bản này, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, thấp hơn nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm. Tăng trưởng quý IV đạt 6,5%, thấp hơn nghị quyết này 0,2 điểm phần trăm.

{keywords}
TP.HCM trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16

Kịch bản 2, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, với điều kiện dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trong tháng 6, không có ổ dịch ở khu công nghiệp, ở các tỉnh, thành phố, không bị giãn cách xã hội. Theo đó, quý III phải đạt mức tăng trưởng 7%, cao hơn nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm và quý IV tăng 7,5% trở lên, cao hơn nghị quyết này 0,8 điểm phần trăm.

Cho đến cuối tháng 6 vừa rồi, Chính phủ khẳng định chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm nay ở mức 6,5% là thách thức rất lớn, dù tốc độ tăng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo có tên “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”, CIEM dự báo hai kịch bản kinh tế.

Trong kịch bản 1, dịch bệnh dự báo được kiểm soát vào tháng 10, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất - kinh tế ở mức bình thường. Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm - trong tháng 8, và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức cao hơn.

Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 5,9% theo kịch bản 1, và 6,2% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4% trong kịch bản 1 và 18,3% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,2 tỷ USD và 5,4 tỷ USD. Lạm phát bình quân lần lượt đạt 2,6% và 2,8%. 

Dịch bệnh được kiềm chế hay sẽ lây lan tới đây sẽ là thách thức rất lớn cho nền kinh tế trong nửa cuối năm nay, theo báo cáo của CIEM có sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam.

Báo cáo này đánh giá, trước tiên đó là dịch Covid-19 và các biến thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, chi phí logistics tăng, tác động đến xuất nhập khẩu hàng hoá…

Vì vậy, khả năng kiểm soát dịch bệnh tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số, khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới và bảo đảm cơ hội cho lao động nữ cũng là những yếu tố được dự báo ảnh hưởng tới tăng trưởng trong nửa cuối năm nay.

Thúc đẩy cải cách với 3 ưu tiên

Trước những thách thức trên, bà Hồng Minh cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy cải cách đủ sâu rộng để phục hồi tăng trưởng một cách bền vững. Trong đó, cần tập trung 3 ưu tiên quan trọng.

Thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững. Thứ hai, thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất lao động.

Bên cạnh các ưu tiên trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng cần được Chính phủ đặc biệt quan tâm từ nay đến cuối năm. 

Ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM bổ sung thêm, động lực để cải cách là thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số. Các nước trên thế giới đứng dậy được sau đại dịch là nhờ vào kinh tế số.

Ông nói, Việt Nam cần tham khảo một số xu hướng phát triển kinh tế số, xu thế phát triển thương mại điện tử, dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới. Dù bị nhiều quy định về an ninh mạng hạn chế, Việt Nam đứng thứ 7 về mức độ dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới trên thế giới, nghĩa là độ mở của chúng ta đã tích cực hơn rất nhiều so với trước. 

Lan Anh

Cách ly F1, F0 tại gia: Cách nào để không biến cả nhà thành ổ bệnh

Cách ly F1, F0 tại gia: Cách nào để không biến cả nhà thành ổ bệnh

Cách ly y tế F1 tại nhà là quyết định hết sức khó khăn của lãnh đạo ngành y tế TP.HCM. Là người từng ở vị trí quản lý và đưa ra những quyết định thay đổi táo bạo để cải cách, tôi hiểu điều này khó như thế nào.