Nữ doanh nhân này từng có nhiều tút chống lại tiêm chủng, chống lại vắc xin, và tất nhiên, các tút đó ảnh hưởng đến không ít người. Nhưng quan điểm đó đã thay đổi đột ngột sau khi chị cho biết bị mắc virus Sars-Cov-2 và trải qua 2 đêm “đối diện với tử thần”.
Chị viết, đối diện với cái chết trở về nên chị rất thèm sống, và nhận ra rằng, chị sẽ thay đổi vì Covid-19.
Sau khi được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, và thoát chết trở về, chị viết: “Tôi xin lỗi và xin phép không tham gia vào các cuộc tranh luận về vắc xin vì cảm thấy kiến thức của mình còn hạn hẹp. Vả lại, thoát chết là may mắn nhất của cuộc đời này rồi… Và một lần nữa khẳng định rằng, tôi đã bỏ suy nghĩ ấy ra khỏi đầu mình rồi”.
Câu chuyện này, dù liên quan đến cá nhân, nhưng đáng được kể ra trong bối cảnh tiêm chủng ở TP.HCM đang chậm lại đáng kể với chỉ hơn 62.000 mũi ngày 27/8, 52.000 mũi ngày 26/8, 58.000 mũi ngày 25/8, 38.000 mũi ngày 24/8, 5.000 mũi ngày 23/8, theo Bảng tin Covid-19 tại TP. Như vậy, số liều vắc xin tiêm trong liên tục các ngày gần đây thấp hơn hẳn so với ngày kỷ lục gần 300 ngàn mũi trước đó.
Tiêm nhanh, an toàn, hiệu quả
Theo các dữ liệu đã công khai, TP HCM đang có hơn 4 triệu liều Sinopharm, trong đó hơn 3 triệu liều đã có sẵn trong kho và 1 triệu liều cuối cùng về ngày 27/8; số liều Sinopharm đã tiêm đến hết 26/8 là gần 1 triệu liều. Ngoài ra vẫn còn một số không nhiều các vắc xin khác.
Cần tăng tốc tối đa tiêm 1,5 triệu liều Sinopharm tiếp theo, đạt tổng cộng 2,5 triệu người tiêm Sinopharm (2,5 triệu liều Sinopharm còn lại để dành tiêm liều 2 cho 2,5 triệu người này), đồng thời tiêm hết vắc xin các loại khác mà TP.HCM đang có. Không cần để dành tiêm liều 2 vì TP sẽ còn nhận được các vắc xin này.
Mục đích là trước ngày 15/9 tối đa người dân sống ở TP.HCM bao gồm thường trú, tạm trú và cư trú ngoài đăng ký, được tiêm tối thiểu 1 liều vắc xin. Thay vì mục tiêu 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm tối thiểu 1 liều, nên hướng tới mục tiêu trước mắt tất cả mọi người dân trên 18 tuổi sống ở TP.HCM được tiêm tối thiểu 1 liều.
Mục đích chính của tiêm vắc xin không phải để chống bị nhiễm mà là chống bị tử vong khi nhiễm, ai cũng cần được tiêm. Mở tối đa các kênh tiêm vắc xin, kể các việc để người dân, doanh nghiệp đăng ký tiêm rồi đến điểm tiêm lựa chọn; mở một số điểm tiêm ở mỗi phường, quận để người dân đến tiêm mà không cần đăng ký trước; tăng cường tiêm vắc xin lưu động…
Lãnh đạo TP nên trao đổi thẳng thắn trên báo chí và mạng xã hội về việc xấp xỉ 1 triệu người dân ở TP.HCM đã tiêm vắc xin Sinopharm, đến nay chưa xảy ra bất kỳ sự cố sức khỏe nào sau tiêm. Việc này cần để củng cố niềm tin cho người dân về vắc xin Sinopharm và thông tin này hoàn toàn đúng sự thật.
Mấy ngày gần đây, hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đến với người dân vùng dịch kiểm tra từ việc tiêm chủng, cái ăn, đến chỉ đạo điều hành chống dịch trong chiếc áo tối màu đẫm mồ hôi cho thấy quyết tâm nỗ lực của Thủ tướng, của Chính phủ trong việc chống dịch lớn đến thế nào.
"Đã hy sinh thời gian dài để chống dịch mà không quyết tâm, dịch kéo dài còn khổ nữa", Thủ tướng nói. Cho rằng cả chính quyền và người dân đều không dài sức để "giãn cách tăng cường mãi", ông khẳng định chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. “Chiến thắng dịch bệnh hay không do dân quyết định nên dân phải tham gia. Người dân là trung tâm, là chủ thể”.
Trong triển khai chiến lược tiêm vắc xin, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM tiêm nhanh, an toàn, hiệu quả. "Tiêm vắc xin không nhanh thì chuyển sang tỉnh khác vì nhiều tỉnh cũng đang cần. Các tỉnh cũng có đề nghị rồi", Thủ tướng nói.
Vắc xin vẫn đang rất thiếu, nhiều tỉnh đang khát vắc xin, mà trường hợp Hải Phòng làm công văn mượn TP.HCM 500.000 liều vắc xin là một ví dụ.
Bác sỹ Nguyễn Phạm từ Paris nói trong một cuộc hội thảo gần đây: Dù Sinopharm có hiệu quả không cao như loại khác nhưng tiêm còn hơn không tiêm nhiều lần để cứu được nhiều người hơn. Theo ông, nếu không tiêm, số người đông máu, gặp phản ứng phụ khi nhiễm Sars- Cov-2 dẫn đến tử vong còn nhiều hơn rất nhiều lần những trường hợp cá biệt khi gặp phản ứng phụ khi tiêm.
TP.HCM đã phong tỏa gần 3 tháng. Nếu không đẩy nhanh tốc độ tiêm, làm sao cứu được những người dễ tổn thương có bệnh nền, làm sao cứu được hệ thống y tế đang quá tải, làm sao mở lại những khu phong tỏa, và làm sao mở cửa lại nền kinh tế?
Từ nay đến 15/9 thời gian không còn nhiều, nhưng vẫn đủ dài để phủ tiêm vắc xin cho rất nhiều người. Chị doanh nhân đã lên tiếng hối tiếc về việc tẩy chay vắc xin. Hi vọng đó là một thông điệp tốt cho tất cả.
Tư Giang
Y tế tư điều trị bệnh nhân Covid: Cần ủng hộ chủ trương của TP.HCM
Gần đây, UBND TP.HCM gửi công văn cho Bộ Y tế và Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận cho y tế tư nhân thực hiện dịch vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và thu giá dịch vụ tương ứng.