Ngày 27/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao và PCA cho biết: “PCA sẽ thành lập một văn phòng có nhân viên tại Hà Nội để điều hành các phiên điều trần và cuộc họp của PCA. Đây sẽ là văn phòng thứ 4 của PCA bên ngoài trụ sở chính ở La Hay”.

{keywords}
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu (trái) và Tổng thư ký Tòa Trọng tài thường trực Hugo Siblesz (phải) chụp ảnh trong lễ ký thỏa thuận trực tuyến ngày 27/10. Ảnh: Báo Quốc tế

Hai bên khẳng định: "Việc thành lập văn phòng PCA tại Hà Nội thể hiện một bước hợp tác hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu đặt ra trong hiệp định Nước chủ nhà do PCA và Việt Nam ký năm 2014.

Văn phòng mới sẽ cho phép PCA và Việt Nam phục vụ quá trình phát triển nhu cầu giải quyết tranh chấp của các quốc gia và các tổ chức khác khi nhu cầu tiếp cận các dịch vụ PCA tăng lên trong những năm tới. Văn phòng PCA Hà Nội sẽ được thành lập trong những tháng tới”.

PCA là gì?

Cuối thế kỷ 19, thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp đã dẫn tới sự phát triển về thương mại và đầu tư của nhiều quốc gia châu Âu, và cũng làm tăng nguy cơ chiến tranh giữa các quốc gia này. “Bóng ma chiến tranh” đã ám ảnh nhiều nước, đặc biệt với cuộc Nội chiến ở Hoa Kỳ. Chính vì vậy, để tránh nguy cơ chiến tranh, nhiều quốc gia từ châu Âu, châu Á và Mexico quyết định tham gia hội nghị Hòa bình năm 1899, một sáng kiến do Sa hoàng Nicholas Đệ nhị khởi xướng.

Hội nghị hòa bình được kết thúc bằng việc các quốc gia tham gia ký kết một công ước về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế tại thành phố La Hay của Hà Lan. Sau thành công của vụ Alabama, các quốc gia tham gia ký kết Công ước năm 1899 cũng chấp thuận việc thành lập một định chế trọng tài thường trực để sử dụng phương thức trọng tài cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Đây chính là sự ra đời của Tòa Trọng tài thường trực với tên gọi chính thức tiếng Anh là Permanent Court of Arbitration, viết tắt là PCA.

Công ước năm 1899 quy định rằng “Với mục tiêu ngăn chặn, càng nhiều càng tốt, sử dụng sức mạnh trong quan hệ giữa các quốc gia, các quốc gia tham gia đồng ý sử dụng những nỗ lực cao nhất của họ để đảm bảo giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp quốc tế”.

Những nước tham gia Công ước 1899 cũng thừa nhận rằng “Đối với các vấn đề về pháp lý, đặc biệt là trong việc giải thích hoặc áp dụng các công ước quốc tế, trọng tài là… phương tiện hữu hiệu nhất và đồng thời là công bằng nhất, để giải quyết các tranh chấp mà ngoại giao không giải quyết được”.

PCA được chính thức thành lập năm 1900 và đi vào hoạt động năm 1902. Năm 1907, hội nghị Hòa bình lần hai được nhóm họp, lần này có thêm sự tham gia của các quốc gia từ Trung và Nam Mỹ. Công ước 1899 được sửa đổi và bổ sung các nguyên tắc thực hiện tố tụng trọng tài.

Mặc dù hầu hết các quốc gia thành viên của Công ước 1899 cũng là thành viên của Công ước 1907, tuy nhiên, cho đến đến nay, cả hai Công ước đều đang có hiệu lực. Hiện nay có 122 quốc gia thành viên của PCA.

PCA đặt trụ sở tại cung điện Hòa bình, nằm trên thành phố La Hay xinh đẹp, cổ kính của Hà Lan. Cung điện được xây dựng năm 1907 và hoàn tất năm 1913. Khởi thủy là trụ sở của PCA, nhưng hiện nay, đây còn là trụ sở của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), thư viện Andrew Carnegie và Viện Luật quốc tế La Hay.

Ban đầu, PCA được thành lập như một định chế, nhằm mục đích giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia với nhau, bao gồm việc giải quyết những vấn đề liên quan đến công pháp quốc tế như chủ quyền lãnh thổ, trách nhiệm quốc gia, giải thích các điều ước quốc tế. Nhiều nguyên tắc được xây dựng từ các vụ án đầu tiên của PCA vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay và được viện dẫn bởi những tòa án quốc tế khác, trong đó có ICJ.

Tuy nhiên, trong những năm 1930, PCA đã mở rộng thực hiện việc hòa giải cũng như tiến hành hoạt động trọng tài cho các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia và chủ thể tư khác. Hiện nay, PCA giải quyết các tranh chấp giữa các chủ thể quốc tế, bao gồm:

- Tranh chấp giữa hai hay nhiều quốc gia;

- Tranh chấp giữa một quốc gia với một tổ chức quốc tế;

- Tranh chấp giữa hai hay nhiều tổ chức quốc tế;

- Tranh chấp giữa một quốc gia với thể nhân;

- Tranh chấp giữa một tổ chức quốc tế với một thể nhân. 

Việt Nam đã ký kết cả 2 Công ước này. Với Công ước 1899, Việt Nam tham gia ngày 29/12/2011. Đối với Công ước 1907, Việt Nam tham gia ngày 27/2/2012.

Bước tiến trong hội nhập quốc tế

Việc PCA mở văn phòng tại Hà Nội là kết quả của quá trình mà Bộ Ngoại giao đã đại diện Chính phủ ký kết và xúc tiến các hoạt động với PCA. Quá trình này bắt đầu từ năm 2014.

Cũng có nhiều quốc gia khác có ý định thành lập văn phòng của PCA tại nước họ, nhưng PCA cũng chưa chấp thuận. Điều này cho thấy những thành công nhất định mà Việt Nam đã làm được khi xúc tiến các hoạt động hợp tác với PCA. Ngoài ra, sự kiện này cũng thể hiện vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng lớn đối với cộng đồng quốc tế.

Có thể nói, việc PCA mở văn phòng tại Hà Nội đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hội nhập quốc tế cũng như thể hiện thái độ của Việt Nam đối với luật quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương trên thế giới. Việt Nam là thành viên của CPTPP, EVFTA, RCEP. Các hiệp định thương mại đa phương này sẽ tiềm ẩn những tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, và PCA sẽ là một thiết chế quan trọng để có thể giải quyết tranh chấp giữa các bên với nhau.

Việc PCA mở văn phòng tại Việt Nam cũng cho thấy vị thế của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều đối với các quốc gia trên thế giới, đồng thời thể hiện thái độ nghiêm túc của Việt Nam trước việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các bất đồng với các quốc gia cũng như với các đối tượng khác trên thế giới

Việt Hoàng

5 năm phán quyết Biển Đông: Không có chuyện sức mạnh tạo ra công lý

5 năm phán quyết Biển Đông: Không có chuyện sức mạnh tạo ra công lý

Phán quyết Biển Đông đóng vai trò “dẫn đường” cho các nước liên quan trong cuộc đấu tranh vì một trật tự dựa trên luật lệ chứ không phải dựa trên “sức mạnh tạo ra công lý”.