LTS: Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đình Thiên nhân dịp đầu Xuân mới với chủ đề Kinh tế Việt Nam trước chặng đường mới.

'Không được lãng phí một cuộc khủng hoảng'    

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm, Kế hoạch 5 năm tới với những mục tiêu phát triển đã được bàn bạc, chuẩn bị kỹ lưỡng, được Đại hội Đảng thông qua, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Ông nhận định thế nào về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trước chặng đường mới, thưa ông?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi muốn bắt đầu bằng một câu nói của Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa khi nhìn lại năm 2020 đã qua: “Không được phép lãng phí một cuộc khủng hoảng”.

{keywords}
PGS.TS Trần Đình Thiên: Phải biết cách mở cửa nhưng độc lập, tạo giá trị bằng năng lực của mình

Việt Nam đã thực hiện câu nói đó tương đối tốt. Bản chất của một cuộc khủng hoảng không xấu, như nhà kinh tế học Joseph Schumpeter đã nói, khủng hoảng là sự phá huỷ có tính sáng tạo. Chủ nghĩa tư bản đã tận dụng tính sáng tạo trong những giai đoạn khủng hoảng bằng cách loại bỏ những thứ vớ vẩn cũ kĩ nên chủ nghĩa tư bản đã tồn tại được rất lâu, họ luôn đổi mới sáng tạo là vì vậy.

Tại Diễn đàn cải cách phát triển của Bộ KHĐT, luận điểm không được lãng phí cuộc khủng hoảng cũng đã được đưa ra. Khi đại dịch diễn ra hồi đầu năm 2020, Việt Nam đã chuyển ngay sang trạng thái bình thường mới từ tháng 4, 5 năm ngoái. Không được lãng phí một cuộc khủng hoảng là cách đặt vấn đề với hai tọa độ ngành du lịch và hàng không.

Ngành du lịch đã gặp rất nhiều khó khăn nên phải ở trạng thái “bình thường mới” mới có thể hoạt động được. Ngành du lịch của ta lâu nay có nhiều tiềm năng, đẳng cấp nhưng lại bán rẻ. Đại dịch Covid-19 đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục bán rẻ nữa không, hay cần nâng tầm đẳng cấp hơn. 

Các thành phố du lịch như Nha Trang, Vân Đồn, Phú Quốc cần tính đến cách tiếp cận du lịch khác, không thể theo kiểu cũ. Chúng ta vẫn cần lượng khách du lịch đông để phục hồi nhưng cần chú trọng vào những đối tượng khác, hướng tới lợi thế khí hậu nóng, tài nguyên biển để nâng cao đẳng cấp hơn.

Ngành hàng không trong năm vừa qua cũng kiệt quệ, mặc dù vẫn còn dư địa hơn nhiều so với các ngành khác, đó là thị trường nội địa. Chúng ta nên đặt vấn đề hậu Covid-19, hàng không Việt Nam đứng dậy thế nào, cùng chia sẻ kêu gọi sự ủng hộ của nhà nước cho các hãng hàng không lớn thì sẽ bớt xảy ra chuyện tị nạnh.

Tư duy, cấu trúc ngành công nghiệp cần thay đổi là vậy. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam có một vấn đề lớn là phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Nền kinh tế dễ gặp rủi ro khi có dịch bệnh lây lan.

Nhìn từ góc độ đó, có lẽ, thành tích cao nhất của nền kinh tế khi gặp dịch là giữ cho nền kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ, tập trung đông người nhưng không bị mất sức chiến đấu do dịch bệnh. Phòng chống được dịch, Samsung mới sống được, các doanh nghiệp dệt may mới sống được.

Nhưng phải nhìn thẳng rằng nguy cơ rủi ro là rất lớn. Tất nhiên, ta làm tốt, chống được dịch, nhưng cũng do may mắn nữa. Trong tương lai, các doanh nghiệp thâm dụng lao động phải tính đến giải pháp khác, là sử dụng máy móc, tự động hóa. Mà thời đại này thì làm điều đó dễ lắm. Nếu không chuẩn bị trước, vẫn cứ ngợi ca lợi thế lao động rẻ một chiều thì nguy to. Covid-19 cũng cho thấy tự chúng ta có những năng lực để có thể giải quyết vấn đề này.

Thời điểm dịch bệnh, tôi thấy ở nhiều bệnh viện có những chú robot phục vụ rất tốt, thay thế một số công việc của các nhân viên y tế. Qua thực tế đó, tôi cảm nhận, trong nền kinh tế của chúng ta có rất nhiều năng lực công nghệ cao tiềm tàng. Tại sao ta không làm robot để thay thế dần lao động chân tay “rẻ tiền”, nhiều rủi ro?

{keywords}
 Bác sĩ bệnh viện K mổ ung thư trực tràng bằng robot thông minh

Vài chú robot trong bệnh viện, tuy còn thô sơ, nhưng cũng cho thấy đó là những năng lực mới, góp phần tạo lập “bình thường mới”. Tuy nhiên, cách tiếp cận chiến lược và chính sách phát triển theo hướng này còn chưa rõ.

Cấu trúc nữa cần thay đổi là đô thị, nhất là khi tăng trưởng ở các trung tâm như TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang đã cạn kiệt…  Câu chuyện Thủ Đức tạo ra đẳng cấp phát triển khác cho TP.HCM, một không gian mới đúng với thời đại công nghệ cao. Nhưng để làm được như vậy cần những điều gì bởi Thủ Đức vẫn là TP cũ, thoát khỏi cái cũ thế nào là vấn đề.

Biết cách mở cửa nhưng độc lập

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã đón khá nhiều ông lớn FDI như các đối tác của Apple là Foxconn, Pegatron… Những công ty lâu năm như Samsung, LG cũng có động thái mở rộng. Đây là tín hiệu tốt cho Việt Nam nhưng liệu có gia tăng rủi ro phụ thuộc hay không?

Chúng ta đã mở cửa rất rộng với bên ngoài nhưng lại lâm vào tình trạng lệ thuộc nặng, như vậy lại dở. Phải biết cách mở cửa nhưng độc lập, tạo giá trị bằng năng lực của mình như thu về xuất siêu dựa vào doanh nghiệp, bớt được phần nhập siêu của doanh nghiệp.

Chúng ta cứ khoe khoang thành tích xuất siêu, nhưng xuất siêu là của các doanh nghiệp nước ngoài với giá trị gia tăng thấp, bán tài nguyên thô… Doanh nghiệp nước ngoài vào thì Việt Nam cũng được lợi ít nhiều, về ngân sách, về việc làm nhưng cơ bản là việc làm chất lượng thấp, vì ta không chuẩn bị lao động chất lượng cao để hấp thụ những tập đoàn tốt. Ta thấy tạo được việc làm là sướng rồi, hay quá, giúp cho Việt Nam, vì trong ngắn hạn, lúc nào vấn đề việc làm cũng bức bách.

{keywords}
Khái niệm “làm tổ cho đại bàng”, bây giờ phải sửa thêm là “phải làm tổ cho cả đại bàng Việt Nam”... Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhưng về mặt dài hạn, điều đó rất nguy hiểm. FDI vào Việt Nam thực sự đóng góp tốt, nhưng đáng lẽ còn đóng góp mạnh hơn, tốt hơn rất nhiều. Kết quả thực tế hiện nay rất không tương xứng. FDI chỉ như một bộ phận “gá lắp” độc lập, tác động lôi kéo doanh nghiệp Việt, cải tạo công nghệ rất thấp. Thậm chí, nó còn chứa đựng rủi ro làm nền kinh tế lệ thuộc vào đầu tư và thương mại nước ngoài.

Hiện nay, đã có những tập đoàn lớn, khó tính vào Việt Nam. Samsung, Intel, LG là những ví dụ. Nhưng những lực lượng đó chỉ giúp ta bám vào chuỗi thế giới, chứ chuỗi vẫn là của họ. Họ chỉ thuê đất của mình, lao động của mình và trả một ít tiền. Vì thế, bàn để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam là vô cùng ý nghĩa.

Hơn nữa, ngay cả khi vào chuỗi rồi, cũng phải nâng cấp dần lên. Nếu mình cứ vào và ở rất lâu trong khâu phân khúc thấp, thì giá trị gia tăng không nhiều và rủi ro rất cao.

{keywords}
Doanh nghiệp chế biến Việt Nam liên kết với người nông dân để tạo thành chuỗi sản xuất. Ảnh: Minh Dũng

Nhìn tổng thể, ta có chiến lược gì về nhân sự, nhân lực, con người? Chúng ta chuẩn bị môi trường thể chế như thế nào để nhà đầu tư tốt có thể yên tâm? Nếu không có thể chế tốt thì chỉ dễ thu hút những nhà đầu tư không tốt đến, kiếm chác, đầu cơ. Còn những nhà đầu tư tốt ấy, muốn làm ăn ở đây, họ sẽ coi Việt Nam như tổ quốc.

Cần một môi trường chính sách tốt, công khai, minh bạch. Nhưng trên khía cạnh này, sự chuẩn bị của chúng ta chưa thực sự tốt. Ta hay phải đối phó với những tình thế ngắn hạn nhiều hơn là có sự chuẩn bị năng lực bài bản dài hạn.

Phải là đại bàng Việt Nam  

Phải chăng khi chúng ta chưa có những “đại bàng nội" mạnh thì lệ thuộc là điều tất yếu?

Gần đây, tôi gặp ông Vương Đình Huệ, tôi nói ta ổn định được vĩ mô là hay. Tôi khẳng định đối nội, đối ngoại bây giờ là do nội lực doanh nghiệp trong nước quyết định, làm sao để liên kết được các lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhau. Phải có những tập đoàn lớn mạnh, phải đặt niềm tin vào các tập đoàn tư nhân. Tập đoàn tư nhân là trụ cột kéo theo các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cũng phải khác. Đại bàng phải là đại bàng Việt Nam.

Khái niệm “làm tổ cho đại bàng”, bây giờ phải sửa thêm một tí, là “phải làm tổ cho cả đại bàng Việt Nam”, chứ không phải chỉ làm tổ để đón đại bàng nước ngoài.

Samsung tốt như thế, nhưng để truyền được đẳng cấp của họ cho nền kinh tế, để nâng nền kinh tế lên là khó vô cùng, chưa kể họ có sẵn sàng hay không, hay họ lại kéo nhà cung cấp của họ sang. Đối với họ, xét lợi ích kinh tế thì chuỗi của họ tốt hơn nhiều.

Tóm lại, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực thể chế và năng lực vật chất như nhân lực, hạ tầng…

Vì những lẽ đó, có thể nói cơ hội để tăng trưởng cao bây giờ rất lớn, nhưng tại sao ta vẫn không cao được? Hay chúng ta cho thế là ổn rồi chăng? Vì ta tự trói ta. Lực lượng doanh nghiệp của ta chậm lớn lắm. Chừng nào xuất siêu vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, khu vực nội địa còn phải vật lộn để cân bằng thương mại, thì chừng đó còn khó.

Nếu FDI chỉ chiếm chừng 20-22% GDP, mà chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là có chuyện. Có nghĩa doanh nghiệp FDI được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại. Tồn tại khiếm khuyết rất lớn về quan điểm nội lực và ngoại lực. Cho nên, cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp Việt Nam phải sửa lại. 

Bài 2: Chuỗi giá trị phải là của Việt Nam

Lan Anh 

Lời giải bài toán nguồn nhân lực, nhân tài trong thời đại 4.0

Lời giải bài toán nguồn nhân lực, nhân tài trong thời đại 4.0

Từ sự đúc kết kinh nghiệm của một số nước thành công trong chuyển đổi số, nhận diện đặc trưng của thời đại 4.0, nhóm tác giả đưa ra lời giải bài toán nguồn nhân lực, nhân tài để Việt Nam chuyển đổi số thành công.