Áp lực từ lịch sử

Sau một thời gian gián đoạn, cuối tháng 12/2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị khóa 11 ký quyết định số 160-QĐ/TW tái thành lập Ban Kinh tế Trung ương. Ông Vương Đình Huệ giữ chức Trưởng Ban giai đoạn đầu tái lập.

Việc tái lập Ban lúc đó nhằm giải quyết tình hình trong nước và quốc tế nhiều khó khăn, thách thức “không lường trước được”, theo nguyên Trưởng Ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình.

Thời điểm đó, những tồn tại, yếu kém đã tích tụ từ lâu trong nội tại nền kinh tế cùng với những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008 đã đẩy nền kinh tế của Việt Nam vào tình thế “hết sức nguy kịch”, “bên bờ vực của khủng hoảng, đổ vỡ”.

Kinh tế vĩ mô bất ổn nghiêm trọng, lạm phát tăng cao, thị trường tiền tệ chao đảo, hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ đổ vỡ, DN phá sản hàng loạt, bong bóng chứng khoán và thị trường bất động sản bục vỡ.

Nhờ nỗ lực bền bỉ, kiên trì và quyết liệt của rất nhiều cơ quan, cả bên Đảng, Chính phủ, Quốc hội và đặc biệt là DN và người dân, nền kinh tế đã vượt qua khủng hoảng và đà tăng trưởng kinh tế được kích hoạt lại.

{keywords}
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trần Tuấn Anh giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ngày 6/2. Ảnh: TTXVN

Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành một khối lượng công việc lý luận rất lớn, đáng kể nhất là việc tham mưu, ban hành 15 nghị quyết, kết luận của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nghị quyết, kết luận về kinh tế - xã hội ban hành trong nhiệm kỳ khóa 12 của Đảng.

Trong số đó, đáng kể là các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển kinh tế tư nhân; đổi mới và cơ cấu lại các DN nhà nước; chính sách đất đai; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia…

Trước Đổi mới, Ban đã kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chỉ thị 100-CT/TW năm 1981, nghị quyết 10-NQ/TW năm 1988. Hai văn bản giúp cởi trói trong nông nghiệp này là chưa có tiền lệ trong hệ thống các nước XHCN, mở đường cho cải cách ở Việt Nam.

Tháo gỡ những điểm nghẽn phát triển

Điểm lại một số việc để thấy, những chủ trương, chính sách, nghị quyết của Ban quan trọng như thế nào trong việc tham mưu cho Đảng để định hình phát triển cho nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam trong nhiều chặng đường lịch sử.

Ông Trần Tuấn Anh vốn là Phó Ban Kinh tế Trung ương nên chắc chắn không xa lạ gì với những công việc đã được thực hiện ở đây. Trải qua các vị trí bên hành pháp, ông dường như là mẫu người hành động thực tế hơn là lý thuyết. Tuy nhiên, từng là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp, Bộ Công nghiệp, nên có lẽ công việc tham mưu, tổng hợp là quen thuộc với ông.

Như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: Nhiệm kỳ Đại hội 13 là một dấu mốc, một bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì thế, những chủ trương, chính sách mà Đảng giao nhiệm vụ cho Ban, hay được chủ động triển khai tại Ban sẽ rất quan trọng để tạo “bước chuyển” trong phát triển đất nước.

Trong nhiệm kỳ tới đây, ông Trần Tuấn Anh và các đồng nghiệp ở Ban giúp giải quyết, xử lý được những “nguyên nhân hạn chế, yếu kém” được nêu trong Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, xây dựng chiến lược 2021 - 2030 là điều đáng mừng cho đất nước.

Theo đó, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém là do: “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất, nhất là vấn đề quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, vai trò của DN nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã, DN tư nhân... Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa đầy đủ, hiện đại, hội nhập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển”.

Vì sao Đổi mới đã được 35 năm mà đến nay nhận thức vẫn còn chưa thống nhất? Vì sao đã có nghị quyết 11-NQ/TW năm 2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nhận thức đó “vẫn còn chưa rõ”? Đâu là những nút thắt, rào cản cần gỡ bỏ trong tư duy và hành động để các thị trường nhân tố sản xuất vận hành trơn tru, để nguồn lực được phân bổ hiệu quả và để nền kinh tế vận hành theo thông lệ quốc tế?

“Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính”. Đây là một trong 3 đột phá chiến lược cần được tập trung giải quyết để tạo sự chuyển biến về chất cho phát triển đất nước như Tổng bí thư, Chủ tịch nước đặt ra tại Đại hội 13.

Bên cạnh đó, còn một số quan hệ lớn được nêu ra tại Đại hội 13 và các kỳ Đại hội trước đây tiếp tục phải được xử lý tốt và làm sáng tỏ. Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa nhà nước, thị trường và xã hội;…

Những vấn đề phát triển trên và còn nhiều hơn nữa đang được Đảng và đòi hỏi của đất nước đặt ra. Khi làm Bộ trưởng Công thương, ông Trần Tuấn Anh đã có nhiều kinh nghiệm về hội nhập, mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam xuất khẩu, cải cách thể chế. Với kinh nghiệm đó, tân Trưởng Ban Kinh tế được kỳ vọng không nhỏ để giúp tháo gỡ những điểm nghẽn phát triển.

Tư Giang

Suy tư về khát vọng hùng cường

Suy tư về khát vọng hùng cường

Muốn thực sự đưa đất nước trở nên hùng cường, cần có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, có những quyết sách phát triển chính xác cho đất nước...