Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đẩy nhanh tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Tại buổi làm việc với VNPT, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, VNPT cần chủ động thực hiện tốt tái cơ cấu Tập đoàn, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tăng hiệu quả, chất lượng, xứng đáng là tập đoàn hàng đầu về CNTT. VNPT cần hết sức quan tâm tới công tác này. Với VNPT, nhà nước vẫn giữ phần vốn nhà nước chi phối, cần tính toán kỹ phần nào cổ phần hóa, phần nào giữ lại.

Theo Bộ trưởng, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành hoặc doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả triển khai quá chậm so với yêu cầu. Trong đó có việc xây dựng phương án tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Tài chính Bưu điện; việc đẩy mạnh các bệnh viện trực thuộc hoạt động theo cơ chế tự chủ theo Nghị định số 16 năm 2015 của Chính phủ.

{keywords}

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Theo thống kê, từ đầu năm 2016 tới ngày 5/3/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao VNPT 111 nhiệm vụ, tập đoàn này đã hoàn thành 108 nhiệm vụ, còn lại 3 nhiệm vụ quá hạn mà chưa hoàn thành.

Đánh giá những kết quả đã thực hiện của VNPT, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương VNPT với những kết quả hoạt động nổi trội so với nhiều tập đoàn khác.

Sau 3 năm liên tiếp, lợi nhuận của VNPT liên tục tăng 20%/năm và sau 3 năm lợi nhuận tăng gấp đôi.

Bốn nhiệm vụ quan trọng khác được Bộ trưởng chỉ đạo VNPT tập trung thực hiện là quyết liệt trong xử lý các vấn đề như an toàn, an ninh thông tin, tin nhắn rác, sim rác… Thứ ba, quyết tâm của Chính phủ là xây dựng Chính phủ điện tử để tăng cường minh bạch, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. 

Thủ tướng mong muốn VNPT cần cố gắng trong thời gian sớm nhất trở thành tập đoàn sản xuất công nghệ cao, có sản phẩm của mình như điện thoại, máy tính… với chất lượng tốt ra thị trường để khẳng định Việt Nam nói chung và VNPT nói riêng đủ sức làm được. 

Cuối cùng, vấn đề dịch vụ công là cực kỳ quan trọng. Thủ tướng mong muốn VNPT tiếp tục góp phần giảm thời gian, giấy tờ thực hiện thủ tục, đơn giản hóa quy trình…

Khó khăn thoái vốn

Báo cáo trước Tổ công tác của Thủ tướng, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, thực hiện thoái vốn của VNPT tính đến 31/12/2016, VNPT đã hoàn thành thoái vốn được 16 danh mục. Tổng giá trị đầu tư thu về là 1.051 tỷ đồng/vốn đầu tư trên sổ sách 608,728 tỷ đồng, đạt tỷ lệ đầu tư thu về/vốn đầu tư sổ sách là 173%.

VNPT còn 49 danh mục cần phả thoái vốn gồm: 16 danh mục thoái vốn theo phương thức tích tụ, 33 danh mục thoái vốn theo phương thức trực tiếp khớp lệnh/thỏa thuận/ đấu giá/sáp nhập/giải thể/phá sản.

{keywords}
Lãnh đạo VNPT tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, VNPT cũng đã có văn bản báo cáo Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước phương án sắp xếp lại Công ty tài chính TNHH một thành viên bưu điện (PIT) theo hướng chuyển nhượng vốn cho các tổ chức tài chính, tín dụng.

Việc thoái vốn tại Ngân hàng Hàng Hải, nhưng ngân hàng muốn VNPT chỉ thoái vốn 1 phần hiện VNPT vẫn đang tiếp tục tìm đối tác để thực hiện việc thoái vốn này.  

Ngoài ra, VNPT đã có báo cáo, đề xuất Bộ TT&TT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ việc tổ chức sắp xếp các doanh nghiệp có vốn theo hướng tích tụ vốn tại 4 doanh nghiệp trụ cột: VNPT – Technology, CT-In Postef, Cokyvina và đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Long, việc thoái vốn của VNPT tại các doanh nghiệp ngoài ngành hoặc các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiếu các quy định linh hoạt trong vấn đề thoái vốn khi thị trường tài chính ảm đạm.Đơn cử, đã có 5 danh mục hoàn thành thủ tục đấu giá công khai nhưng không thành công do không có nhà đầu tư quan tâm. 

Ông Phạm Đức Long cho biết, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thực hiện cổ phần hóa 2016 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng. Để thúc đẩy thoái vốn một số doanh nghiệp nhỏ thoái vốn khó khăn. VNPT thực hiện hỗi trợ tạo điều kiện cho các đơn vị xây lắp. Sau đó các công ty này đều tăng trưởng tốt. Muốn bán được thì phải có hiệu quả, nên đẩy mạnh các đơn vị này thay đổi cơ chế, phương thức quản trị. Có lẽ 2017 - 2018 mới thoái vốn, cồ phần hóa được những công ty này.

Lãnh đạo VNPT kiến nghị, Chính phủ và các Bộ có liên quan xem xét hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của VNPT trong công tác thoái vốn Nhà nước để đẩy nhanh tốc độ thoái vốn ngoài ngành, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp không cần nắm giữ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, thị trường biến động liên tục nên việc tái cơ cấu là thường xuyên liên tục của VNPT. VNPT cần tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh, khai thác lợi thế của mình. 

Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị VNPT có đề xuất cụ thể về việc thành lập Tổng công ty công nghiệp. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng chính phủ để sửa lại danh mục thành viên của VNPT.

Duy Anh