Trồng cây chịu hạn ở xã bán sơn địa

Là các xã bán sơn địa nằm ở vùng phía bắc huyện Yên Thành (Nghệ An), Tiến Thành và Mã Thành thường xuyên bị hạn hán, nhiều diện tích lúa không gieo cấy được nên việc người dân chuyển đổi sang trồng cây nhân trần đã mang lại những tín hiệu tích cực.

Những ruộng nhân trần ngập tràn hoa tím khi vào mùa thu hoạch.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con ở các địa phương này đang tất bật vào mùa thu hoạch cây nhân trần. Đặc tính của cây nhân trần là dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu được hạn, đầu tư ít đạt năng suất cao, thị trường ưa chuộng.

Một sào nhân trần có thể thu về từ 2 - 2,5 tạ cây sau khi đã phơi khô, giá thu mua hiện tại từ 30.000 – 40.000 đồng/kg.

Nhờ dày công chăm sóc, hơn 5 sào nhân trần vụ này của gia đình ông Phạm Văn Hồng (SN 1968, trú xóm 6B – Tân Yên, xã Tiến Thành) đạt năng suất khá cao.

Vợ chồng ông Phạm Văn Hồng phấn khởi thu hoạch nhân trần.
Cây nhân trần gắn bó với gia đình bà Trần Thị Liệu đã hàng chục năm nay.

Ông Hồng chia sẻ: “Chi phí bỏ ra trồng cây nhân trần không lớn, tuy nhiên công chăm sóc, làm cỏ rất lớn. Với hơn 5 sào sẽ được hơn 8 tạ cây phơi khô, mang về thu nhập cả vụ gần 30 triệu đồng”.

Cạnh thửa ruộng của ông Hồng, gia đình bà Trần Thị Liệu (SN 1972, trú xóm 6A – Tân Yên, xã Tiến Thành) cũng đang hối hả thu hoạch hơn 4 sào nhân trần. 

“Đối với cây đã phơi khô, mỗi khi khan hiếm thì có giá khoảng 5-7 triệu đồng/tạ. Năm nay diện tích trồng nhân trần của người dân tăng lên nhiều nên thời điểm hiện tại giá thu mua còn thấp, chỉ đạt từ 3 – 4 triệu đồng/tạ”, bà Liệu chia sẻ.

Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, người dân thu hoạch để bán cho thương lái.
Nhiều diện tích được HTX dịch vụ nông nghiệp thu mua, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Theo bà con địa phương, so với trồng lúa thì năng suất của nhân trần cao hơn nhiều. Một sào lúa vụ này chỉ đạt 2 – 3 tạ, giá bán chỉ được khoảng trên 1,5 triệu đồng. Còn nhân trần sẽ được bán hơn 6 triệu đồng/sào.

Trước đây, vào vụ hè thu, gần 2 sào ruộng của bà Nguyễn Thị Nhu (SN 1972, trú xã Mã Thành) thường xuyên bị bỏ hoang do hạn hán. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi sang trồng cây nhân trần đã mang lại hiệu quả hơn hẳn.

“Gần 2 sào nhân trần vụ này sẽ mang về khoảng gần 5 tạ cây khô. Dự kiến trừ chi phí, công chăm sóc tôi sẽ bán được từ 12 – 15 triệu đồng”, bà Nhu phấn khởi nói.

Cây nhân trần chịu được hạn đã được người dân trồng thay thế vụ lúa kém hiệu quả.
Cây nhổ lên sẽ được phơi khô rồi chờ thương lái đến thu mua.

Chủ tịch UBND xã Tiến Thành Phan Văn Vũ cho biết, nhiều năm qua cây nhân trần được xem là cây trồng chủ lực của địa phương trong thời điểm nắng hạn hàng năm. Từ tháng 6, bà con đã gieo giống, sau gần 3 tháng cho thu hoạch. Vụ này, toàn xã có hơn 100 hộ dân trồng trên diện tích khoảng 16ha, trong đó 5,5ha được chuyển đổi trồng trên đất 2 lúa.

"Cây nhân trần sau khi thu hoạch được thương lái thu mua, hoặc nhập cho các hiệu thuốc bắc, sử dụng để làm nước giải khát nên có bao nhiêu cũng bán hết. Là xã bán sơn địa thường xuyên khô hạn, cây nhân trần đã mang lại thu nhập, giúp nhiều gia đình thoát nghèo”, ông Vũ cho hay.

Tại xã Mã Thành, mặc dù diện tích trồng cây này mới chỉ trên 3ha, với khoảng 20 – 30 hộ trồng. Nhưng giống cây này đã mang lại hiệu quả rõ rệt nên nhiều nông dân đã dần mở rộng diện tích.

Mỗi tạ nhân trần khô được thu mua với giá 3 - 4 triệu đồng.
Thời điểm khan hiếm, mỗi tạ nhân trần có giá từ 5-7 triệu đồng.

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích bà con tiếp tục chuyển đổi cơ cấu, mở rộng vùng trồng để phát triển kinh tế”, lãnh đạo UBND xã Mã Thành cho hay.

Nâng tầm sản phẩm OCOP, tiêu thụ nông sản cho người dân 

Chủ tịch UBND xã Tiến Thành Phan Văn Vũ thông tin thêm, cây nhân trần bén rễ trên vùng đất này từ rất lâu và hàng năm cho thu nhập cao. Đây cũng là hướng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi vùng này thường xuyên bị hạn hán.

Năm 2022, diện tích trồng cây nhân trần tại địa phương này hơn 11ha đã mang về thu nhập gần 2 tỷ đồng cho người dân. Năm nay với hơn 16ha sẽ đem lại năng suất hơn 70 tấn, ước tính thu nhập cả vụ đạt gần 2,5 tỷ đồng. 

Những gói trà túi lọc được sản xuất từ cây nhân trần

Cây nhân trần ở vùng đất này đã được công nhận VietGAP. Cuối năm 2022, sản phẩm trà túi lọc nhân trần của HTX dịch vụ nông nghiệp Tiến Thành được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn 3 sao. 

Sản phẩm này đã được bày bán, phân phối ở các địa phương như: Hà Nội, TP Vinh..., và được nhiều người ưa chuộng.

Trà túi lọc nhân trần là sản phẩm OCOP 3 sao, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, ông Nguyễn Văn Dương cho biết, cây nhân trần hiện được sản xuất ở xã Tiến Thành và Mã Thành phù hợp với điều kiện đồng đất, mang lại giá trị kinh tế cao, đầu ra được đảm bảo. 

“Việc đầu tư dây chuyền chế biến trà túi lọc (sản phẩm OCOP 3 sao) của HTX dịch vụ nông nghiệp Tiến Thành đã thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Trong thời gian tới, huyện sẽ mở rộng trồng giống cây này trên diện tích màu và gieo trồng lúa kém hiệu quả ở một số địa phương để phát triển kinh tế”, ông Dương nói.

Việt Hòa