Trước cuộc chiến giành giật khách hàng ngày càng trở nên quyết liệt, ngoài các phương thức tiếp cận khách hàng truyền thống như phát tờ rơi, nhắn tin, gọi điện, treo quảng cáo…, các chủ đầu tư, đơn vị phân phối đã đẻ ra không ít chiêu quảng cáo “độc”.

Nội dung ngày càng “bá đạo”

Thay vì nội dung quảng cáo trước đây chỉ có thông tin dự án, tiện ích xung quanh, những ưu đãi đối với khách hàng… và một thứ không thể thiếu đó là số điện thoại liên hệ, thì nay, việc tiếp cận khách hàng bằng cách chế theo phim “hot”, sử dụng hình ảnh “sốc”, dùng ngôn ngữ phản cảm lại là một trong những chiêu trò quảng cáo đánh vào tâm lý người mua nhà, nhằm hút khách của các doanh nghiệp địa ốc.

Đơn cử, bộ phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” đang là tâm điểm đón chờ của nhiều người trong thời gian qua. Tận dụng sức nóng của bộ phim này, một số doanh nghiệp địa ốc đã lấy hình ảnh nhân vật trong phim kèm theo những lời quảng cáo “sốc” như: “Chỉ 30 triệu đồng/m2, lo gì cảnh sống chung với mẹ chồng”, hay “Chung cư cao cấp, tiện ích năm sao, giá không hề cao”…

Tình trạng tràn lan các quảng cáo tự chế, tự phổ cập rộng rãi vào những nội dung giật gân, câu khách chủ yếu do các sàn phân phối tự thống nhất, mà không có sự trao đổi với chủ đầu tư

{keywords}

Các cò đất nghĩ ra rất nhiều chiêu trò, thậm chí phản cảm để mới chào người mua đất nền.

Chung cảnh ngộ, bộ phim “Người phán xử” cũng được sử dụng cho những chiêu thức quảng này. Một nhân viên môi giới đã lấy nhân vật Phan Hải (con của một ông trùm) trong phim làm “hình đại diện”, cùng những lời thoại “độc” như: “Con đã nói với Bố rồi, chỉ có ở chung cư AB mới là tốt nhất. Vừa đẹp, tiện ích nhiều, đi lại thuận lợi mà giá lại rẻ. Không tin Bố thử liên hệ vào số điện thoại 0986434xxx hỏi thử xem…”.

Trước đó, chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề, cò đất nghĩ ra đủ chiêu câu khách thời xuống giá. Chỉ với một tờ giấy A4 được in trắng đen, nhưng những tờ giấy này ghi những câu gây chú ý như: “Em đang bị ngân hàng siết nợ, cần bán gấp lô đất nền tại quận 9 giá rẻ, anh, chị mua em thuê xe ô tô đưa xuống xem”, hay “vợ ngoại tình, cần bán gấp lô đất nền tại Hóc Môn giá chỉ 199 triệu”…, đã bao phủ khắp ngõ ngách trên địa bàn TP.HCM.

Ngoài những chiêu trò trên, giới cò đất còn “tấn công” khách hàng bằng tin nhắn, gọi điện (telesales) với nội dung chào bán bất động sản suốt ngày, đêm, khiến không ít người than phiền. Cũng đã không ít người thắc mắc, tại sao họ lại có số điện thoại của mình để không kể giờ giấc gọi liên tiếp như vậy và cuộc gọi luôn hỏi đúng tên.

“Nhiều lúc đang dở việc thì số lạ gọi đến, cứ tưởng ai đó có chuyện gì quan trọng, nhưng khi nghe máy mới biết mời mua nhà giá rẻ… Có những hôm đi làm về mệt, 11h khuya rồi mà vẫn bị các cuộc điện thoại số lạ này tấn công”, chị Xuân, trưởng phòng kinh doanh một công ty tại quận 3 than phiền.

Hiệu quả tới đâu

Qua trao đổi với phóng viên, nhiều môi giới cho rằng, những phương thức quảng cáo này rất hay, hài hước và sáng tạo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều cho rằng, nó hơi trẻ con, thiếu tính nghiêm túc và chỉ phù hợp với những môi giới mới vào nghề.

Anh Khoan, một môi giới nhà đất lâu năm cho biết, lý do khiến các sàn bất động sản ưa thích các chiêu trò quảng cáo “độc nhất vô nhị” như hiện nay là bởi cách thức này dễ kích thích sự tò mò của khách hàng, khiến họ chú ý nhiều hơn đến sản phẩm. Từ đó, sẽ tạo ra cơ hội cho người bán mở rộng số lượng khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên, hiệu quả của từng mẫu quảng cáo này đến đâu sẽ là câu chuyện dài và có nhiều tranh cãi. Đồng thời, điều này còn phụ thuộc vào mục đích của người tạo ra nó. Dẫu biết, sáng tạo trong các thông điệp quảng cáo, PR là rất quan trọng, nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi thông điệp đó phải tôn trọng sự thật và đúng nhu cầu, tâm lý của nhóm đối tượng mục tiêu.

Đứng ở góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, cách làm này giống như con dao hai lưỡi. Dù có thể bán được nhiều hàng hơn, các dự án được chú ý hơn, nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chính các chủ đầu tư. Bởi hầu hết các doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường ít dùng cách quảng cáo “giật tóc, móc mắt” để tiếp cận khách hàng, do không phù hợp với tiêu chí sản phẩm mà họ hướng tới.

“Tình trạng tràn lan các quảng cáo tự chế, tự phổ cập rộng rãi vào những nội dung giật gân, câu khách chủ yếu do các sàn phân phối tự thống nhất, mà không có sự trao đổi với chủ đầu tư. Việc làm này rất có thể sẽ kéo theo sự chối bỏ của khách hàng đối với những dự án được quảng cáo phản cảm”, một số chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.

(Theo Báo Đầu tư Bất động sản)