Đặc biệt đây là cơ hội để chính quyền thấy hết tấm lòng sắt son với đất nước của nhân dân từ Bắc đến Nam, từ khắp năm châu -bốn biển dội về! Đó chính là sự bội thu.
Dân gian có câu: "Cạn đìa mới biết Lóc, Trê/ Bày lưng mới biết Rô hay Sặc".
Biển Đông tuy đang dậy sóng, nhưng đã "bày lưng" đủ "các loại cá".
Chung dòng văn hóa
Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 làm cả thế giới thấy rõ TQ có "trỗi dậy hòa bình" như họ nói hay không? Riêng Việt Nam, đây là cơ hội để chính quyền thấy hết tấm lòng sắt son với đất nước của nhân dân từ Bắc đến Nam, từ khắp năm châu -bốn biển dội về! Đó chính là sự "bội thu"- là hai chữ DÂN TIN và TIN DÂN.
Ảnh: Kiên Trung |
Còn nhớ, lãnh đạo TQ có lần nói với Việt Nam: "VN và TQ có chung một dòng chảy văn hóa". Một câu nhiều ngụ ý sâu xa. Tôi thử giải mã: VN và TQ không chỉ chung một đại lục Á- Âu mà còn là láng giềng "núi liền núi, sông liền sông". Trải qua lịch sử bốn ngàn năm, nhưng tính theo văn tự ghi chép từ đầu Công nguyên, thì TQ đô hộ VN trên 1.100 năm, còn 1.000 năm độc lập, nhưng cũng phải chiến đấu chống TQ xâm lược hàng chục lần khác nhau.
Đặc biệt từ 1974 đến 2014, trong 40 năm gần đây nhất, đồng chí và hữu nghị nhất, nhưng TQ cũng nhiều lần gây hấn ở biên giới đất liền VN, chiếm đảo Hoàng Sa, đảo Gạc-Ma và nay dùng giàn khoan dầu cắm sâu vào lãnh hải VN 40 hải lý…. Với các nước láng giềng có chung biên giới đất liền và lãnh hải với TQ như: Triều Tiên, Nhật Bản, Philippines, Nga, Mông Cổ, Ấn Độ, Nê-Pan, Myanmar, Lào..., TQ đều có lối hành xử tham lam lãnh thổ và biển đảo như vậy, nhất là Nga và Ấn Độ bị mất đất về tay TQ không ít.
Song, có lẽ hiếm có quốc gia nào như VN “được” láng giềng TQ có những động thái kỳ lạ tác động, gây ảnh hưởng triền miên, liên tục và… toàn diện. Ngay cả trong giao thương, thương lái TQ mua của VN những thứ lá, rễ, củ, quả và những mặt hàng “kỳ quái”, tạo ra sự "thăng giáng- chấn động” với nền nông nghiệp VN.
Rõ ràng dòng chảy văn hóa đó phải chăng là văn hóa có nguồn gốc hàng ngàn năm của các dân tộc nông dân và các quốc gia nông nghiệp Á- Đông nặng về cảm tính?
Xác định điều này rất quan trọng, vì nó sẽ là cơ sở để ta xem xét lại ta, kể cả những thứ mà ta hay gọi là "văn hóa truyền thống" có thật sự là văn minh, có lợi cho dân tộc tân tiến hay không?
Văn hóa đó ứng vào "đường lưỡi bò", vào Hoàng Sa 1974, Gạc-ma 1988 và giàn khoan 981 hiện nay là "dòng chảy văn hóa" bắt đầu từ đâu, mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho là "hữu nghị viển vông, lệ thuộc" không thể đổi bằng chủ quyền dân tộc?
Trung Quốc khó lòng “chặt đôi trôi ghe”
Dù chính quyền TQ rất thèm thuồng và có nhiều mưu kế khiêu khích để VN nổi nóng, rơi vào “bẫy” và TQ có cớ ra tay. Nhưng tôi vẫn tin, người VN chúng ta không hề run sợ. Trong hoàn cảnh quan hệ đan xen lợi ích các nước lớn và giữa TQ với VN, TQ sẽ khó lòng "chặt đôi trôi ghe".
Hãy nhìn xem các quốc gia chia sẻ những giá trị gì? Nước Anh, Pháp, Đức... từng là trung tâm của thực dân đế quốc ở mấy thế kỷ trước, nhưng nay các nước láng giềng của họ có ai trong tình cảnh như các nước láng giềng của "Đại Hán" hay không?
... Biển Đông dậy sóng đã ba tuần nay. Vòi rồng tàu TQ hút không cạn nước Hoàng Sa, nhưng cái "ao làng" của "đồng chí" đã cạn và cá đã … bày lưng!
Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần nhanh chân bước từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp, trên nền tảng dựa vào nội lực chính mình. Mà, bài học muôn đời, muốn dựa vào nội lực, phải TIN DÂN và được DÂN TIN.
Nguyễn Minh Nhị (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)
Xem thêm các bài |