Có niềm đam mê với những “cục bông di động” từ lâu nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Lê Văn Nguyên (trú tại xóm 4, xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) không chọn con đường học lên Đại học như bạn bè cùng trang lứa mà chọn công việc tại một trại chăn nuôi thỏ ở Chương Mỹ (Hà Nội) để học việc.

“Nhận thấy thỏ rất dễ nuôi, dễ thích nghi với môi trường sống, chủ yếu ăn các loại rau củ quả như rau muống, rau khoai lang, cà rốt và các loại cỏ sạch có sẵn ở quê. Hơn nữa, thỏ lại là loại sạch sẽ hơn các con vật khác và không gây tiếng ồn nên tôi quyết tâm tìm hiểu thực tế’, anh Nguyên cho biết.

{keywords}
Giống thỏ nhập ngoại có trọng lượng lớn, dễ nuôi và sinh sản nhiều.

Sau thời gian làm việc tại trại thỏ, tích cóp được 20 triệu đồng, anh liền đặt vấn đề mua 100 cặp thỏ giống New Zealand thuần chủng về quê để khởi nghiệp vì thấy đây là giống thỏ nhập ngoại, trọng lượng lớn, dễ nuôi, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, mà giá bán ngoài thị trường có giá cao. Nhờ khéo léo và vận dụng đúng phương pháp chăn nuôi, chỉ sau 3 tháng, anh chọn ra 100 thỏ cái và 20 thỏ đực làm giống, số thỏ còn lại anh bán được gần 20 triệu đồng.

“Tôi tìm hiểu thấy thỏ mắn đẻ nên giữ lại 100 con thỏ cái và 20 thỏ đực để nhân giống. Với kế hoạch nuôi thỏ quy mô lớn, tôi nhờ bố mẹ vay mượn anh em họ hàng thêm 150 triệu để xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi rộng 150m2 và trồng gần 1 mẫu cỏ Gine Mombasa để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ”, anh Nguyên chia sẻ thêm.

{keywords}
Thức ăn cho thỏ chủ yếu là các loại rau cỏ có sẵn và giống cỏ xả cho năng suất cao.

Chỉ sau 4 tháng, đàn thỏ mẹ cho ra đời hơn 400 con thỏ con. Nếu chăm sóc tốt, mỗi con thỏ cái có thể sinh sản được 7 lứa/ năm, mỗi lứa từ 7 – 10 con. Sau 3 tháng thả nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2,2 – 3 kg thì tiến hành xuất bán, với giá từ 80-100.000 đồng/ kg. Đối với thỏ làm giống sau khi tách mẹ đạt 0,6-0,7kg/con thì anh bán cho các hộ nuôi thỏ xung quanh khu vực với giá từ 150 – 170 nghìn đồng/cặp.

Thỏ sinh sản theo cấp số nhân, để đáp ứng được chuồng trại cho đàn thỏ, anh Nguyên tiếp tục mở rộng thêm khu vực chăn nuôi, đầu tư thêm lồng, lắp hệ thống quạt thông gió để thỏ được phát triển tốt.

{keywords}
Mỗi thỏ cái sinh sản có thể đẻ được 6-7 lứa/năm, mỗi lứa từ 7-10 con.

Anh Nguyên cho rằng, thỏ rất dễ nuôi, dễ thích nghi với môi trường sống, tuy nhiên khâu chăm sóc cần sự tỉ mỉ, đòi hỏi người nuôi phải có đam mê với nghề. Đặc biệt, thỏ là loài gặm nhấm nên tất cả các phương thức từ cách chăm sóc đến cho ăn đều phải tuân thủ về mặt thời gian theo một quy tắc nhất định.

“Thỏ là loài gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch nên hàng ngày cần làm vệ sinh lồng nuôi, chuồng nuôi; định kỳ sát trùng lồng, chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ; cần cung cấp cho thỏ đầy đủ thức ăn và nuớc uống sạch sẽ, chất lượng tốt. Các bệnh thỏ thường mắc là bệnh bại huyết, bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng ..v..v. nên phải tiêm phòng đúng thời điểm để chống bệnh cho thỏ”, anh Nguyên phân tích.

{keywords}
Mỗi tháng, Trại thỏ Yên Thành của anh Nguyên cung cấp 1.500 con thỏ giống và gần 1 tấn thỏ thương phẩm ra thị trường.

Nói thêm về phương pháp nuôi thỏ sinh sản, anh Nguyên cho biết, thỏ đực phối giống cực nhanh, mỗi lần chỉ chừng 2 phút, mỗi con thỏ đực có thể phối giống cho 5-6 con thỏ cái 1 ngày. Thỏ cái lại mắn đẻ, mỗi năm có thể đẻ được 6-7 lứa. Mỗi con thỏ giống được nuôi trong một ô rộng khoảng 0,5m2, mỗi ô đều được gắn một mã để theo dõi ngày phối giống. 

 “Thỏ nuôi sau 4 tháng là bắt đầu sinh sản, khi quan sát bộ phận sinh dục của con cái thấy màu đỏ hồng thì bắt sang chuồng con đực để chúng giao phối, chỉ sau 2 phút là “xong 1 nháy”, để cho chắc ăn tôi đưa thỏ cái sang con đực kế bên làm "nháy" nữa. Thỏ sau khi đã giao phối, đưa về vị trí cũ, qua giai đoạn “thai nghén” khoảng 32 ngày là đẻ, mỗi lần đẻ giao động 9 - 10 con, mình tuyển lại khoảng 6 đến 7 con cho ở chung với con mẹ, để nó tiếp tục nuôi con, đảm bảo chất lượng, nuôi sau 35 ngày là tách mẹ, nuôi riêng”, anh Nguyên nói.

Đến nay, sau hơn 4 năm khởi nghiệp từ thỏ, anh Nguyên đã sở hữu trại thỏ lớn nhất huyện Yên Thành với  hơn 500 thỏ sinh sản và 1.000 thỏ thương phẩm gối đầu. Mỗi tháng, trại thỏ nhà anh cung cấp khoảng 1.500 con thỏ giống và 1 tấn thỏ thương phẩm ra thị trường. Ngoài ra, anh còn cung cấp con giống và nhận bao tiêu sản phẩm cho 7 trại thỏ khác trong khu vực và xuất bán cho các doanh nghiệp, nhà hàng khắp khu vực Nghệ An và các tỉnh lân cận. Từ việc nuôi thỏ ngoại, sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm anh thu về gần 600 triệu đồng.

{keywords}
Sau hơn 4 năm, anh Nguyên đã sở hữu khu chuồng trại rộng hơn 300m2 quy mô lớn nhất huyện Yên Thành.

Ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho biết, nghề nuôi thỏ thịt đã có từ lâu, ở Nghệ An nuôi phổ biến ở một số huyện như: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ…Tuy nhiên, người dân nuôi vẫn còn nhỏ lẻ và mang tính chất tự cung tự cấp là chính, một phần vì lo ngại đầu ra cho sản phẩm nên không giám tăng đàn.

“Thời gian gần đây, do dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi nên việc chăn nuôi các loại gia súc gia cầm gặp nhiều khó khăn, người dân đã mạnh giạn đầu tư về nuôi thỏ nhiều hơn và số lượng lớn hơn, trại thỏ của anh Nguyên là một trong những số đó. Anh Nguyên là người năng động, nắm kiến thức khoa học kỹ thuật rất chắc chắn nên đã thành công trong việc nuôi thỏ quy mô lớn, cung cấp con giống và bao tiêu thỏ thương phẩm cho một số trại chăn nuôi khác”, ông Thắng cho biết thêm.

(Theo Dân Việt)