Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, ông Đặng Trần Thuỳ, Tổng giám đốc công ty đúc kim loại Kyoyo Việt Nam bày tỏ: Chủ trương của chính phủ đang rất tốt. Nhà nước cố gắng tạo ra các nhiều chính sách ưu đãi để cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Nhưng về mặt triển khai, tôi thấy là doanh nghiệp tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận những nguồn vốn đó.
“Ví dụ như rào cản về chủ trương đầu tư, rào cản về một số cái điều kiện như là để tiếp cận được vốn thì phải có tài sản thế chấp chẳng hạn. Hiện tại công ty tôi vẫn chưa có những điều kiện để có tài sản thế chấp”, ông Thuỳ cho biết.
Theo ông Thuỳ, việc vay ngân hàng của donah nghiệp cũng gặp khó tương tự như thế. Để vay được vốn ngân hàng thì phải có sổ đỏ, có tài sản khác…
Vốn cho CNHT: Chủ trương đúng nhưng triển khai quá nhiều rào cản |
“Chúng tôi đã tiếp cận bằng cách là vay vốn từ máy móc thiết bị nhưng cũng có rất nhiều những cái điều kiện ràng buộc nên cũng không vay vốn được từ máy móc thiết bị đó. Hiện tại bây giờ, chỉ có một hướng có khả năng triển khai được. Đó là vay vốn ngắn hạn, chúng tôi phải bắt buộc là phải vay vốn ngắn hạn để hoạt động đầu tư”, ông Thuỳ chia sẻ.
Tháng 7, mặc dù dịch còn phức tạp nhưng Kyoyo Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng nhà máy mới tại Hà Tây với công suất 50 tấn sản phẩm/tháng. Tổng vốn đầu tư khá lớn. Nhưng theo vị TGĐ Kyoyo Việt Nam, hiện đơn vị đang phải chịu suất ngân hàng là 8-10%.
Ông Đặng Trần Thùy đề nghị, Chính phủ cũng nên bám sát với doanh nghiệp. Có thể là lắng nghe các doanh nghiệp, rồi có những hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện để làm sao hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Sản xuất CNHT đòi hỏi vốn lớn |
Tương tự như vậy, công ty TNHH Denko Việt Nam mới mở thêm nhà máy tại KCN Bình Thiên 2, Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng. Đơn vị hoạt động đã hơn 10 năm nhưng cũng chưa được hưởng ưu đãi tiếp cận tín dụng nào.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc kinh doanh của Denko cho biết, chúng tôi gặp khá nhiều khó khan do dịch, trong đó có vấn đề vốn. Nhà nước có chủ trương, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp từ lâu và chúng tôi hết sức thông cảm khi những chính sách đó chưa về đến DN.
“Chúng tôi vẫn kì vọng là sự hỗ trợ của Chính phủ đối với DN sẽ sát thực tế hơn, cụ thể hóa hơn”, ông Hùng nói.
Chia sẻ điều này, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ nhìn nhận: Dù chính sách có đầy đủ nhưng để doanh nghiệp đạt tiêu chí ưu đãi là quá khó. Nhiều quy định không thực tế, gây khó cho doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp sau khi nghiên cứu xong, đã nản chí, bỏ. Bởi vì họ thấy rằng, “chờ được vạ thì má đã sưng”. Họ thà sử dụng nguồn vốn khác thay vì theo đuổi xin hỗ trợ vốn của Nhà nước”, bà Bình cho hay.
Chính vì thế, chính sách cấp bù lãi suất được coi là điểm mới hấp dẫn nhất trong Nghị quyết 115 của Chính phủ về các giải pháp phát triển CNHT. Tuy nhiên, đa phần, các doanh nghiệp cho rằng, các quy định cụ thể hoá chính sách này tới đây cần được Bộ Công Thương soạn thảo phải sát thực tế hơn thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được.
Băng Dương